Đoàn thám sát di tích mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) năm 2022.
Nhóm di tích niên đại văn hóa Hòa Bình giữa
Di tích hang xóm Trại: Tọa lạc tại xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Đoàn địa chất 203 phát hiện hang này năm 1980, cùng năm đó phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra và xác minh; tháng 5/1981, tháng 8/1982, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật di tích, đánh giá đây là di tích tiêu biểu của nền VHHB. Năm 1997, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2008, Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á hợp tác tu bổ hang xóm Trại làm xuất lộ tận gốc tầng văn hóa, tầng văn hóa dày lên đến 5 - 6 m. Đặc biệt nhất trong đợt này đã làm xuất lộ con đường đi cổ, niên đại lên đến 22.000 năm cách ngày nay.
Di tích hang Khoài: Hang nằm ở núi Khoài, thuộc xóm Sun, xã Xăm Khoè (Mai Châu). Năm 1983, hang Khoài được cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện và đào thám sát. Tháng 12/1984, Viện Khảo cổ học và các nhà nghiên cứu khoa học của Liên Xô (cũ) phối hợp Sở Văn hoá - Thông tin Hà Sơn Bình tiến hành khai quật di tích hang Khoài.
Qua kết quả khai quật và nghiên cứu cho thấy sự phát triển liên tục của kỹ nghệ cuội Việt Nam. Di tích có khung niên đại tương đối, khoảng từ 17.000 - 11.000 năm cách ngày nay. Năm 1997, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích mái đá làng Vành: Nằm ở dãy núi Trắng thuộc xóm Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn). Mái đá làng Vành khá rộng, cửa quay về hướng Tây Nam. Mái đá làng Vành được nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và khai quật năm 1929. M.Colani công bố năm 1930 di tích mái đá làng Vành thuộc VHHB, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
Với những giá trị lịch sử và khoa học quý, mái đá làng Vành được cấp bằng công nhận di tích quốc gia năm 2004.
Nhóm di tích niên đại văn hóa Hòa Bình muộn
Di tích hang Muối: Nằm trong núi đá Bưa Bến thuộc thị trấnMãn Đức (Tân Lạc). Tháng 9/1963, đội khai quật của Vụ Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá đã tiến hành khai quật đợt 1; tháng 6 - 7/1965, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật lần thứ 2.
Quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu hang Muối, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hơn 900 hiện vật và 2 mộ táng. Kết quả cuộc khai quật xác định di tích hang Muối thuộc VHHB, có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Di vật thu được ở hang Muối khá phong phú, gồm nhiều loại hình khác nhau mang đặc trưng giai đoạn muộn của VHHB. Năm 1995, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích hang Chổ: Thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn). Hang Chổ được bà M.Colani khai quật năm 1926 (gọi là hang Diêm). Năm 1984, Bảo tàng Hà Sơn Bình phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu khảo sát hang Chổ. Đoàn đã thu thập được rất nhiều hiện vật các loại. Ngày 20/3/1998, Bảo tàng Hoà Bình kết hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khảo sát, nghiên cứu hang Chổ. Năm 1998, Bảo tàng Hoà Bình cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp tiến hành điều tra khảo sát toàn bộ khu vực xã Cao Răm cũ (nay là xã Cao Sơn) và đào thám sát hang Chổ. Kết quả nghiên cứu khẳng định di tích hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hoà Bình, có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay. Năm 2000, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích hang Bưng: Thuộc địa phận xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc). Đầu năm 1973, Ty Văn hóa - Thông tin Hòa Bình phối hợp Bảo tàng lịch sử Việt Nam điều tra, khảo sát hang Bưng.
Di vật tìm thấy ở hang Bưng rất phong phú, đa dạng về chủng loại. Trên cơ sở công cụ lao động và vết tích xương động vật, thực vật tìm thấy trong khai quật, các nhà khảo cổ học đã đưa ra niên đại cho di tích trên 10.000 năm cách ngày nay. Năm 2003, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích hang Tằm: Thuộc xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Đầu năm 1964, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tiến hành khai quật, nghiên cứu toàn bộ di vật, di tích hang Tằm. Công cụ hang Tằm rất phong phú, mang đặc trưng kỹ nghệ của VHHB. Niên đại của di tích hang Tằm hậu kỳ VHHB dưới 10.000 năm cách ngày nay.
Năm 2000, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, di tích này nằm gọn trong khuôn viên sân golf Phượng Hoàng.
Di tích hang Đồng Thớt (hang làng Đồi): Tọa lạc tại thị trấn Ba hàng Đồi (Lạc Thủy). Tháng 9/1926, M.Colani đã phát hiện và khai quật di tích hang Đồng Thớt. Năm 1966, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành khảo sát thăm dò và khai quật ở tầng văn hoá còn nguyên vẹn từ ngày 14 - 30/4/1966, đoàn đã thu thập một khối lượng hiện vật rất lớn.
Về niên đại tương đối cho di tích này từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Năm 2001, di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, toàn tỉnh hiện nay mới có 12 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 10 di tích thuộc nền VHHB, 2 di tích khảo cổ học thuộc loại hình khác), chưa có di tích khảo cổ thuộc VHHB được xếp hạng cấp tỉnh. Nghĩa là chưa đến 1/10 di tích khảo cổ học thuộc VHHB được xếp hạng trong tổng số di tích VHHB được người Pháp và các nhà khảo cổ học Việt Nam đã nghiên cứu trên địa bàn tỉnh trong suốt gần 100 năm qua..
Như vậy, về di tích VHHB trên đất Hòa Bình hiện chưa được nghiên cứu còn lại khá nhiều. Chúng tôi đánh giá việc nghiên cứu VHHB ở tỉnh Hòa Bình mới đang ở giai đoạn sơ khai, những mảnh ghép khảo cổ học quá khứ hiện nay vẫn còn hổng rất nhiều, rất cần phải có kế hoạch dài hạn nghiên cứu về văn hóa này, không phải cho riêng tỉnh Hòa Bình mà rộng hơn cho khoa học Đông Nam Á, cả nhân loại trong vấn đề nghiên cứu về nguồn gốc loài người.
Lê Quốc Khánh (TH)
(Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)