Là một học sinh khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Bùi Văn Hoản vẫn luôn chịu khó, chăm chỉ đến lớp

Là một học sinh khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Bùi Văn Hoản vẫn luôn chịu khó, chăm chỉ đến lớp

(HBĐT) - Ngôi nhà nhỏ ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn văng vẳng tiếng đánh vần đọc bài của một cậu bé. Dù chưa thực sự tròn vành rõ chữ, nhưng giọng đánh vần rõ ràng và dứt khoát. Đó là em Bùi văn Hoản, học sinh tật nguyền lớp 7 B, trường THCS Tân Lập đang dạy học cho cô em gái tật nguyền của mình những con chữ đầu tiên khi em cũng bắt đầu bước vào lớp 1.

 

Trao đổi với thầy, cô giáo ở trường THCS Tân Lập mới biết, cậu bé khuyết tật trong ngôi nhà nhỏ ấy có thành tích học tập thật đáng nể. 7 năm liền là học sinh tiên tiến của lớp, thường xuyên đứng trong tốp đầu về các môn khối tự nhiên. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 người thì 2 người khuyết tật. Bởi vậy, mọi gánh nặng lo toan cuộc sống gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của bố khi mẹ cũng thường xuyên đau ốm. Vừa mới lọt lòng, Hoản đã mang trong mình những di chứng khuyết tật của người ông là nạn nhân chất độc da cam, đôi chân teo tóp và hai bàn tay co quắp.

 

Không chịu đầu hàng số phận, đến tuổi đi học, Hoản nằng nặc đòi bố mẹ cho đến lớp với chúng bạn. Thương con với thân hình co quắp, sợ các bạn cười, bố mẹ Hoản quyết tâm đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện. Được sự giúp đỡ tận tình của y, bác sỹ và những tấm lòng hảo tâm, sau nhiều lần phẫu thuật, đôi chân của Hoản cũng đã gượng duỗi ra được, đôi tay co quắp đã linh hoạt hơn. Vừa ra viện, Hoản lại bùng lên khát khao đến trường. Thương con, bố mẹ em cũng quyết định xin cho con theo học vào lớp 1, trường TH Tân Lập, khi đó Hoản đã bước sang tuổi 12. Bỏ qua những lời trêu trọc của bạn bè, cắn răng chịu đựng những cơn đau khi ngày đầu tiên bắt đôi tay phải cầm bút, luyện viết từng con chữ, Hoản vẫn chăm chỉ học hành. Lúc bấy giờ theo Hoản nghĩ là học để bố mẹ đỡ buồn.

 

Kết quả thật bất ngờ, ngay trong học kỳ đầu tiên, em đã đạt học sinh tiên tiến và vẫn tiếp tục duy trì thành tích ấy trong những năm tiếp theo. Bao khó khăn lại dồn lên đôi vai bố, mẹ khi dưới Hoản lại tiếp tục có một cô em gái tật nguyền mang những di chứng hệt như Hoản. Cũng giống như anh không thể tự đi được bằng đôi chân nhưng cô bé cũng khao khát được đến trường. Vậy là, thay vì phải đưa một mình Hoản, bố mẹ Hoản hàng ngày phải đưa đón cả hai anh em. Khó khăn như vậy, đã có lúc Hoản định bỏ học để ở nhà tìm nghề phụ giúp bố mẹ nhưng được thầy, cô giáo động viên, em vẫn tiếp tục theo học và học ngày cảng giỏi hơn.

 

Hoản tâm sự: “Nếu có xe lăn, nhờ các bạn đẩy giúp thì em cũng tự đến trường được. Không phải nhờ bố đèo đi hàng ngày nữa”. Cảm thông trước hoàn cảnh gia đình khó khăn và đức tính chịu khó ham học hỏi của Hoản, các thầy, cô giáo ở đây đã miễn hoàn toàn học phí cho em và cử các thầy giáo trực tiếp phụ giúp cùng gia đình việc đưa đón Hoản đến trường khi gia đình em có việc bận.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập cho biết: Nhà trường rất tự hào về em Hoản, luôn lấy tấm gương của em để giáo dục các em khác về tinh thần vượt khó, ham học hỏi. Hoản là một học sinh đặc biệt, trong khi hiện nay, nhiều học sinh có điều kiện đi học, gia đình khá giả nhưng lại đua đòi bỏ học thì sự nỗ lực của Hoản thật đáng tự hào”.

 

Chỉ còn vài tuần nữa là năm học sẽ kết thúc, Hoản càng chăm chỉ ôn luyện hơn để đạt được những thành tích cao nhất. Cậu bé tâm sự: Em muốn học thật giỏi các môn học tự nhiên để nếu có thể em rất muốn được theo học một ngành liên quan đến máy tính, tin học, những ngành này phù hợp với điều kiện của em. Em chỉ mong có một nghề phù hợp để em có thể kiếm tiền phụ giúp bố, mẹ nuôi em gái ăn học. Với những nỗ lực rất đáng tự hào ấy, mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm đến với Hoản, giúp đỡ em để em có thể hoàn thành ước mơ của mình.

 

 

                                                                                    Đinh Hoà

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục