(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn để nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân với mong muốn "hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Trở về sau ca phẫu thuật sỏi thận với thời gian dài nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Hoàng Trọng ân ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chia sẻ: Cách đây hơn 30 năm tôi phải nằm điều trị mổ ruột thừa. Ngày đó cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ y, bác sĩ ít nên điều kiện mổ và chăm sóc sau mổ cũng không được tốt như bây giờ. Khi mổ mất hàng tiếng đồng hồ, sau ca mổ tôi phải nằm lại nửa tháng để điều trị. Lần này khi phát hiện bệnh, tôi được mổ nội soi chỉ khoảng 30 phút và việc điều trị cũng đơn giản. Điều quan trọng là thái độ phục vụ của y, bác sĩ tại viện rất ân cần, cảm giác như mình nằm ở nhà.
Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế Hòa Bình ngày càng trưởng thành và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ năng lực, trình độ và có khả năng tiếp cận với những thành tựu mới của nền y học hiện đại trong nước và quốc tế. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ bản đáp ứng và hoàn thành tốt sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, ngành cử 116 người đi đào tạo sau đại học, 182 người học đại học. Ngoài ra, hàng năm, cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật của các dự án: Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, JICA, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, kỹ năng quản lý...
Ngày 21/7/2010, HĐND tỉnh phê duyệt Nghị quyết số 15 về việc thông qua "Đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2010 - 2020”. Toàn tỉnh đã cử 127 người đi học bác sĩ, 10 người đi học dược sĩ đại học. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh gần 3 tỷ đồng.
Ngày 3/7/2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 119 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 151, theo đó, tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo bác sĩ, dược sĩ tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, Nghị quyết số 119 còn bổ sung thêm chính sách thu hút đối với bác sĩ chính quy về công tác tại tỉnh.
Những năm qua, nhiều kỹ thuật mới được các bệnh viện Trung ương chuyển giao đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện ứng dụng trong điều trị bệnh có hiệu quả. Ngành thường xuyên phát động thi đua và tổ chức nhiều cuộc thi về y đức của người thầy thuốc. Qua đó, giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thay đổi tư duy trong việc chăm sóc người bệnh, coi người bệnh như người thân của mình.
Cùng với đầu tư về con người, ngành Y tế đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trong khám, chữa bệnh. Tích cực, chủ động phòng, chống các dịch bệnh, thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, phát hiện các loại dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, không ghi nhận ca mắc/nghi ngờ với các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng khắp, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 97,1%. Ngành đã tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi, không để xảy ra tai biến trong tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 17% và thể thấp còi co`n 24,5%.
Năm 2016, Hòa Bình là tỉnh đứng đầu toàn quốc về thực hiện chỉ tiêu thiên niên kỷ: 90% bệnh nhân HIV được điều trị ARV, đồng thời đưa tất cả các phòng khám ngoại trú điều trị ARV vào hệ thống thanh toán của BHYT, tránh được tình trạng khi hỗ trợ của các dự án chấm dứt, bệnh nhân không có nguồn để thanh toán điều trị.
Công tác VSATTP được tăng cường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Công tác DS/KHHGĐ tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ suất sinh là 0,4%o; duy trì mức sinh thay thế 2,01 con. Trong công tác khám, chữa bệnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch khám, chữa bệnh, công suất giường bệnh đạt 100-120%. Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng được chú trọng, các cơ sở từng bước được nâng cao cả về chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Các dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh đã được ứng dụng. Cụ thể, năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư, lắp đặt hệ thống máy chụp cộng hưởng từ (MRI) có tổng mức đầu tư 26,5 tỷ đồng. Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ là thành tựu lớn trong thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh. Đầu tư xây dựng mới 5 trạm y tế xã vùng khó khăn do nguồn vốn EU tài trợ. Ngành y tế tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, tăng cường cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện. Thực hiện tốt chế độ, chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có thẻ BHYT và các đối tượng chính sách khác. ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị, toàn ngành Y tế có 206/221 cơ sở (công lập) đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện VNPT HIS.
Công tác quản lý Nhà nước về dược được thực hiện hiệu quả. Mạng lưới cung ứng đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, thuốc chuyên khoa, duy trì đủ cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, thiên tai. Công tác củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở được chú trọng. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã có 86 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (đạt tỷ lệ 41%); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 7,01; 63,8% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động. Hệ thống trạm y tế xã, phường đã thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp cứu, khám, chữa bệnh thông thường, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế gần nhất.
Việt Lâm