(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 72/191 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (chiếm 37,6%), trong khi trung bình toàn quốc đạt 50%. Khó khăn lớn nhất của các địa phương chính là cơ sở vật chất một số trường học đã xuống cấp, thiếu phòng học chức năng, trang thiết bị...để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với đó là chất lượng đội ngũ giáo viên "vượt chuẩn” nhưng chưa thực sự đạt chuẩn. Bộ máy ngành giáo dục cồng kềnh, thừa thiếu cục bộ. Đây là những vấn đề "nóng” đặt ra đối với ngành GD&ĐT tỉnh ta trước thềm năm học mới.




 Chuẩn bị cho năm học mới, trường THPT Nguyễn Trãi (Lương Sơn) được đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa hệ thống tường bao đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự. 

 

Cơ sở vật chất - điểm trũng là cấp tiểu học và mầm non

Theo số liệu của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 8.649 phòng học các cấp, trong đó, phòng học kiên cố chiếm 87,3%; bán kiên cố chiếm 9,8%; bán kiên cố, xuống cấp 4,4%; phòng học khác (tạm, học nhờ) chiếm 2,1%. Như vậy, so với năm học trước, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 2%. Tuy nhiên, theo phân tích số liệu nổi lên vấn đề cấp tiểu học và mầm non gặp khó khăn lớn nhất về cơ sở vật chất. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình trăn trở: Cơ sở vật chất cấp tiểu học hiện nay là một trong những khó khăn lớn đối với giáo dục thành phố. Quỹ đất nhiều trường nhỏ hẹp, nhà trường thiếu phòng học chức năng, thiếu đất để mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình đạt chuẩn...Đặc biệt, trường tiểu học Hữu Nghị (phường Hữu Nghị) là trường tiểu học có chất lượng tốt của thành phố. Hiện nay, trường có 42 lớp nhưng chỉ có 28 phòng học. Nhà trường không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, rất thiệt thòi cho học sinh. 

Cơ sở vật chất xuống cấp cũng là vấn đề "nóng” tại các địa phương. Đồng chí Nguyễn Minh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Các trường học được xây dựng theo Đề án kiên cố hóa trường lớp đến nay xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là các khung cửa làm bằng gỗ đã mối mọt, có thể đổ sập, gây nguy hiểm cho học sinh bất cứ lúc nào. Do đó, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường là vấn đề hết sức cấp thiết. 

Theo số liệu thống kê hiện nay ở cấp tiểu học, tỷ lệ phòng học/lớp mới chỉ đạt 0,71 phòng học/lớp trong khi cả vùng là 0,9 phòng học/lớp. Đáng lưu ý là tỷ lệ phòng học kiên cố trên lớp ở cấp tiểu học mới chỉ đạt 0,55 phòng/lớp. Tuy nhiên, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh hiện nay lại đạt cao nhất so với các cấp học khác (49,7%). Như vậy, rõ ràng có sự chênh lệch, không đồng đều về cơ sở vật chất giữa các trường tiểu học trong tỉnh. 

ở cấp mầm non, vấn đề đặt ra chính là thiếu phòng học. Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Có một thực tế là việc huy động trẻ em đến trường năm sau đều tăng so với năm học trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên hàng năm không xây dựng thêm nhiều phòng học cho cấp mầm non. Tình trạng cấp mầm non phải học nhờ vẫn diễn ra khá nhiều. Tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mới chỉ là 31,8%, thấp hơn tiểu học và THCS. 

Ví dụ như huyện Lương Sơn hiện có 39 phòng học phải học nhờ thì bậc mầm non chiếm đến 35 phòng (gần 90%). Cũng tại huyện Lương Sơn hiện thiếu 377 phòng chức năng, trong đó riêng bậc mầm non chiếm đến 179 phòng (47%). 

