(HBĐT) - Là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp lắng nghe tiếng nói của người lao động, thường xuyên tập hợp những đề xuất, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ và chủ sử dụng lao động về những vướng mắc, bất hợp lý trong thực thi các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó góp phần mang những chính sách về an sinh xã hội tốt nhất đến gần hơn với người lao động, tạo điều kiện cho họ hăng say sản xuất, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Được tham gia Hội nghị tuyên truyền, phổ biến
pháp luật do LĐLĐ tỉnh và Công đoàn ngành Công thương tổ chức ở Công ty TNHH
Sung il vina trên địa bàn xã Thanh Hối (Tân Lạc), anh Bùi Văn Tình, công nhân
Tổ sản xuất số 2 chia sẻ: Thông qua hội nghị, chúng tôi được trang bị những nội
dung cơ bản về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT. Trong đó,
chúng tôi quan tâm đến quyền lợi và
trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, chủ sử dụng lao động, người lao động khi
tham gia bảo hiểm, chế độ nghỉ thai sản, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp… Các
thắc mắc của người lao động được đặt ra được đại diện cán bộ LĐLĐ tỉnh giải đáp nhiệt tình, thỏa đáng.
Đồng chí Hoàng Kim Bảng, Trưởng ban Chính sách pháp
luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Thực hiện quy chế phối hợp giữa 2 ngành LĐLĐ tỉnh và
BHXH tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, những
năm qua, LĐLĐ tỉnh đã triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các chính
sách bảo hiểm đến các doanh nghiệp, người lao động thông qua nhiều hình thức
nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật nói chung và pháp luật về
BHXH, BHYT, BHTN nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động,
góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại các doanh nghiệp.
Ngày 27/4/2017, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08
phân bổ và tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2017. Trong đó,
đối tượng tuyên truyền là Ban chấp hành công đoàn cơ sở, người lao động, người
sử dụng lao động, tập trung chủ yếu vào đối tượng ở khu vực sản xuất, kinh
doanh. Nội dung tuyên truyền về các quy định của pháp luật lao động như Bộ luật
Lao động, pháp luật công đoàn, BHXH, ATVSLĐ, việc làm... Hình thức tuyên truyền
cũng được đa dạng hóa, ngoài các lớp tập huấn, phát tờ rơi, tờ gấp, LĐLĐ tỉnh
đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, trọng tâm là tổ chức
các hội nghị đối thoại, tư vấn về BHXH, BHYT, BHTN để tháo gỡ những vướng mắc
với các nhóm đối tượng là người sử dụng lao động, người lao động trong các
doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ
chức 12 lớp, trung bình mỗi lớp có 100 học viên. Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh
phối hợp mở được 6 lớp. Trong đó phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức đối thoại với
270 người lao động trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; 1 lớp tập
huấn về công tác ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 70 lao
động và 3 lớp ở huyện Đà Bắc, 1 lớp phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương và
1 lớp phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh (mỗi lớp 100 học viên).
Theo đồng chí Hoàng Kim Bảng, bên cạnh đẩy mạnh công
tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan
trọng, tính ưu việt, quyền lợi khi tham
gia BHXH, BHYT, BHTN, những điểm mới của Luật BHXH, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với
BHXH tỉnh và các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải
quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo; trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu
trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT,
BHTN. Từ đó hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo hiểm,
đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hương Lan