Thậm chí, có cơ sở đào tạo, dù thí sinh đạt 30 điểm (điểm tuyệt đối) vẫn không thể đậu. Như vậy, liệu việc đổi mới kỳ thi và xét tuyển có thật sự ổn hay không, khi TS điểm cao vẫn không có cơ hội vào ĐH?
30 điểm vẫn rớt ĐH
Thống kê từ các trường đã công bố cho thấy điểm chuẩn tăng từ 1 - 6 điểm so với năm 2016. Có thể nói, đây là mức điểm chuẩn chênh lệch giữa năm trước và năm sau lớn nhất từ trước tới nay (thường chỉ ở mức từ 1 - 3 điểm).
Một điểm đáng chú ý khác, điểm chuẩn năm 2017 có một khoảng cách rất lớn giữa các nhóm ngành, nhóm trường: giữa những trường thuộc lực lượng công an, quân đội được ngân sách đài thọ 100% kinh phí với các trường công lập phải đóng học phí; giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Cụ thể, dẫn đầu là 7 trường khối công an với điểm chuẩn trung bình 26,67 - tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt trung bình 8,9 điểm. Học viện An ninh nhân dân tuyển nữ đạt 30,5 điểm cho tổ hợp Toán, Văn, Tiếng Anh. Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy tuyển nữ 30,25 điểm tổ hợp Toán, Lý, Hóa và không nhân hệ số. Điều này cho thấy, những thí sinh ở khu vực 3 hay ở trung tâm của các thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… nếu đạt điểm tuyệt đối 30 điểm/3 môn thi vẫn bị trượt. Đây là điều chưa từng có. Như vậy, để đậu vào 2 cơ sở đào tạo này, thí sinh bắt buộc phải được cộng thêm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.
Đứng thứ hai là khối 18 trường quân đội với điểm chuẩn trung bình 24,4. Do tuyển rất ít nữ nên điểm trúng tuyển nhiều khoa, ngành lên tới 30 điểm với các khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Xét theo khu vực, chuẩn đầu vào của thí sinh phía Nam thấp hơn phía Bắc khoảng 1 - 2 điểm. Có trường như Sĩ quan Pháo binh chênh 4 điểm; Sĩ quan Tăng thiết giáp tới 7 điểm.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện 30 điểm vẫn rớt trước hết là do việc cộng điểm ưu tiên (mức tối đa có thể được cộng thêm đến 5,5 điểm). Nguyên nhân thứ hai, số lượng tuyển sinh năm 2017 của các trường ĐH ngành công an, quân đội giảm gần một nửa so với năm 2016. Một nguyên nhân rất lớn nữa là do đề thi năm nay quá dễ, nên thí sinh đạt điểm rất cao.
Khối trường y lần đầu tiên trong lịch sử bị đẩy khỏi vị trí số 1, khi điểm chuẩn chỉ ở mức 29,25. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn năm 2017 vẫn là mức điểm kỷ lục của các trường y cho ngành Y đa khoa. Tại các trường khác, hàng loạt ngành hot như Báo chí, Kinh doanh quốc tế, Khoa học máy tính, Luật, nhóm ngành công nghệ… điểm chuẩn đều đẩy lên mức 27,5 - 28 điểm.
Đợt 1: 170 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu
Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐSP là 640.425 (73,95%). Tổng chỉ tiêu ĐH, CĐSP đến khi xét tuyển là 445.626 (xét học bạ 93.452; xét kết quả thi THPT quốc gia 352.174). Trong 336 cơ sở đào tạo của cả nước, có 322 trường tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia (bao gồm cả sử dụng kết quả thi và phương thức khác); 14 trường chỉ tuyển sinh từ phương thức khác, không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.
Cả nước có 2.552.518 nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển. Số thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 trên điểm sàn là 424.105, tỷ lệ số dư là 1,39 (không tính chỉ tiêu và tổ hợp có môn năng khiếu do các trường tổ chức thi, kiểm tra). Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước (từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực nhập học) là 17.558, có 8.373 thí sinh đã đăng ký nhập học (nên đã đưa ra khỏi hệ thống xét tuyển đợt 1). Về xét tuyển, trong thời gian từ 26 đến 30-7, các trường, nhóm trường với 322 mã tuyển sinh đã thực hiện xét tuyển. Kết quả, 170 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, chiếm 53% tổng số trường; tuyển đạt 70% chỉ tiêu trở lên là 64 trường; 50 trường đạt 50% - 70%; 58 trường tuyển được dưới 50%.
Bộ GD-ĐT đánh giá, việc thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn NV; đặc biệt là được điều chỉnh NV sau khi có điểm để phù hợp với các điều kiện tuyển sinh, kết quả làm bài, qua đó nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo NV, sở trường, là một quy định rất nhân văn đối với thí sinh. Một điểm nổi bật khác là đã áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu của kỳ thi tuyển sinh 2017, đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch. Các phần mềm chuyên dụng đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho thí sinh trúng tuyển vào NV ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. Công tác tuyển sinh đại học năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả, giảm áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.
Theo các chuyên gia tuyển sinh ở các trường, đánh giá trên của Bộ GD-ĐT mới chỉ là bước đầu và trên số liệu lý thuyết. Để đánh giá một cách chính xác và toàn diện thì phải đợi đến sau ngày 7-8, khi kết thúc việc thí sinh trúng tuyển NV1 nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học.
Dù mùa tuyển sinh năm 2017 chưa kết thúc, nhưng những điểm hạn chế từ việc đổi mới thi cử và xét tuyển ĐH, CĐSP cũng đã phần nào lộ diện. Để việc thi cử đánh giá đúng năng lực thí sinh và các trường ĐH, CĐSP tuyển chọn được những thí sinh đúng năng lực, sở trường để đào tạo, Bộ GD-ĐT phải thắng thẳn nhìn nhận và khắc phục những hạn chế. Vấn đề mà các trường còn băn khoăn, đó là việc thi 2 bài thi tổ hợp phải làm sao cho thật hiệu quả và có tính khoa học. Kế đến là nên xem lại việc cộng điểm ưu tiên, cần có quy định cho hợp lý, chứ việc thí sinh đạt 30 điểm mà vẫn rớt ĐH là điều thật đáng tiếc.
Dù mùa tuyển sinh năm 2017 chưa kết thúc, nhưng những điểm hạn chế từ việc đổi mới thi cử và xét tuyển ĐH, CĐSP cũng đã phần nào lộ diện. Để việc thi cử đánh giá đúng năng lực thí sinh và các trường ĐH, CĐSP tuyển chọn được những thí sinh đúng năng lực, sở trường để đào tạo, Bộ GD-ĐT phải thắng thẳn nhìn nhận và khắc phục những hạn chế. Vấn đề mà các trường còn băn khoăn, đó là việc thi 2 bài thi tổ hợp phải làm sao cho thật hiệu quả và có tính khoa học. Kế đến là nên xem lại việc cộng điểm ưu tiên, cần có quy định cho hợp lý, chứ việc thí sinh đạt 30 điểm mà vẫn rớt ĐH là điều thật đáng tiếc.
Theo báo SGGP