Năm học này ngành GD&ĐT tỉnh còn phải đối diện với một thách thức đó là phần lớn các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú mới thành lập là trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn. Đa số các trường là tận dụng cơ sở vật chất hiện có để cải tạo, sửa chữa, chắp ghép phục vụ các hoạt động của nhà trường, hiện còn thiếu trang thiết bị dạy học, bàn ghế, trang thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú. 

Thừa, thiếu cục bộ và vấn đề chất lượng "chuẩn” của giáo viên

Hiện nay, toàn tỉnh đang thừa hơn 300 giáo viên THCS. Đối với tỉnh nhỏ như Hòa Bình thì đây là con số rất cần xem xét, suy ngẫm. Trong khi đó, tại tất cả các địa phương đều thiếu đội ngũ nhân viên, kế toán, y tế. Đặc biệt là thiếu nhân viên y tế ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho trẻ trong việc theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin, phòng ngừa dịch bệnh theo mùa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý các tình huống cho trẻ...Nguyên nhân là theo văn bản của Chính phủ quy định tạm thời, không bố trí 2 vị trí nhân viên kế toán và nhân viên y tế trong các nhà trường. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc tổ chức hoạt động của các nhà trường.

Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh ta đã tiến hành mạnh mẽ việc sáp nhập trường học. Việc này đã phát sinh nhiều khó khăn trong bố trí nhân viên ở 2 điểm trường, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý thừa do sáp nhập. 

Bên cạnh câu chuyện thừa – thiếu giáo viên, cán bộ ngành GD thì chất lượng đội ngũ giáo viên đang là vấn đề được xã hội quan tâm hơn cả. 

Theo số liệu thống kê, hiện trình độ đạt chuẩn ở cấp mầm non là 98,9%, tất cả các cấp học còn lại là 100%. Đáng lưu ý, trình độ trên chuẩn của từng cấp học lần lượt là: giáo dục mầm non đạt 49,6%, giáo dục tiểu học đạt 69,2%; THCS đạt 51,9%; PTDTNT THCS đạt 68,20%, THPT đạt 9,9%; Giáo dục thường xuyên đạt 5,03%; trường cao đẳng Sư phạm đạt 60,2%. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, nghiên cứu, đề xuất thì cần xem xét lại hoặc nâng cao, mở rộng tiêu chí "chuẩn” của giáo viên hiện nay. 

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn cho biết: Kết quả đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp năm học 2016 – 2017 của huyện Lương Sơn cho thấy, cấp quản lý còn có 10,8% chỉ đạt mức trung bình (cấp mầm non là 10,1% và cấp tiểu học là 15%). Đối với giáo viên, toàn huyện có còn 3 giáo viên xếp loại kém, 23 giáo viên trung bình và 434 giáo viên đạt khá. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý. 

Trong Cuộc thi giáo viên giỏi môn GDCD cấp tỉnh được tổ chức vào cuối năm 2016, BTC cuộc thi đã thẳng thắn chỉ rõ: Kết quả bài thi thể hiện các đồng chí giáo viên tham gia dự thi còn thiếu rất nhiều kỹ năng sống, thiếu sự hiểu biết chung về chính trị xã hội, chưa thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tư liệu tham khảo. 

Trao đổi về chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù trình độ đào tạo trên chuẩn đạt tỷ lệ cao nhưng năng lực một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chỉ đạo thực hiện còn thụ động, chưa linh hoạt, sáng tạo, chưa bắt nhịp được với đổi mới giáo dục. Số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn năng lực theo quy định chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân là do nội dung, chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu châu âu còn nặng so với trình độ chung của giáo viên tiếng Anh. Giáo viên chưa có môi trường để nâng cao kỹ năng nghe, nói. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của giáo viên tiếng Anh không đồng đều do trước đây được đào tạo từ nhiều cơ sở giáo dục, nhiều hình thức đào tạo khác nhau. 

Ngày 17/8 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, UVBCH T.ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐTT đã nhấn mạnh: Bước vào năm học 2017 – 2018, ngành GD & ĐT tỉnh Hòa Bình cần đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, phải lưu ý đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để giáo viên đạt "chuẩn” cả về tư cách, đạo đức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc đánh giá giáo viên đạt "chuẩn” phải bao gồm nhiều yếu tố chứ không thể chỉ căn cứ nguyên vào bằng cấp. Có như vậy chất lượng ngành giáo dục mới thực sự được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Tuyển dụng chuyên viên phòng GD&ĐT cần có hình thức, tiêu chí phù hợp 

Cán bộ làm chuyên viên tại các phòng GD&ĐT không chỉ cần đạt chuẩn về trình độ, bằng cấp mà còn phải trải qua thực tế, có kinh nghiệm trong giảng dạy, kỹ năng sư phạm tốt. Có như vậy mới tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn đến quản lý, giáo viên các nhà trường.

Tuy nhiên, vừa qua có 4 đồng chí được tuyển dụng về làm cán bộ phụ trách chuyên môn tại phòng GD&ĐT huyện nhưng có đến 3 đồng chí mới tốt nghiệp ra trường, chưa qua thực tế giảng dạy. Do đó, các đồng chí gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc thực tế. Từ đó cho thấy cần có hình thức, tiêu chí riêng, phù hợp khi tuyển dụng cán bộ làm chuyên viên phòng GD&ĐT như yêu cầu về thâm niên trực tiếp giảng dạy hoặc tổ chức thi giảng thực tế… Có như vậy, cán bộ được tuyển dụng mới hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Bùi Văn Danh (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn)

Cần có hợp đồng 68 cho bảo vệ các trường học

Hiện nay, các nhà trường đều được trang bị nhiều đồ dùng, phương tiện dạy học có giá trị như: máy tính, máy chiếu, đồ chơi ngoài trời… Các trường mầm non có nhiều điểm trường lẻ. Trong khi đó, bảo vệ chỉ là hợp đồng ngắn hạn, không ổn định, chế độ lương trả quá thấp. Mỗi trường có tối đa 2 nhân viên bảo vệ, phải làm 12 giờ/ngày. Bảo vệ các nhà trường cũng chưa được trang bị công cụ hỗ trợ để xử lý tình huống phát sinh. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ đột nhập trộm cắp tại cơ quan công sở, trường học gây thiệt hại lớn về tài sản.

Vì vậy, tôi thấy cần có hợp đồng dài hạn 68 cho bảo vệ nhà trường để các đồng chí bảo vệ được đảm bảo quyền lợi, chế độ chính đáng; gắn bó với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn. Nếu có hợp đồng 68, ngành sẽ có cơ sở, điều kiện để tuyển chọn vị trí công việc bảo vệ kỹ càng hơn, đáp ứng tốt những yêu cầu về tuổi tác, sức khỏe, mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Lê Văn Công

(Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn)

Đánh giá chất lượng giáo viên thực chất

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết hiện nay, giáo viên trên địa bàn thành phố Hòa Bình nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung đều đã đạt chuẩn về bằng cấp, nhiều đồng chí vượt chuẩn. Tuy nhiên, vì những vấn đề liên quan như: điểm đầu vào của trường sư phạm thấp, chất lượng đào tạo giữa các trường sư phạm không đồng đều… khiến phụ huynh rất lo lắng.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành giáo dục cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại chất lượng giáo viên một cách thực chất. Từ đó kịp thời có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho giáo viên. Tôi thấy hiện nay, ngành giáo dục liên tục thực hiện đổi mới, cải cách nên vai trò giáo dục, hướng dẫn, định hướng của giáo viên là rất quan trọng. Phụ huynh mong muốn ngành giáo dục sẽ có các giải pháp để chất lượng giáo viên thực sự "chuẩn”.

Nguyễn Thị Vân

(Tổ 25, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình)

 

 


                                                                Dương Liễu


Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục