Những ngày gần đây, không khí lạnh cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh, một số nơi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra rét hại, phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao đã xuất hiện mưa tuyết, băng giá, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của người dân.




Cán bộ Trạm Y tế xã Tú Sơn (Kim Bôi) tư vấn dinh dưỡng cho người dân để đảm bảo sức khoẻ trong mùa lạnh.

Mấy ngày qua, thời tiết giảm sâu khiến gia đình chị Nguyễn Thu Hương, phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) có 5 người thì có tới 3 người mắc cúm. Chị Hương chia sẻ: Lúc đầu, con thứ 2 bị cúm, sốt, ho, sau đó lây sang mẹ và em. Tôi mua thuốc uống nhưng 3 ngày vẫn chưa đỡ và đang tính đưa các con đến phòng khám để bác sỹ kê đơn thuốc điều trị cho dứt điểm, đảm bảo sức khoẻ…

Đồng chí Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 338/SYT-NVY, ngày 10/2/2025 về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp dự phòng chăm sóc sức khoẻ mùa lạnh cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ mùa lạnh cho cộng đồng và cán bộ y tế các cấp, nhất là tuyến y tế cơ sở để tuyên truyền, tư vấn cho người dân trên địa bàn. Đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Theo thống kê của ngành Y tế, vào mùa lạnh có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Ngành Y tế khuyến cáo để bảo vệ sức khoẻ mùa lạnh cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, nhất là thời gian từ 21h đến 6h. Khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang... Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than; không nên uống rượu, bia vì càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.

Bên cạnh đó, sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể. Vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hàng ngày; súc miệng bằng nước ấm có pha chút muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, vi rút; tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh cúm. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… đã được chẩn đoán chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Rèn luyện thân thể, tập thể dục phù hợp với cơ thể.

Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ người, tay, chân khô ráo, tránh ẩm ướt, đặc biệt là công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò… Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, người bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh. Biểu hiện giảm thân nhiệt như run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... cần phải sưởi ấm ngay. Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sỹ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống…


Hương Lan

Các tin khác


Gia tăng các ca mắc cúm diễn biến nặng

Nhiều người chủ quan không đi khám, bị mắc cúm A diễn biến nặng, khiến phổi tổn thương tới 50%.

Bộ Y tế thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản

Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khám cho 1.183 người

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khám, cấp cứu cho 1.183 người.

Trên 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết Ất Tỵ

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 16.518 trẻ chào đời; số người bệnh được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 200.084 người.

Tuần nghỉ Tết, cả nước có gần 1.000 ca nghi mắc sởi

Trong 6 ngày nghỉ Tết, cả nước có 988 ca nghi mắc sởi, chưa ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh lãnh đạo hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có 279 đảng viên, sinh hoạt tại 19 chi bộ trực thuộc. Cùng với tăng cường công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ bệnh viện chú trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đào tạo cán bộ y tế, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục