(HBĐT) - Chín giờ sáng mà sương mù vẫn đặc phố. Hùng định pha một ấm trà thật ngon trước khi ngồi vào bàn đang chất đống giấy tờ. Cái thứ "doping” chát sánh đến quặn ruột này có thể vắt kiệt sức vóc, trí não để chiết xuất ra những ý tưởng cho một kịch bản truyền hình, một bài báo chất lừ. Ấy thế mà, cái lọ đựng trà sạch nhẵn, mấy gói trà bọc giấy bạc vàng ánh thì hết hạn sử dụng. Hùng nhìn bình nước nóng đang sôi réo mà tưng hửng.



Thiếu trà, ngồi vào bàn, đầu óc Hùng lan man đủ thứ. Trà cũng là một thứ đạo, đạo mang cốt cách con người. Những hạng màu mè nhưng nhạt toẹt thật uổng phí. Phải là thứ khúc khuỷu, vâm váp và sánh chát, chật nhựa sống. 
Chẳng biết vì sao mà "cơn nghiện” trà hay nghiện người ấy như một cơn lốc đã nhấc bổng Hùng ra khỏi căn phòng chật chội giữa con phố đông đúc nhất thành phố để ném phịch anh xuống cái ghế đôn bằng mây đã đen bóng của Lâm ở bản Dao dưới chân ngọn núi phía Bắc con sông Đà.
Nhìn dáng vẻ tráng ấm, chiêu nước sôi từ trên bếp lửa của Lâm, Hùng thấy khoái trí.
- Ai ngờ được ở đất Hòa Bình của ông lại có thứ trà độc đáo thế. Uống vào đâm nghiện, chả muốn uống gì khác.
Lâm ngửa mặt lên cười hềnh hệch. Những chiếc răng bàn cuốc to và thô y như cái chất bộc tệch, nóng nảy nhưng thật bụng và năng nổ của gã:
- Chắc bác mải theo dõi các em chân dài ở phố nên chả để ý. Hòa Bình trên em bây giờ quý ở cây, con giống truyền thống nhưng nuôi, trồng chế biến theo phương thức hiện đại nên hiệu quả cao bác ạ. Con gà, con lợn, quả quýt, lá thuốc… nó lành, nó thật, nó không phản mình, à tức là cái gì nhỉ, không tác dụng phụ đó.
Không thèm bắt vào câu chuyện của Lâm, nhấp một ngụm trà đặc tưởng như vừa tráng lớp men xanh ngắt vào thành ruột, Hùng rít một hơi thuốc rồi nhìn vào mắt Lâm:
- Lâm là rừng, ngày xưa chắc các cụ nhà ông yêu rừng lắm nhỉ? Nhưng tôi thấy có dạo ông cũng thuộc loại "ngang dọc” cánh rừng này đấy chứ…
Nghe thấy thế, Lâm bỗng đưa tay gãi gãi mái tóc cắt ngắn, giờ đã nhan nhản những sợi bạch kim của gã.
- Bác cứ xoáy thằng em mãi. Thì… hồi xưa em là thằng chặt cây, phá rừng khỏe nhất bản đấy thôi. Nhưng mà rừng 40 năm mới có cái cây bằng cột nhà này, nhưng thằng người mới 16 tuổi đã biết chặt gỗ. Rừng chỉ hút màu, uống mưa, thằng người thì cần đủ thứ để chi phí như ma chay, cưới xin, mừng nhà mới… Người thì ăn rừng, rừng đâu ăn được người. Thế là chẳng mấy chốc đồi trọc, rừng hết, bác bảo có đúng là tự đẩy mình đến bờ vực không?
Thấy Lâm bỗng mồm miệng giảo hoạt, Hùng đâm ra tò mò, anh bật chế độ ghi âm từ chiếc smart phone rồi nghiêm mặt hỏi lại:
- Thế con đường nào đã đưa ông đến với cây chè quý này, mà đâm ra lại ấm, lại ngon chứ nhỉ?
- Để em kể dần với bác…
Lâm lặng lẽ nhấn nhả từng câu, từng chữ như một người đi đường trơn thận trọng bấm từng bước chân. 
Ngày đó, mưa rừng như không ngớt. Những con đường mòn vốn khô cứng bỗng hóa những dòng suối hung hãn. Lũ về, người dân bản chỉ quen thấy nước từng dâng lên những năm sông Đà nước lớn chứ chưa từng thấy nước từ trên núi dội xuống. Người ta đành phó mặc gà, lợn, ngô, thóc… để bế trẻ con, cõng người già bỏ chạy… Sau trận lũ ấy, khi mọi thứ dần trở lại, đám trai bản lại tụ tập bên mâm rượu định ngày lên rừng chặt tiếp số cây để bù lại những gì rừng đã lấy đi của họ. Tất cả ánh mắt nhìn về phía Lâm, cái thằng đã nhớ mặt từng cái cây, đã xuống tận nhà uống rượu với dân thu mua gỗ. Bỗng Lâm nâng bát, uống một ngụm rượu lớn, mặt đỏ bừng tiến lại vách nhà, rút một con dao sáng loáng bước đến cái cột nhà. Cả bọn tròn mắt còn chưa hiểu chuyện gì thì đã nghe tiếng "phập”, lưỡi  dao ngậm trong cột.
- Thằng Lâm tao thề độc, từ nay sẽ không chặt thêm một cây rừng nào trên núi nữa. Còn rừng thì còn bản, phải nuôi rừng, chứ đừng giết rừng nữa… 
Nghe đến đây, Hùng khoái chí cười khùng khục:
- Rồi bọn họ có nghe theo ông không?
- Có chứ anh - Lâm vừa tỏ ra ngài ngại vừa tự hào - em là thằng nói là làm, lời nói như dao chém. Ban đầu, chúng nó hỏi không lên rừng thì lấy gì ăn? Em bảo: "Mang giống chè shan tuyết ăn sương, uống gió trên núi Biều về mà trồng”. Chúng nó lại hỏi: "Trồng cái cây đấy thì đợi bao giờ mới đủ ăn, mới có xe máy, ti vi như người dưới xuôi được?” Em bảo: "Đấy là báu vật của tổ tiên, cây về vườn nhà một lần là đủ, mình chăm nó, nó trả ơn cho mình hái lá, hái búp, cả đời nó nuôi mình, ai cũng được lợi mà chả hại đến ai”.
- Ông được đấy - Hùng vỗ mạnh vào vai Lâm - tôi biết rất nhiều nơi trên tỉnh Hòa Bình, bà con ta không cần đi nước ngoài hay làm ăn xa mà từ ngay trên đất nhà mình, cùng nghĩ, cùng làm mà khấm khá lên.
Lâm có vẻ đăm chiêu rót thêm một lượt trà vào chén cho Hùng.
- Thật ra, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều giúp dân mình văn minh, tiến bộ, ấm no lên phải không bác. Nhưng quan trọng là không phải ai nghe cũng hiểu, hiểu rồi có dám làm hay không? Em nghĩ, mình là đảng viên, được tuyên thệ dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc thì phải làm trước, làm hay, làm giỏi thì dân mình sẽ tức khắc làm theo. Để nghị quyết của Đảng, của tỉnh đi vào lòng dân thì em thấy người  trưởng thôn, trưởng bản như mình có một phần trách nhiệm nhỏ bé. Khi xem báo, nghe đài về kết quả thực hiện nghị quyết của đảng về xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh mình, em thấy nhiều huyện xã, anh em các dân tộc cùng nghĩ, cũng làm như mình, vui lắm.
- Nói thật - Hùng trầm ngâm - ban đầu, tôi nhớ ra ông là từ cái bao bì gói chè này, nhưng khi nhìn thấy nó, tôi cũng đâm lo, các ông trồng nhiều thế rồi chế biến, tiêu thụ thế nào?
- Cái đó còn khó hơn ngày xưa vào rừng săn con thú đấy bác ạ. Đi săn hơn nhau cái mắt, giờ thì còn phải thêm cái tai. Em đã lặn lội sang Phú Thọ, về tận Hải Dương và nhiều tỉnh để học hỏi người đi trước. Học rồi về thì vẫn có "hòn đá tảng” chắn ngang đường, cái cần nhất thì bà con mình lại thiếu nhất, bác biết là cái gì không?
- Vốn - Hùng quả quyết.
- Đúng đó bác, làm sao để có vốn? Nhưng mình có thứ vốn khác, đây là các chính sách ưu đãi vay vốn, là sự quan tâm của các cấp, cán bộ tỉnh, huyện, xã… "Hòn đá tảng” bị bẩy đi rồi là dân ta cứ thế xông lên. Đây bác xem, bà con giờ có "tha” cho miếng đất nào đâu, chỗ nào cũng xanh bóng chè. Đưa rừng chè về nhà, nhà ở giữa rừng, ấm no từ bàn tay mình phải không bác.
Hai người đang say sưa với câu chuyện cũ thì bỗng nhiên, ngoài cửa có tiếng chó sủa vang, Lâm chạy ra ngó đã thấy mấy người kéo đến. Một người nhận ra Hùng lao đến ôm chầm lấy anh.
- Anh Hùng nhà văn, nhà báo phải không? Còn nhớ em không, em Cường đây.
Hùng quá bất ngờ, bình tĩnh lại, anh kéo ghế mây mời người đó ngồi xuống. Nhưng quả thật, dù đã vắt óc anh cũng vẫn không thể nhớ ra người này là ai. Lâm thấy thế liền giới thiệu:
- Đây là Cường, Cường kể hồi sinh viên từng có lần được gặp anh. Chắc giờ thấy nó đen đúa anh không nhận ra đúng không? Cán bộ cũng đâu có được ngồi bàn giấy mà cùng chia sẻ với dân, lặn lội cùng dân vất vả mà. 
Cường nhìn Hùng với anh mắt vui mừng:
- Lần này lên đây anh phải viết một bài báo, à phải cả một kịch bản phim về người Dao, người Mường, người Tày, người Mông… trên quê hương em đó nhé. Mà anh yên tâm, bà con đều đồng lòng với tinh thần nghị quyết của Đảng là phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Trong mâm cơm đầm ấm, nói như Lâm là "Anh lên thì em làm bữa cơm đón Tết sớm”, Hùng nghe được những đổi thay từ câu chuyện trong gia đình của mỗi người. Dường như cái nghèo, cái khó kìm hãm mỗi người dân như sợi dây trói đều được tháo bỏ bởi sự đồng lòng của bà con và chính quyền, của cộng đồng làng bản. Cầm trên tay túi trà shan tuyết Núi Biều nhìn rừng chè xanh mát, lòng Hùng dâng lên một cảm xúc. Chắn chắn anh phải viết một cái gì đó về mảnh đất này, nơi có những con người chân chất, mộc mạc như cây chè, cây dổi, cây cam… bám chắc lấy đất, không ngại nắng mưa, sương gió trụ vững và tạo nên hương thơm và mật ngọt. Nơi mà mọi chủ trương, chính sách đều đi vào cuộc sống làm nên sự no ấm và bình yên trong mỗi ngôi nhà…


Bùi Việt Phương

Các tin khác


Tự hào chữ Mường

(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.

Ấn tượng trang phục người Dao

(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.

Đặc sắc trò chơi dân gian ngày xuân

(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Rộn ràng chiêng Mường

(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.

Khao Roi -lịch cổ độc đáo của người Mường

(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.

Đặc sắc Mo Mường

(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục