Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng Phòng GD &ĐT huyện Đà Bắc cho biết: Năm học 2017 - 2018, huyện Đà Bắc triển khai mô hình VNEN ở 10 trường. Trong đó có 8 trường tiểu học và 2 trường THCS. Các trường tham gia dự án gồm: tiểu học Triệu Phúc Lịch, tiểu học Yên Hòa, tiểu học Chợ Bờ, tiểu học Tân Pheo B, tiểu học Mường Chiềng và tiểu học Đồng Chum A. Để có khung đánh giá rộng cho quá trình thử nghiệm, Phòng GD &ĐT huyện mạnh dạn nhân rộng mô hình (thêm 4 trường) gồm: tiểu học Hào Lý, tiểu học Tân Minh B, THCS Tân Pheo và THCS Mường Chiềng. Theo đó, có 55 lớp với 991 học sinh được học tập với mô hình trường học kiểu mới này.
Vì là mô hình mới nên Phòng GD &ĐT đặc biệt chú trọng việc tổ chức tập huấn cho giáo viên, quán triệt kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của ngành về mô hình trường học mới đến các trường. Trên cơ sở đó, các nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả. Hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trên cơ sở rà soát lại các điều kiện bảo đảm; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo tại Công văn số 3459, ngày 8/8/2017 của Bộ GD &ĐT nhằm phát huy mặt tích cực của mô hình VNEN.
Quá trình thực hiện, giáo viên đã chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp tích cực. Theo đánh giá từ các nhà trường: Mô hình đã tạo được điểm nhấn là sự hứng thú cho học sinh trong học tập. Về cơ bản phát huy được tính chủ động, khả năng tự học của học sinh hơn so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, mô hình VNEN đã phát huy tốt các kỹ năng tương tác, tự đánh giá lẫn nhau khiến học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Chất lượng giáo dục ở các lớp VNEN đảm bảo hơn các lớp học chương trình hiện hành. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: việc triển khai mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn huyện Đà Bắc còn nhiều mặt hạn chế. Điều này xuất phát từ điều kiện cơ sở vật chất, trình độ, năng lực của giáo viên, sự tiếp thu của học sinh…
Về cơ sở vật chất, diện tích phòng học hiện tại chật hẹp, không đủ chỗ cho học sinh tổ chức trò chơi khởi động. Việc bố trí bàn ghế theo hình thức học VNEN (xếp 2 bàn đôi lại với nhau cho một nhóm học sinh học tập và thảo luận) làm cho học sinh khó ngồi và khó di chuyển. Một mặt, huyện có nhiều lớp ghép, nhiều điểm trường lẻ nên khó có khả năng nhân rộng mô hình. Một điểm vướng nữa là vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc (Tày, Mường, Dao) hạn chế, hầu hết các em còn rụt rè, nhút nhát, thao tác chậm. Còn nhiều học sinh chưa tích cực khi học tập theo nhóm, chưa mạnh dạn trao đổi và đưa ra ý kiến của bản thân về những vấn đề liên quan đến bài học. Đặc biệt với bộ môn ngoại ngữ, học sinh khó theo kịp chương trình. Hầu hết các nhóm trưởng chưa quen với kỹ năng điều hành nên hiệu quả chưa tốt. Giáo viên vốn quen với cách dạy truyền thống nên khá vất vả vì phải hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra nhiều lượt trong từng hoạt động học tập của học sinh. Hiện, một số giáo viên còn lúng túng về phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh.
Với những hạn chế đã nêu trên, ở thời điểm hiện tại, Đà Bắc khó nhân rộng các mô hình trường học mới VNEN. Qua quá trình triển khai mô hình trên địa bàn huyện thời gian qua, đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng Phòng GD &ĐT huyện Đà Bắc cho rằng: Nên bố trí dạy, học VNEN ở địa bàn nào phù hợp, không nhất thiết phải nhân rộng tràn lan, vì như vậy sẽ không phát huy được hiệu quả. Việc dạy học theo mô hình trường học mới VNEN chỉ nên biên chế sĩ số học sinh trong lớp 20 - 25 em là phù hợp để đảm bảo không gian cho giáo viên đi lại giám sát việc học, trao đổi của học sinh. Như vậy mới phát huy được hiệu quả các mô hình trường học mới VNEN.
Lam Nguyệt
(HBĐT) - Ngày 30/5, tại Hà Nội, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đoàn đại biểu gồm 39 em là học sinh giỏi tiêu biểu người dân tộc thiểu số đạt thành tích cao năm học 2017 – 2018 thuộc 13 trường DTNT của tỉnh đi thăm quan các cơ quan Đảng, Nhà nước.