(HBĐT) - Theo báo cáo của ngành y tế, toàn tỉnh hiện có 210 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có 86 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Có vai trò là cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tuy nhiên có thể thấy hiện nay, nhiều trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực ngành y tế tại tuyến cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ Trạm y tế xã Hợp Châu (Lương Sơn) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn.
Lạc Sơn là một huyện miền núi đông dân cư với 29 xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung tâm y tế huyện có 43 bác sỹ, trong đó, công tác tại các trạm là 13 bác sỹ. Đồng chí Bùi Thị Phức, Phó trưởng phòng Y tế huyện Lạc Sơn cho biết: Việc thiếu bác sỹ tuyến cơ sở gây rất nhiều khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Nhiều loại bệnh hoàn toàn có thể xử lý được tại tuyến cơ sở nhưng vẫn buộc phải chuyển tuyến vì không có bác sỹ khám. Hay việc sử dụng các thiết bị khám, chữa bệnh, đối với cán bộ không phải là bác sỹ được đào tạo thì nhiều loại máy móc hiện đại, không phải cán bộ nào cũng sử dụng được. Với những ca bệnh phức tạp đều phải chuyển tuyến huyện. Vì vậy, người dân đến trạm y tế hiện nay chủ yếu xin giấy giới thiệu để khám bệnh ở các tuyến trên và làm công tác truyền thông y tế, chương trình y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng. Không chỉ ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh ban đầu, thiếu bác sỹ cũng gây nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về y tế đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Theo đồng chí Phó phòng Y tế huyện: Đối với nhiều xã, để đảm bảo tiêu chí về y tế, huyện buộc phải bố trí một tuần 2 buổi cho bác sỹ từ Trung tâm y tế huyện hoặc các trạm lân cận đến khám tại xã. Điều này không chỉ gây khó khăn cho bác sỹ mà thực tế, hoạt động này ít được duy trì sau khi xã đã hoàn thành tiêu chí y tế về NTM.
Tại huyện Đà Bắc, nhiều xã vùng sâu, xa do không có bác sỹ khám tại trạm nên hầu hết người bệnh đều đi thẳng lên tuyến huyện. Có nhiều ca bệnh đòi hỏi phải xử lý gấp gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm y tế huyện buộc phải thành lập đội cấp cứu, phẫu thuật ngoại viện. "Khi có bệnh nhân cần cấp cứu thì trạm y tế đưa xuống, đồng thời, chúng tôi cũng phải cho xe đến đón bệnh nhân” - đồng chí Trần Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc cho biết.
Nguồn nhân lực ngành y, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao như chức danh bác sỹ cho tuyến xã hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không có bác sỹ nào mới ra trường làm hồ sơ về công tác tại trạm y tế xã. Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh, để thu hút nguồn nhân lực, tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 119 quy định về các chính sách đào tạo và thu hút đối với ngành y. Qua 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 144 người được hưởng chính sách về đào tạo, trong đó cử 96 người học liên thông bác sỹ; 38 người học bác sỹ chính quy theo địa chỉ, 6 dược sỹ liên thông và 4 dược sỹ chính quy theo địa chỉ. Theo Nghị quyết số 119, một bác sỹ tốt nghiệp chính quy đồng ý làm việc tại địa phương 10 năm được hỗ trợ 50 triệu đồng khi làm việc tại tuyến tỉnh, thành phố; 80 triệu động tại tuyến huyện và 100 triệu đồng tại tuyến xã. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 21 bác sỹ làm việc tại tuyến tỉnh; 6 bác sỹ làm việc tại tuyến huyện và chưa thu hút được bác sỹ nào làm việc tại tuyến xã.
Thiếu hụt nguồn nhân lực, tuy nhiên, công tác tuyển dụng cán bộ ngành y tế hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, tổng số chỉ tiêu thông báo tuyển dụng toàn ngành là 94 chỉ tiêu, khối trạm y tế xã 24 chỉ tiêu, tuy nhiên, chỉ tuyển dụng được 15 chỉ tiêu; khối trung tâm y tế, bệnh viên 70 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển dụng được 49 chỉ tiêu.
Không chỉ khó khăn trong tuyển dụng, chất lượng và cơ cấu ngạch chuyên môn của mỗi trạm y tế đang là vấn đề nan giải. Theo đồng chí Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế: Từ năm 2017, ngành Y tế tiếp nhận 210 trạm y tế xã, phường, thị trấn về quản lý toàn diện theo ngành dọc. Sau khi bàn giao, ngành nhận thấy có nhiều bất cập như nhiều trạm thừa về số lượng cán bộ nhưng lại thiếu về cơ cấu ngạch. Ví dụ với một xã khoảng 5.000 người được phép tuyển dụng 4 - 5 cán bộ y tế, đồng thời phải đảm bảo cơ cấu ngạch chuyên môn. Tuy nhiên, có những xã thừa từ 2 - 3 cán bộ và cơ cấu ngạch có ngạch thiếu, có ngạch thừa.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Theo đề án sẽ cho phép thành lập các phòng khám vệ tinh của bệnh viện tại các trạm y tế xã. Đây được xem là một cơ hội để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế tốt hơn. Tuy nhiên, cũng là một thách thức không nhỏ trong điều kiện nguồn nhân lực ngành y, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vừa thiếu vừa khó tuyển dụng như hiện nay. Điều này đòi hỏi tỉnh ta cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ thì mới có thể đảm bảo thực hiện đề án đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở.
Phương Linh