Nếu không có khát khao đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì doanh nghiệp hầu như không mặn mà đầu tư cho giáo dục đại học.
Theo nhiều chuyên gia, Nhà nước đã rất nỗ lực cố gắng với cam kết dành 20% tổng chi ngân sách dành cho giáo dục, tuy nhiên, tỷ lệ chi cho giáo dục phổ thông vẫn là chủ yếu, trong khi chi cho giáo dục đại học còn ở mức thấp.
Cụ thể, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân (số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương cho rằng, cần sớm có chính sách tháo gỡ để thu hút sự đầu tư của tư nhân vào giáo dục đại học. (Ảnh: NVCC)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, nhìn chung, con số ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đạt 0,27% GDP là còn thấp, cần phải thu hút nguồn lực xã hội hoá, để tư nhân cùng tham gia đầu tư phát triển giáo dục chất lượng cao.
Nhà nước cũng đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đại học tư như về thuế, vay vốn,... nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả tối ưu, chúng ta vẫn thiếu cơ chế để thu hút đầu tư của tư nhân vào giáo dục đại học. Trong khi đó, một số quy định trong thành lập mới cơ sở giáo dục đại học tư cũng đang là thách thức lớn với các nhà đầu tư.
Muốn thành lập một trường đại học, tư nhân phải có vốn ban đầu tối thiểu là 1000 tỷ đồng. Thêm vào đó là quy định trường đại học phải có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 5 hecta, trong khi quy hoạch cũng khó giải quyết được yêu cầu này.
Muốn đầu tư giáo dục đại học chất lượng cao, hội nhập quốc tế thì đòi hỏi số vốn ban đầu rất lớn. Và rất ít có tư nhân đáp ứng được yêu cầu, điều kiện đặt ra.
Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương cho biết thêm: "Giai đoạn đầu chúng ta thành lập trường dân lập thì vốn đầu tư rất thấp nhưng quy định hiện nay khá khó khăn với các tư nhân.
Khi có số tiền lớn, các nhà đầu tư sẽ tính toán đầu tư vào lĩnh vực gì để sớm thu hồi vốn và nhanh sinh lời. Trong khi đầu tư vào giáo dục, việc thu hồi vốn đòi hỏi thời gian lâu dài, chính vì vậy, nếu không phải là khát khao đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì doanh nghiệp hầu như không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học chưa có nhiều và tính khả thi còn thấp. Ví dụ, rất khó để giải quyết vấn đề quy hoạch cho tư nhân thuê được 5 hecta đất ở thành phố để xây dựng trường đại học. Thành lập trường đại học thời điểm này cũng khó vì còn liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường đại học, vì thế nên đã có doanh nghiệp đã lựa chọn tái cơ cấu lại những trường đại học đang có để nâng chất lượng lên thay vì mở trường đại học mới”.
Theo Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế đất, cấp đất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển giáo dục đại học, cần có các chính sách tháo gỡ để thu hút đa dạng nguồn lực từ xã hội.
Khi cơ chế chính sách chưa thực sự thông thoáng, rất khó để hấp dẫn, thu hút đầu tư của tư nhân cho giáo dục đại học.
Đối với phương diện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương cho biết, hình thức này đã được triển khai ở lĩnh vực giao thông nhưng trong lĩnh vực giáo dục vẫn chưa làm được. Lý do còn vướng mắc vấn đề sở hữu: tài sản trường đại học thuộc về ai, quản lý như thế nào, phân cấp ra sao cũng chưa được quy định rõ. Vì vậy rất khó để tiến tới "hợp tác công tư”.
Cần phải giải quyết bài toán sở hữu, bài toán về mặt kinh tế và phải có những công nhận đóng góp của tư nhân khi đầu tư vào khu vực giáo dục công. Bởi khi một nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, họ không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà họ còn có mong muốn được ghi nhận những đóng góp của mình.
Ở một số quốc gia, người ta ghi nhận đóng góp của tư nhân bằng cách để những dự án tư nhân xây dựng mang tên nhà đầu tư, tuy nhiên, chúng ta chưa làm được điều này. Đó cũng là một trong những lý do chúng ta khó thu hút được tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học.
"Chúng ta cần có chính sách với tầm nhìn dài hạn, bên cạnh thu hút tư nhân đầu tư, phải tính đến việc làm sao huy động được vốn nước ngoài, vì hiện nay, một số tổ chức nước ngoài cho vay với lãi suất thấp, đó có thể là một nguồn đầu tư cho giáo dục đại học”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nêu quan điểm.
