Ngày 1-3, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã sang Brussels (Bỉ) viếng “thủ đô” của EU, trước khi sang Nga hôm 5-3. Giữa hai chuyến đi đó của ông Yanukovych là chuyến đi Pháp mua tàu đổ bộ của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev. Các sự kiện này khởi đầu một thay đổi lớn ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych được đón tiếp  tại Nga ngày 5-3 - Ảnh: Reuters

Tân Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người được xem là thân Nga, đã chọn Brussels làm điểm đến đầu tiên của mình. Bốn ngày sau, ông mới sang Nga “chào sân”. Một chọn lựa lịch trình đầy ý nghĩa: EU trước, Nga sau, ông không... “thân Nga” (đến mức) như người ta có thể nghĩ.

“Phương trình ngoại giao" của tân Tổng thống

Giữa lòng EU, ông Yanukovych đã khẳng định “ưu tiên của Ukraine sẽ là hội nhập EU, cùng với sự phát triển quan hệ hữu nghị và xây dựng với Nga cũng như các nước láng giềng và với Hoa Kỳ, một đồng minh chiến lược”.

Hoa Kỳ có là “đồng minh chiến lược” hay không, thời gian sẽ trả lời, song trước mắt đã có một “đồng minh chiến lược” khác đủ lớn để Ukraine, từ nay do ông Yanukovych lãnh đạo, chọn ngã rẽ. Ngay tại thành phố Brussels mà NATO đóng trụ sở, ông Yanukovych nhấn mạnh Ukraine sẽ không còn là ứng viên gia nhập khối NATO nữa.

Có thể thấy “phương trình ngoại giao” của tổng thống Ukraine thời kỳ hậu cách mạng cam khác hẳn so với tổng thống của cuộc cách mạng cam là ông Viktor Yushchenko. Với ông Yushchenko, Ukraine chọn EU và NATO, quay lưng lại với Nga, trong khi trước đó mới một thập niên rưỡi Ukraine còn dính với Nga bằng một sợi dây cuống rốn. Nhưng ông Yanukovych lại tống tiễn NATO, đón chào Nga. Từ phương trình của ông Yushchenko của cuộc cách mạng cam vắn số đó, vẫn còn sót lại EU.

Trong bối cảnh thập niên thứ nhì này của thế kỷ 21, khi cùng nằm bên bờ biển Đen với Nga mà dính hẳn như thời còn Liên bang Xô viết chính là điều bất khả, mà đoạn tuyệt hẳn như dưới trào ông Yushchenko lại là một điều bất khả khác. Và trong chiều nào tính bất khả đó cũng liên quan đến sự tồn vong của Ukraine. Điều đó giải thích việc ông Yanukovych xóa NATO ra khỏi chính sách ngoại giao của mình, thay vào đó là Nga, cùng với EU trong một thế thăng bằng nào đó ở lưng chừng giữa hai cực bất khả này. Vấn đề là làm sao xác định thật chính xác điểm “lưng chừng” đó.

Làm sao đu dây?

Trên lý thuyết, các quốc gia đều bình đẳng với một cái ghế đại diện ở Liên Hiệp Quốc, có khi cả một cái ghế Hội đồng Bảo an, cũng như trong các tổ chức quốc tế khác. Thế nhưng đó chỉ là những cái ghế bốn chân. Còn để vững vàng trong quan hệ đối ngoại, phải tự lực cánh sinh được trong thế giới phẳng của thế kỷ 21.

Thế giới phẳng đó và luật chơi của nó là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo ra một thị trường lao động mới khác hẳn với sự phân công lao động ngày nào của khối COMECON và của Liên bang Xô viết cũ, trong đó Ukraine “an phận” với dư thừa lúa mì nhưng thiếu hụt năng lượng “bẩm sinh”. Ukraine tham gia WTO từ năm 2008, trong khi Nga còn đứng ngoài. Điều đó có nghĩa Ukraine nay dễ xoay xở hơn Nga trong kinh doanh và dịch vụ, trong khi Nga vẫn còn chịu hàng rào thuế quan.

Thế nhưng, Ukraine vẫn chưa đóng tròn vai thành viên WTO này. Lẽ ra khi đã bắt đầu “ra riêng” vào cuối năm 1991, Ukraine phải lần hồi tự lực cánh sinh bằng đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, EU mà Ukraine hướng đến, nhất là dưới trào ông Yushchenko, không thể “bù lỗ” cho Ukraine được, nên Ukraine vẫn phải duy trì tỉ lệ xuất nhập khẩu quá nghiêng về Nga (xuất 23,2%, nhập 22,5%).

Khi xuất nhập khẩu với một nước chiếm đến gần 1/4 cán cân thương mại quốc tế thì tính tùy thuộc rất lớn, và một đầu cân có ngả tự nhiên về phía nước ấy là chuyện đương nhiên. Nhìn vào danh sách bạn hàng lớn của Ukraine, sẽ thấy ngay tính “địa phương” này của thương mại Ukraine, không mở rộng mấy ra bên ngoài khuôn khổ khu vực (xem bảng).

Khi cứ nhập siêu với láng giềng gần thì đó chính là “cống nạp”. Khi không có những nguồn xuất nhập khẩu khác để cân bằng thì vẫn là “dưới trướng”. Hiềm một nỗi Ukraine vẫn còn phải lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Gần 20 năm sau khi tách ra khỏi Liên bang Xô viết, Ukraine vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của các mối quan hệ buôn bán cũ, mang tính láng giềng (sát bên và gần).

Với WTO, một quốc gia biết khôn vẫn có thể vượt qua các ưu khuyết bẩm sinh. Như Ấn Độ vẫn là nước nông nghiệp, quá đông dân, nhưng vẫn có thể vượt qua hàng rào chậm tiến để trở thành một cường quốc gia công phần mềm.

Không thể đơn giản nói “Tại sao không biết đu dây?” như đã có thể trách cựu tổng thống Yushchenko. Vấn đề là muốn đu dây được thì phải tự mình “cắt cuống rốn”, phải biết tự lực cánh sinh bằng cách thay đổi cơ cấu và thói quen sản xuất, chi tiêu. Ông Yushchenko ngây thơ tin rằng cuộc cách mạng cam có thể quý báu đến mức EU và NATO bảo bọc được đất nước mình. Thế là cứ mỗi mùa đông, Ukraine lại giá rét vì bị Nga cắt khí đốt, đòi bán theo giá thị trường.

“Với một chiếc tàu cỡ chiếc Mistral này, hạm đội Biển Đen có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 40 phút thay vì 26 giờ như đã thấy”  - đô đốc tư lệnh hải quân Nga Vyssotski (Le Figaro 25-11-2009) - Ảnh: naval.com

Kinh nghiệm đau thương của Gruzia

Tan nát sau cuộc chiến tranh năm ngày tháng 8-2008 với Nga chưa phải là nỗi đau lớn nhất cho Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Đau đớn nhất chính là một năm một tháng sau cuộc chiến tranh ấy, đồng minh EU lại “khách quan” công bố một bản phúc trình, theo đó chính Gruzia, tức Tổng thống Saakashvili, chứ không ai khác đã khởi sự cuộc chiến tranh này (1).

Mọi hi vọng được cứu rỗi từ đồng minh EU của ông Saakashvili tan như bong bóng xà phòng. Cũng như cựu tổng thống Yushchenko của Ukraine, Tổng thống Gruzia Saakashvili đã chọn phương trình thay Nga bằng EU và NATO. Cuộc cách mạng cam và tổng thống Yushchenko cũng vì thế mà tan tác!

Cũng chính do EU đã phán rằng Gruzia gây chiến chứ không phải Nga mà hôm 3-3 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có thể thản nhiên ký hợp đồng bán cho Nga một lúc bốn chiếc tàu đổ bộ mà không bị lương tâm cắn rứt. Câu hỏi truy vấn “Làm thế nào lại bán vũ khí siêu hạng ấy cho Nga?” đã có sẵn câu trả lời là bản phúc trình của EU!

Câu hỏi tiếp theo “Làm thế nào mà một nước thành viên NATO lại bán vũ khí độc địa cho Nga?”. Câu trả lời của quốc vụ khanh đặc trách châu Âu của Pháp Pierre Lelouche là: “Nếu châu Âu muốn khép lại trang sử thời chiến tranh lạnh thì không thể vừa tiếp tục cấm vận Nga vừa khẳng định Nga là bạn và đối tác của mình. Lợi ích chiến lược của ngày hôm nay còn quan trọng hơn những bất đồng của ngày hôm qua”. Quá đủ.

Ai bán vũ khí cũng đều đủ lý lẽ. Người ta có thể ung dung bán cho bên này 200 chiếc Su-30 (2) mà vẫn thản nhiên bán cho bên kia một tá! Ở miền nam nước Pháp khu vực Provence, dân chúng ngại ngọn gió Mistral bất chợt đêm hè thổi xuống lạnh run! Mistral cũng chính là tên của chiếc tàu đổ bộ Pháp bán cho Nga. “Gió đã xoay chiều” trên biển Đen.

Năm 2008

Các bạn hàng lớn nhất

Trị giá

Xuất khẩu

Nga 23,2%, Thổ Nhĩ Kỳ 6,8%, Ý 4,3%

67,72 tỉ USD

Nhập khẩu

Nga 22,5%, Ðức 8,3%, Turkmenistan 6,5%,
Trung Quốc 6,5%, Ba Lan 5%

83,81 tỉ USD

 (Nguồn: cia world factbook)

                                                                                            Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục