(HBĐT) - Khi cả dân tộc hân hoan chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi tìm gặp những người từng trải qua thời khắc thiêng liêng. Tất cả đều chung cảm xúc phấn khởi, tự hào bởi mùa thu cách đây 72 năm, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Lắng lại những khoảnh khắc giúp chúng tôi cảm nhận giá trị của độc lập, tự do.



Bà Nguyễn Thị Chúc ở tổ 13, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) kể cho con cháu nghe về thời kỳ mới lập nước.

Ngày Quốc khánh đối với người Mường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) không chỉ là ngày hội thiêng liêng, còn là Tết Độc lập. Không cần đợi đến thông báo trên loa của tổ dân phố, bà Nguyễn Thị Chúc ở tổ 13 đã nhắc đứa cháu lấy lá cờ Tổ quốc treo. Hơn 50 năm tuổi Đảng, 84 tuổi đời, bà vẫn tự tay gói bánh uôi vào dịp 2/9 để mừng Tết Độc lập. Bà kể: Có trải qua giai đoạn cực khổ vào thời khắc lịch sử mới thấy trân trọng ngày hôm nay. Trước năm 1945, dưới thời phong kiến, đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân sống cơ cực, lầm than. Khi Nhật đảo chính Pháp, chúng bắt dân nhổ ngô, phá lúa để trồng đay, thầu dầu. Chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo đẩy nhân dân lâm vào nạn đói. Nhiều người bị chết như gia đình ông Ngưu có 6 người đều bị chết; gia đình chị Nậu trong 2 ngày có 3 người chết. Vì vậy, khi được giác ngộ cách mạng, nhân dân đã hăng hái gia nhập Tổ thanh niên cứu quốc. Thời khắc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ (ngày 22 - 23/8/1945) đúng lúc mưa lụt, Tổ cứu quốc cùng nhân dân đã dùng thuyền tích cực hỗ trợ các lực lượng cách mạng vượt cánh đồng ngập nước, vượt sông Đà giành chính quyền. Sau đó, ngày 24/8/1945 tham gia mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám tại chợ Phương Lâm. Tôi theo các anh chị thanh niên cứu quốc chèo thuyền sang mang theo cờ đỏ sao vàng cùng hàng ngàn người hô vang "Chính quyền nhân dân muôn năm”, "Mặt trận Việt Minh muôn năm!”.

 Giữa tiết thu, thong dong trên con đường rợp màu cờ, bà Chúc xúc động: "Cách mạng thành công đã đem lại cho nhân dân cuộc đổi đời lịch sử, từ vị trí người bị bóc lột lên địa vị người làm chủ quê hương. Có Đảng, Bác Hồ, nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới. Thịnh Lang từ xã đã lên phường. Từng dãy nhà cao tầng san sát lung linh trong ánh đèn cao áp. Trẻ em xúng xính quần áo mới ríu rít đến trường, chúng còn học lên đại học, cao học. Dọc đường Hoàng Văn Thụ, phố Vĩnh Điều sôi động cửa hàng, cửa hiệu, lại có thêm đường đôi Trương Hán Siêu. Cây cầu Hòa Bình 3 nối từ Thịnh Lang sang Trung Minh đang được thi công, chèo thuyền qua sông chỉ còn trong ký ức. 72 năm sau ngày lập nước, Thịnh Lang nói riêng và thị xã Hòa Bình nhỏ bé nói chung đã "thay da đổi thịt” hoàn toàn. TP Hoà Bình tràn đầy sức sống. Đi vòng quanh ngắm khu công nghiệp, thủy điện Hòa Bình xả lũ, Quảng trường thênh thang lộng gió, phố phường tấp nập xe cộ, hàng hóa tràn ngập… lòng phấn khởi, tự hào. Hồi tưởng lại buổi mít tinh năm xưa, giờ thành phố ngập tràn trong muôn sắc cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu mà cứ ngỡ như mơ! Lắng lại khoảnh khắc xưa thấy thiêng liêng, quý giá cuộc sống ngày nay”.

 Chứng kiến ngày trọng đại của dân tộc khi mới 6 tuổi, nhưng ông Xa Văn Toàn ở xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẫn không quên cảnh phải vào rừng đào củ nâu, củ vớn ăn qua bữa những năm 1945 - 1946. ông Toàn bồi hồi nhớ lại: "Không có loại củ rừng chát xít này có lẽ nhiều người trong bản đã bỏ mạng vì đói. Đến năm 12 tuổi, tôi mới được xóa mù chữ nhờ lớp bình dân học vụ. Cái đói, nghèo, thiếu chữ cứ đeo bám dân bản, muốn vượt qua mà như leo núi trời mưa. Chọc lỗ tra hạt trồng lúa nương phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời nên năm được, năm mất. Rồi ánh sáng của Đảng, Bác Hồ soi đường, dẫn lối cho nhân dân lần lượt vượt qua bao gian khó, thử thách đi đến bến bờ ấm no. Giờ dân bản đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang trồng cây màu, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những căn nhà tranh chỉ còn trong ký ức, nhường chỗ cho những ngôi nhà xây kiên cố. Con cháu được học trong ngôi trường khang trang. ốm đau có cán bộ y tế thăm khám. Nhiều cháu làm công nhân ở TP Hòa Bình có xe ô tô đưa đón, thu nhập ổn định. Cả xã đang tích cực xây dựng nông thôn mới. Từng đi bộ đội, làm Bí thư Đảng ủy xã, trải nghiệm gần 80 năm cuộc đời, thấy trân trọng giá trị của độc lập”.

 Đối với ông giáo Bùi Văn Tuyển, sinh năm 1937 ở xóm Khì, xã Mãn Đức (Tân Lạc), câu chuyện về những ngày đầu lập nước cứ như chuyện chỉ có trong phim ảnh, thậm chí con cháu lúc đầu còn không tin. Cái thời cùng khổ, quần áo rách rưới, vá chằng vá đụp, củ chuối, củ mài ngâm qua đêm ăn thay cơm, 14 tuổi mới biết đến mặt chữ. "Sau khi học hết lớp 4, tôi học bổ túc sư phạm 1 năm rồi năm 1957 về dạy chữ cho các xã vùng cao Quyết Chiến, Lũng Vân, Bắc Sơn, Nam Sơn, Ngổ Luông. Cả vùng chỉ có 1 trường, học ghép các độ tuổi, lúc đầu học tạm tại nhà dân, sau dựng trường bằng tre, nứa, trát đất. Đi bộ lên trường phải mất 1 ngày chùn chân, mỏi gối. Dân bản mỗi năm 2 mùa giáp hạt, đói khát. Người ốm thì chỉ biết cúng ma. Giờ trở lại, nơi đây đàng hoàng lắm rồi! Hệ thống trường học đầy đủ từ mầm non đến THPT. Trạm y tế chăm lo sức khỏe nhân dân. Chợ trung tâm cụm xã hàng hóa phong phú, đời sống nhân dân sung túc. Xe ô tô vào đến tận bản chở su su về xuôi. Mua ti vi, xe máy… không còn là chuyện khó. Bản thân tôi thấy cuộc sống người cao tuổi sung sướng quá! Cơm, cá, thịt không thiếu. Gia đình nào cũng ăn Tết Độc lập” - ông Tuyển phấn khởi tâm sự.

 72 năm qua, đất nước đã làm nên bao kỳ tích. Vừa mới ra đời, chính quyền non trẻ phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Rồi qua 2 cuộc kháng chiến phải chịu bao mất mát, hy sinh. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc cùng tiến bước trên con đường đổi mới, phát triển. Quê hương Hòa Bình từ vùng thấp đến vùng cao đều chuyển mình mạnh mẽ. Đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhìn lại những thách thức đã vượt qua mới thấu được giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay.

 


                                               Cẩm Lệ

 


Các tin khác


“Hành trình thắp sáng ước mơ” tại Trường THPT Tân Lạc

Đoàn Trường THPT Tân Lạc vừa phối hợp các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường tổ chức chương trình "Hành trình thắp sáng ước mơ”. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Tân Lạc. Chương trình có sự hiện diện của nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV 3) Đài Truyền hình Việt Nam...

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 22/3 đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho 500 giáo viên, học sinh

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ thành phố Hòa Bình vừa phối hợp tổ chức tập huấn, truyền thông phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa và sơ cấp cứu cho trên 500 giáo viên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Chuyển biến trong công tác giáo dục ở huyện Mai Châu

Chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn huyện Mai Châu từng bước được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của địa phương... Đó là những kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục huyện Mai Châu đạt được.

Nâng cao chất lượng giáo dục qua hội thi giáo viên dạy giỏi

Mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Với hội thi giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh thường niên đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thao giảng của giáo viên nhằm góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Cục Thi hành án dân sự tặng quà học sinh nghèo vượt khó xã Tân Minh

Thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề "Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, ngày 19/3, Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đến thăm, tặng quà thầy và trò Trường tiểu học xã Tân Minh, huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục