Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 tới, Bộ GD-ĐT cho phép một số đối tượng học sinh (HS) được chọn thi môn vật lý thay môn ngoại ngữ. Vận dụng hướng dẫn này, nhiều nơi triển khai đến 50% HS thi môn thay thế. Đây là điều mà trước nay chưa từng diễn ra.
Chủ trương cho một số đối tượng HS được thi môn vật lý thay thế môn ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT năm nay được nhiều tỉnh nhìn nhận là một chủ trương mở rộng sự lựa chọn cho HS, cho các cơ sở. Bộ có quy định những điều kiện được thi môn thay thế, trong đó cho phép HS các trường có cơ sở vật chất thiếu, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu kém... được thi môn thay thế. Bộ cũng tạo điều kiện cho sở quyết định, lựa chọn chuyện này và chỉ cần báo cáo bộ.
Đón nhận hướng dẫn mới này, nhiều nơi khấp khởi hi vọng có thêm nhiều HS được nhận bằng tốt nghiệp THPT, tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh sẽ tăng lên. Bởi thực tế ở hầu hết các tỉnh thành, tỉ lệ HS đạt điểm trung bình trở lên ở môn vật lý thường cao hơn môn tiếng Anh 20-30%.
Bỏ Anh chọn lý
Ông Trần Hoàng Nhi, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết: "Toàn tỉnh có 690 HS chọn thi môn vật lý thay môn tiếng Anh. Con số này chiếm gần 50% tổng số học sinh thuộc năm trường: THPT Giồng Thị Đam, THPT Tân Thành (huyện Tân Hồng), THPT Đỗ Công Tường (TP Cao Lãnh), THPT Kiến Văn (huyện Cao Lãnh) và THPT Nguyễn Trãi (huyện Lấp Vò).
Đây là những trường THPT vùng sâu, vùng biên giới và ba trường nguyên là trường bán công, khó khăn về cơ sở vật chất cũng như khả năng tiếp thu ngoại ngữ của học sinh kém so với các trường khác”. Được biết, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2009 của Đồng Tháp là 64%. Tuy nhiên, tỉ lệ điểm trung bình trở lên ở môn tiếng Anh chỉ đạt 38%, ở mức thấp so với khu vực và cả nước.
Tại An Giang, năm nay có gần 20 trường THPT ở các huyện biên giới và các trường có HS dân tộc thiểu số đưa ra chủ trương cho HS thi môn vật lý thay thế tiếng Anh. Tỉ lệ HS thi môn vật lý ở các trường này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, có trường đạt 70%, có trường 50%, tập trung ở các trường dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, những nơi học tiếng Anh không liên tục, một số nơi thiếu giáo viên.
Trong khi đó, ở tỉnh Bình Phước, nơi có tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2009 gần 84% nhưng chỉ có 32% HS có bài thi tiếng Anh đạt 5 điểm trở lên, hầu hết các trường THPT đều có HS thi môn thay thế. Trong đó, ở nhiều trường con số này lên đến hơn phân nửa HS.
Trường chuyên cũng thay thế!
Giám đốc một sở GD-ĐT nhận định: “Quy định HS được chọn môn thi thay thế còn chung chung, có thể hiểu và vận dụng nhiều kiểu khác nhau”. Thành ra sự vận dụng hướng dẫn của bộ mỗi nơi mỗi khác tùy quan điểm từng địa phương. Có nơi vận dụng thoáng đến mức cho cả HS trường chuyên của tỉnh cũng được thi môn thay thế. “Thậm chí có nơi cho HS thi môn thay thế với lý do trường chưa có phòng lab (tức không đủ cơ sở vật chất)” - vị giám đốc trên dẫn chứng.
Ngược lại, cũng có nhiều địa phương tuy tỉ lệ tốt nghiệp trong nhóm thấp nhất cả nước, điều kiện xã hội khó khăn, trình độ và môi trường dạy và học ngoại ngữ hạn chế nhưng vẫn kiên quyết tổ chức thi ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho 100% học sinh. Điển hình như Trà Vinh, một tỉnh vùng sâu với gần 1/5 dân số là người dân tộc thiểu số, nhưng không có HS nào thi môn vật lý thay thế (ngoại trừ hệ giáo dục thường xuyên).
Ông Trần Ngọc Minh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Trà Vinh, nói: “Tỉ lệ đạt điểm trung bình môn tiếng Anh năm trước như vậy là quá thấp so với cả nước. Chúng tôi chấp nhận cái yếu trước mắt và tìm cách nâng chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh. Chuyển đổi môn thi có thể đạt cái lợi trước mắt nhưng lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên tiếng Anh, tâm lý học tập không nghiêm túc. Chuyển đổi dễ dàng quá ảnh hưởng đến cả dạy và học tiếng Anh sau này”.
Giám đốc một sở GD-ĐT khác cho biết: "Nếu chỉ vì chạy theo thành tích mà đua nhau chuyển sang môn thi thay thế để nâng tỉ lệ tốt nghiệp thì môn thi bắt buộc sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Về lâu dài, cách làm này sẽ khiến mặt bằng dạy và học ngoại ngữ khó có thể cải thiện".
Theo Báo Tuoitre
(HBĐT) - Ngày 19/5, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và triển khai kế hoạch, chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
(HBĐT) - Suốt 3 năm liền đưa bạn đến trường, không kể trời mưa dầm hay nắng rát bỏng chân, Ninh Văn Thuần chỉ mong một điều, lớn lên 2 đứa sẽ giúp ích cho quê hương mình.
Thông tin từ nhiều trường đại học cho biết, sẽ thực hiện thu học phí theo đúng quy định của Nghị định 49 mà Chính phủ vừa ban hành. Các trường sẽ thực hiện thu ngay trong khóa học tới để tháo gỡ một phần khó khăn hiện nay mà trường đang gặp phải.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra theo hướng tránh học tủ, học vẹt, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức cũng như sự sáng tạo của học sinh
Vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố kế hoạch và chỉ tiêu tuyển giáo viên cho năm học 2010-2011. Cũng như mọi năm, sở ưu tiên cho những ứng viên tình nguyện đi dạy ở vùng ven, ngoại thành. Tuy nhiên, thực tế qua các mùa tuyển giáo viên mọi năm cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên những nơi này vẫn tồn tại. Có dịp về thăm đời sống giáo viên vùng ven, ngoại thành, mới thấu hiểu được nơi đây tồn tại nhiều điều bất cập trong việc thu hút cũng như giữ chân những người “gõ đầu trẻ”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay toàn quốc có khoảng 1,1 triệu thí sinh dự thi.