Xưa nay ở vùng cao, chẳng ai xa lạ gì với cây lá ngón. Vậy mà nó lại có thể lẫn trong một loại cây rừng mà bà con ở vùng sâu, vùng xa vẫn đun làm nước uống hàng ngày khiến 15 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong chỉ trong một đêm.
.
Cần phải tuyên truyền cho người dân phân biệt rõ lá ngón là loại cây nguy hiểm. Ảnh: Anh Văn |
Trắng đêm chống chọi với tử thần
Tới bản Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, bà con cũng vừa mai táng xong cho 3 thành viên xấu số của bản. Ông Lò Văn Lò, Phó bản Tân Phong 1, bàng hoàng kể lại đêm trắng chống chọi với tử thần: Khoảng 18 giờ ngày 3/1/2010, bà Mồ Thị Phẹn (SN 1953) đun nước từ một loại cây rừng (bó cây có cả thân, rễ và lá), tiếng dân tộc gọi là "co cáy củm" để gia đình uống và tắm rửa cho con gái vừa sinh cháu ngoại được 3 ngày (bà con quan niệm tắm rửa bằng nước co cáy củm sản phụ sẽ mau phục hồi sức khỏe). Khi nước sôi, bà Phẹn rót nước vào phích và ngửi phải hơi nước bốc lên thấy bị chóng mặt, hoa mắt, khó thở. Nghĩ là bị cảm, bà gọi mọi người trong gia đình, hàng xóm đến đánh cảm. Hơn 22 giờ cùng ngày, nhà bà Phẹn tập trung gần 20 người, trong đó có ông Lò Văn Vẳn (chồng bà Phẹn), anh Lò Văn Hương (SN 1985, đang ở rể tại gia đình bà và vợ là Lò Thị Màu mới sinh con), anh Lò Văn Ngổ (SN 1967 là công an viên của bản), ông Hoàng Văn Vân (trưởng bản Tân Phong 1), còn lại anh em, họ hàng cùng một số người hàng xóm. Bà Mồ Thị Phẹn dần ổn định sức khỏe, 15 người tại gia đình ngồi uống nước thuốc mà bà đã đun sôi đổ vào phích và có người còn pha lẫn với chè uống. Chồng bà và con rể Lò Văn Hương dùng nước trong phích úp mì tôm để ăn. Khoảng 2 giờ ngày 4/1, ông Lò Văn Vẳn và Lò Văn Hương bị chóng mặt, hoa mắt, sùi bọt mép và co giật, nhà bà Phẹn gọi mọi người và hàng xóm đưa 2 người đến cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn (huyện Mường Chà) nhưng cả 2 đã tử vong trên đường đi. Sau khi đưa thi thể ông Lò Văn Vẳn và Lò Văn Hương về gia đình, 12 người uống nước thuốc tại nhà bà Phẹn bắt đầu xuất hiện triệu chứng chóng mặt, hoa mắt và buồn nôn. Mọi người trong bản tiếp tục đưa 12 người đến Phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn cấp cứu. Cũng lúc đó, mọi người phát hiện anh Lò Văn Ngổ xuất hiện triệu trứng tương tự và diễn biến bệnh đã khá nặng liền đưa đi cấp cứu nhưng khi đến Phòng khám ít phút, anh Ngổ cũng đã tử vong.
Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn, anh Đào Duy Phúc, cho biết: Từ 2 giờ 30 phút đến 5 giờ sáng ngày 4/1, Phòng khám tiếp nhận 15 ca theo chẩn đoán là bị ngộ độc, trong đó có 2 ca tử vong trên đường đi, 1 ca nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch và tử vong sau 10 phút. Cán bộ, y bác sỹ phòng khám, chẩn đoán và điều trị thải độc cho 12 trường hợp bằng cách rửa dạ dày, gây nôn, truyền dịch thải độc và điều trị triệu chứng. Ngày 6/1, 12 ca ngộ độc đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện, chỉ còn cháu Vàng Thị Vi, 3 tuổi (cháu ngoại bà Mồ Thị Phẹn) đang tiếp tục theo dõi. Nếu việc cấp cứu tại cơ sở y tế không nhanh, hoặc uống nhiều nước thì số phận của 12 người cũng giống ông Vẳn, anh Ngổ và anh Hương.
Vẫn chưa hoàn hồn
Trưởng bản Tân Phong 1, Hoàng Văn Vân, một trong số 12 người may mắn thoát chết vẫn chưa hoàn hồn, kể lại: Khi đưa thi thể ông Lò Văn Vẳn và anh Lò Văn Hương từ bệnh viện về gia đình, chúng tôi bắt đầu thấy có biểu hiện bệnh lý giống như họ và phát hiện anh Lò Văn Ngổ trong tình trạng rất nguy kịch. Tôi hô bà con dân bản khẩn trương tìm những người đã uống nước tại nhà bà Mồ Thị Phẹn đi cấp cứu, chắc chắn là ngộ độc do nước thuốc (từ suy luận anh Ngổ không ăn mì tôm vẫn bị ngộ độc nặng), sau đó tôi không còn biết gì nữa. Ông Lò Văn Viện (em chồng bà Mồ Thị Phẹn), bùi ngùi: Khi chị dâu bị cảm, anh em trong gia đình, hàng xóm gọi nhau đến đánh cảm và thăm hỏi, ai không biết đánh cảm thì ngồi uống nước. Không riêng gì gia đình chị dâu tôi, mà đa số người dân trong bản Tân Phong 1 đều dùng loại cây rừng đun làm nước uống. Có lẽ do khi đi lấy, không để ý nên đã lẫn phải 1 loại cây độc. Còn chị Vàng Thị Thanh (con dâu bà Lò Thị Phẹn), khi ra viện về nhà chỉ khóc và nghẹn ngào: Thương mẹ chồng, bà cứ như người mất hồn khi biết chồng, con rể, anh Ngổ mất và 12 người suýt chết đều là họ hàng cùng dân bản bị ngộ độc do nước thuốc chính tay bà đun từ cây rừng.
Nhìn gương mặt bà MồThị Phẹn hốc hác bơ phờ, suy sụp ngồi bất thần một góc và nỗi buồn của chị Lò Thị Xuyến (vợ anh Lò Văn Ngổ), chị Lò Thị Mầu, chúng tôi và bà con dân bản cũng hiểu được nỗi đau mất chồng, nhất là nỗi xót xa của một góa phụ trẻ. Vì sự vô tình, không thận trọng khi lấy cây rừng về đun làm nước uống, trong một đêm đã cướp đi tính mạng của 3 người và 12 người thoát chết trong gang tấc.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại bản Tân Phong 1, lấy mẫu cây rừng, nước sắc của cây mà các bệnh nhân uống gửi về Trung ương kiểm nghiệm. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của ngành y tế: Người dân ngộ độc do sử dụng loại cây có độc tính cao lẫn trong bó cây rừng "co cáy củm".
Theo Báo SKĐS
Trước thông tin về việc nhiều loại đồ chơi trẻ em dạng trang sức của Trung Quốc sản xuất có chứa chất cadmium, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, hiện nay mặt hàng này không nằm trong diện quản lý về chất lượng, độ an toàn của Bộ Y tế.
Ngày 14/1, Đoàn kiểm tra phát hiện các chủ cơ sở chế biến bột ớt tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ - Bình Định) đã dùng phẩm màu công nghiệp trộn với hạt điều và bột ớt để làm tăng vẻ đẹp của màu ớt.
Trước những thông tin khác nhau về nhận định tình hình đại dịch cúm A (H1N1), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn GS, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.
(HBĐT) - Nhằm vơi bớt nỗi đau và chia sẻ một phần khó khăn với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, Hội CCB Lạc Thuỷ đã phát động phong trào gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.
Trẻ em cũng có thể bị viêm xoang (VX) do hiện tượng viêm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) ngược dòng từ họng, mũi, phế quản… đi lên. Triệu chứng của VX ở trẻ em khó chẩn đoán hơn rất nhiều so với người VX ở người lớn.
Hành là món gia vị ưa thích của nhiều người. Thành phần dinh dưỡng không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến hành được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực; mà điều đặc biệt hơn đó là khả năng chữa bệnh của hành.