Cán bộ Trung tâm y tế thành phố Hòa Bình phun thuốc diệt muỗi tại ổ dịch xã Thống Nhất.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh, ca bệnh SXH ghi nhận đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào ngày 19/6/2017. Đến nay, sau hơn 2 tháng, toàn tỉnh đã ghi nhận 184 trường hợp mắc/nghi mắc SXH tại 11 huyện, thành phố, tập trung chủ yếu tại các huyện:
Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Toàn tỉnh ghi nhận 71 trường hợp dương tính, 20 trường hợp âm tính trong tổng số 105 trường hợp lấy mẫu. 67/71 trường hợp dương tính SXH đều có tiền sử dịch tễ: sinh sống, đi học, làm việc tại một số tỉnh, thành nhưng chủ yếu là thành phố Hà Nội. 4/71 trường hợp dương tính SXH khởi phát tại Hòa Bình ghi nhận tại xã Liên Sơn (Lương Sơn), xã Thống Nhất, phường Đồng Tiến và phường Phương Lâm thành phố Hòa Bình. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm y tế (TTYT) thành phố và TTYT huyện Lương Sơn đã tiến hành xử lý ổ dịch tại các xã, phường với sự hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của TTYTDP tỉnh và chỉ đạo của Sở Y tế, UBND thành phố Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn với đầy đủ các bước theo quy định của Bộ Y tế.
Bác sỹ CKII Trần Thị ái Hương, Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: Ngay từ khi phát hiện những ca bệnh SXH đầu tiên, TTYTDP tỉnh đã có công văn chỉ đạo TTYT các địa phương có ghi nhận ca bệnh, đồng thời gửi 11 TTYT huyện, thành phố tăng cường phòng - chống dịch SXH; kịp thời có công văn chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn tuyến dưới về công tác phòng - chống dịch SXH khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên toàn quốc và trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện đưa nội dung phòng - chống SXH làm mục tiêu trọng điểm trong thời gian tới. Xây dựng kế hoạch đáp ứng công tác phòng - chống dịch SXH của đơn vị; tham mưu cho ngành Y tế và Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch phòng - chống dịch SXH. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 24 giờ sau khi có ca bệnh. Cử cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hàng ngày giám sát chủ động ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Tiếp nhận mẫu xét nghiệm của các đơn vị, chuyển về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định. Đến nay, các đơn vị có thể sử dụng test nhanh tại chỗ để triển khai giám sát, chống dịch đảm bảo kịp thời. Phối hợp liên ngành, cấp test chẩn đoán nhanh ca bệnh SXH cho 11 TTYT huyện, TP và BVĐK tỉnh. Tập huấn về giám sát, báo cáo phòng - chống dịch bệnh; hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm; chẩn đoán và điều trị bệnh nhân SXH cho cán bộ làm công tác phòng - chống dịch bệnh, xét nghiệm và điều trị của BVĐK tỉnh, TTYT 11 huyện, thành phố.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng - chống dịch bệnh SXH năm 2017 và chỉ đạo Ban chỉ đạo các huyện, thành phố ngành y tế xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện. Ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, hóa chất, phương tiện chống dịch tại các tuyến. Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch lớn. Tuyến tỉnh chủ động giám sát bệnh viện tỉnh, tuyến huyện chủ động giám sát phát hiện ca bệnh SXH tại TTYT các huyện, thành phố, phòng khám đa khoa khu vực và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời khi có các trường hợp bệnh, ổ dịch. Tuyến xã, phường phát hiện, giám sát, báo cáo thông qua hoạt động khám - chữa bệnh thường xuyên. Đảm bảo 100% bệnh nhân độ I và II được theo dõi điều trị tại các cơ sở tế hoặc theo dõi tại cộng đồng. Tổ chức điều tra định loại véc tơ (muỗi và bọ gậy) tại các xã có ca bệnh SXH để có các biện pháp kịp thời chủ động phòng- chống dịch bệnh. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường hoạt động thông tin - truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát thông điệp trên hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn, qua họp thôn, bản, truyền thông tại các trường học,… phù hợp với từng địa phương; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình. Chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao.
Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bảo đảm trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị sẵn sàng cấp cứu, thu dung điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp tử vong khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Thành lập tổ cấp cứu lưu động luôn túc trực để hỗ trợ tuyến dưới.
Thời điểm này đang vào mùa mưa, là mùa dễ bùng phát của dịch bệnh SXH. Vì vậy, để làm tốt công tác phòng - chống dịch bệnh SXH không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Thùy Dung (Trung tâm TTGDSK tỉnh)