(HBĐT) - Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, dịp lễ hội, trên các bản làng dân tộc Tày lại vang lên những điệu múa, lời ca truyền thống và không thể thiếu các làn điệu khắp Tày. Những lời ca mộc mạc, dung dị hòa quyện với âm thanh du dương của tiếng sáo ôi, khèn bè, đàn tính, tạo nên bản nhạc ngọt ngào, sâu lắng làm say lòng người.
Bà con dân tộc Tày, xã Trung Thành (Đà Bắc) thường khắp đối trong các dịp lễ, Tết, cuộc vui của xóm, bản.
Với mỗi dân tộc đều có văn hóa, tín ngưỡng, dân ca dân vũ độc đáo riêng, mang đậm văn hóa truyền thống. Bên cạnh các làn điệu dân ca, dân vũ, khắp Tày được biết đến như một hình thức diễn xướng độc đáo, riêng có của dân tộc Tày. Nghệ nhân ưu tú Lường Đức Chôm, xã Trung Thành (Đà Bắc) cho biết: Khắp Tày là hình thức diễn xướng các bài dân ca, ca dao, trường ca dân tộc Tày. Cái khéo của người trình bày là vận dụng câu hát cổ để đối đáp giao duyên thành vần điệu bố cục chặt chẽ, thu hút người nghe không kể lứa tuổi. Khắp Tày thường được diễn dưới các hình thức như: khắp 1 mình (tự sự), khắp đối (khắp bào sạo hay khắp giao duyên) và khắp thách nhau. Khắp 1 mình thường vào những lúc đi nương rẫy, gặt lúa, tìm bạn tình…, khắp để xua đi mệt mỏi, bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, lời khắp là những lời tự sự của bản thân nói về những vui buồn trong cuộc sống, những thầm kín cá nhân. Với khắp thách nhau, người khởi xướng thường hạ mình hết cỡ để khắp với người đối diện, cuộc khắp được kéo dài đến khi có người không khắp lại được mới dừng. Trong các hình thức khắp, đặc biệt hơn cả là là khắp đối, những làn điệu khắp đối luôn được cất lên ngọt ngào, êm ái và da diết, trở thành chiếc cầu nối duyên cho các chàng trai, cô gái Tày.
Không biết từ bao giờ, hát khắp đã bén sâu vào đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày, trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người Tày. Những câu hát mượt mà, đằm thắm đã đi vào tiềm thức, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Tày. Vào các ngày lễ, Tết, hay các dịp vui như: Mừng nhà mới, cưới hỏi, mừng thọ, mừng thôi nôi… mọi người đến thăm, chúc mừng nhau bằng những lời khắp. Lời khắp được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày, phản ánh sinh động tâm tư, tình cảm của đồng bào, được bà con sáng tạo, vận dụng đưa vào lời khắp. Tùy từng hoàn cảnh, người khắp sẽ vận dụng sáng tạo để có những lời khắp khác nhau. Theo nghệ nhân Lường Đức Chôm, chúng tôi đến nhà bà Lò Thị Sớm, xã Đoàn Kết (Đà Bắc). Cho chúng tôi xem những bài dân ca, ca dao cổ được sưu tầm, bà chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã được nghe, được hát khắp và không biết từ bao giờ, khắp đã ngấm vào máu thịt, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi. Với dân tộc Tày từ xưa đến nay, khắp giao duyên đã trở thành cầu nối cho trai gái trong bản, thông qua lời khắp để gửi gắm tình cảm, lời hẹn hò và nên duyên vợ chồng. Lời ca trong khắp Tày tuy mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn chứa nhiều ý tứ, với cách nói hình ảnh, nhất là khi trai gái trong bản đang tìm bạn đời. Những lời đối đáp mở đầu chứa đựng ý tình của chàng trai: Em xinh tươi như bông hoa rừng, rừng xanh còn cây nứa mọc thẳng/ Em là thanh nữ trăng tròn hay em là gái đã có chồng con/ Nếu chưa có gì thì chúng ta cùng nhau khắp bào sạo thành đôi, thành lứa. Nếu cô gái ưng ý sẽ cất tiếng khắp: Anh ơi, anh là trai bản xa/ Không biết cây rừng làng em còn vươn thẳng, chưa có ai mai dấu chặt cây/ Thân em như tờ giấy trắng/ Mong được hái lá dong lành gói bánh đón xuân/ Mong hái được hao má cài lên tóc em… Những lời khắp đối có thể thấy được trình độ, hiểu biết, cách ứng xử của người hát, nên khi cuộc hát càng dài, đêm xuân càng khuya, khi lời đã ngỏ, ý đã bày tỏ và cả những mối lương duyên đã bắt đầu được nhen nhóm, cũng là lúc những đoạn hát lượn thể hiện sự gắn kết chuyển sang giao duyên, tỏ tình. Đã có rất nhiều đôi trai gái hát với nhau, quen biết rồi gặp gỡ, yêu nhau, nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc, viên mãn.
Với người Tày, trong các cuộc vui, không có khắp sẽ thiếu đi sự rôm rả, kết nối với nhau. Do đó, khắp đối và khắp thách nhau thường được người dân thể hiện, có nhiều người tham gia hơn. Khắp đối không chỉ dành riêng cho các chàng trai, cô gái đang tuổi cập kê, mà còn là cuộc vui của bản làng. Mọi người đều có thể tham gia, tùy theo đối tượng để sử dụng những lời khắp đối phù hợp. Trong các cuộc vui, lời khắp vang lên như mê hoặc lòng người, lời hát khắp trầm bổng, rộn ràng hối thúc. Từng lời, từng tiếng như chắt lọc tinh hoa trời đất, đọng lại thành câu khắp. Dẫu chỉ nghe một hay nhiều lần đều có sức hút kỳ lạ, bởi ẩn chứa trong câu khắp đối đáp còn là những khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.
(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.
(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.
(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.
(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.