Nhiều rào cản kỹ thuật trong mở mới trường đại học tư
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, quy mô giáo dục ngoài công lập ở nước ta còn rất thấp, trong khi thực tế còn nhiều vướng mắc trong quy định mở trường tư, khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng trường đại học.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh vẫn còn nhiều rào cản để tư nhân đầu tư, xây dựng và phát triển giáo dục đại học. (Ảnh: Website Trường Đại học Phú Xuân)
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phú Xuân cho biết, việc mở một trường đại học tư mới hiện đang gặp nhiều khó khăn, rào cản về mặt kỹ thuật.
Hiện nay, quy định trường đại học phải có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 5 hecta, trong khi Luật Quy hoạch lại chưa "cởi trói” để thực hiện được đúng quy định này.
Dù là tư nhân bỏ tiền đầu tư nhưng không có quy hoạch, không có quỹ đất đáp ứng được yêu cầu về diện tích thì không thể mở trường.
Việc xây dựng trường đại học tư có thể thực hiện theo hai hướng: thành lập trường mới hoặc mở phân hiệu của trường đại học.
Nhưng hiện nay, muốn thành lập trường mới thì quy hoạch không thể đáp ứng, còn mở phân hiệu thì chưa có địa phương nào có quy định về quy hoạch phân hiệu.
Không tháo gỡ được "nút thắt” về quy hoạch thì các nhà đầu tư dù muốn cũng không thể tham gia đầu tư xây dựng, mở những cơ sở giáo dục đại học mới.
Bên cạnh đó, một số quy định về điều kiện để mở đại học tư còn cứng nhắc và thiếu hợp lý.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, trường đại học có thể xây dựng hệ thống đào tạo online hiện đại, các trường phát triển theo hướng ngày càng sử dụng ít cơ sở vật chất hơn, ít nguồn lực hơn nhưng những quy định về tỷ lệ giảng viên/sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên vẫn như trước.
"Chúng ta vẫn yêu cầu mở trường đại học tư cần đủ tỷ lệ cơ sở vật chất tính bằng diện tích, và tỷ lệ giảng viên tính bằng số lượng cán bộ giảng dạy, để xác định quy mô hoạt động nhà trường và vận hành nhà trường. Tôi cho rằng đây là quy định đã lỗi thời, không phù hợp trong xu hướng đào tạo trong thời đại 4.0 và cần phải thay đổi.
Những quy định này sẽ trở thành rào cản, ngăn tư nhân tham gia đầu tư cho giáo dục đại học”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nêu quan điểm.
Theo quy định thì việc miễn giảm thuế sử dụng đất sẽ do tùy địa phương quyết định, có nhiều địa phương hoàn toàn không có hỗ trợ như Hải Phòng thì tiền thuế đất là một gánh nặng lớn. Với trường đại học, mỗi học sinh cần có 25m2 diện tích đất. Theo đó, nếu trường đại học có 10ha thì số sinh viên tối đa là 4000 sinh viên, con số này là quá lớn so với cả các trường trên thế giới lẫn thực tế tại Việt Nam
Bên cạnh đó để thành lập mới, mức đầu tư tối thiểu là 1000 tỷ đồng không kể chi phí đầu tư đất và giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng tại thời điểm thành lập. Con số đầu tư ban đầu quá lớn đã khiến cho thực tế từ khi ban hành, chỉ có những tập đoàn bất động sản rất lớn mới có khả năng thành lập đại học mới.
"Chúng ta nói khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập nhưng nhìn từ thực tế, có quá nhiều vướng mắc với những quy định cứng nhắc đã khiến nhiều nhà đầu tư phải e dè, lo ngại và không dám đầu tư mở mới, xây dựng các trường đại học”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho biết.
Theo Báo Giaoduc.net
Nhiều địa phương đang triển khai thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mầm non còn nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên...
Là môn học tích hợp kiến thức từ ba môn học cơ bản là vật lý, hóa học, sinh học nên nội dung và yêu cầu bài kiểm tra môn khoa học tự nhiên (KHTN) nhận được sự quan tâm của học sinh lẫn phụ huynh.
Trở thành môn bắt buộc với lớp 3 từ năm nay, nhưng so với tiếng Anh thì môn tin học còn 'bi đát' hơn khi thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính.
(HBĐT) - "Chúng em là những người con dân tộc Mường Hòa Bình. Được sinh ra, lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa, chúng em vừa tự hào, vừa có động lực để tìm hiểu thêm về quê hương. Vì thế, vừa qua, chúng em đã cùng nhau thực hiện đề tài khoa học lịch sử nghiên cứu về Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình…” – em Sầm Bích Ngọc, học sinh trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh chia sẻ.
(HBĐT) Ngày 9/12, tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ,
Sở GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) và ngày hội STEM dành
cho học sinh trung học tỉnh năm học 2022 – 2023.
(HBĐT) - Ngày 8/12, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái K52 cho 50 đồng chí cán bộ, chiến sỹ trong LLVT tỉnh năm 2022.