Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện Việt Nam mới đáp ứng được 50,18% nhu cầu sử dụng thuốc, nhưng 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược Việt Nam đang gặp không ít rủi ro do biến động tỷ giá, giá cả nguyên liệu, rủi ro chất lượng nguyên liệu và thương mại.

Từ đầu tư vùng nguyên liệu

Khẳng định quan điểm bảo tồn dược liệu, trồng dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu là mũi nhọn của ngành dược Việt Nam, Công ty cổ phần Y - Dược phẩm Vimedimex (TPHCM) đã đầu tư khá nhiều cho các vùng trồng nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex, thành quả gần đây của công ty là nghiên cứu trồng thông đỏ, tự túc sản xuất hai loại thuốc trị ung thư từ thông đỏ và cây dừa cạn. Hàm lượng tinh dầu thông đỏ ở nước ta cao gấp nhiều lần so với các nước và sau khi tổng hợp có giá thành rẻ hơn nhập khẩu nhiều lần.

Không những vậy, Vimedimex đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu là cây hoa hòe ở Đắc Lắc, với trữ lượng khoảng 70 tấn hoa khô/năm, đã sản xuất được hoạt chất rutin đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh với rutin nhập khẩu từ Trung Quốc. Hay như đã sản xuất cao khô dược liệu khoảng 100 tấn/năm cung cấp cho các doanh nghiệp dược trong nước, đặc biệt atisô có hàm lượng cynarin cao gấp 3 lần tiêu chuẩn của nhà sản xuất Rosepharma (Pháp).

Dây chuyền chiết xuất và tổng hợp dược liệu của Công ty Hóa - Dược phẩm Việt Nam. Ảnh: Tg LÂM

Ngoài ra, theo ông Hùng, hiện Vimedimex đầu tư xây dựng quy trình sản xuất 10 cây dược liệu của vùng Tây Nguyên và Tây Ninh đủ để phát triển hàng trăm hécta, cây kim ngân, hoa hòe, nhân trần tía, hoài nhơn, đẳng sâm…, hướng tới đảm bảo không phải nhập khẩu.

Không chỉ tiến tới tự túc về nguồn dược liệu, việc xây dựng các vùng trồng dược liệu đang còn là mô hình xóa đói giảm nghèo. Điển hình tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần Nam Dược đã đầu tư trồng cây thìa canh - một loại cây dược liệu dùng để sản xuất ra thuốc diabetna trị bệnh tiểu đường.

Theo tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, sau một năm trồng, cây thìa canh cho thu hoạch với năng suất bình quân 3 tấn lá khô/ha/năm, giá trị kinh tế đạt gần 80 triệu đồng/ha. Việc đưa cây thìa canh vào trồng với quy mô lớn không chỉ giúp cung ứng thêm nguồn dược liệu, hạn chế nhập khẩu, mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 3.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Đã nghiên cứu, phát triển thành những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y như thuốc kim tiền thảo chữa sỏi thận của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (TPHCM), thuốc Crila chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung chữa bệnh u xơ tử cung…
 
Đến chiết xuất và tổng hợp

Cây hồi có giá trị xuất khẩu cao, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn… đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Hoa hồi chiết xuất ra acid shikimic để tổng hợp sản xuất thuốc tamiflu chống cúm A/H1N1 và A/H5N1, được các nước trên thế giới thu mua với giá cao.

Thế nhưng, sau đại dịch cúm A/H1N1 vừa qua, cây hồi gần như đã cạn kiệt do khai thác bừa bãi để bán cho thương lái Trung Quốc. Điều đáng nói, thay vì được chiết xuất, tổng hợp để bán với giá cao thì người dân đem bán thô nguyên cây như “bán củi”.

Chính vì vậy, mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến đưa cây hồi vào nhóm “sản phẩm thuốc quốc gia” nhằm phát triển, phục vụ sản xuất thuốc trong nước. Ngoài ra, cây sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung cũng được xếp vào nhóm dược liệu cần bảo tồn và phát triển.
 
Song, bên cạnh đầu tư phát triển nguồn dược liệu, nhiều chuyên gia đặt vấn đề rằng công tác chiết xuất và tổng hợp hiện đang còn nhiều hạn chế. Do đó, tại buổi khánh thành nhà máy chiết xuất và tổng hợp các nguyên liệu làm thuốc đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Việt Nam (VCP) mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đầu tư xây dựng các nhà máy chiết xuất, tổng hợp dược liệu song hành với việc phát triển các vùng trồng dược liệu là rất cần thiết để tiến tới tự chủ nguồn dược liệu trong nước.

Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty VCP, việc đầu tư nhà máy hơn 10 triệu USD xuất phát từ chủ trương của Chính phủ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành dược trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp dược, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu, tiết kiệm được ngoại tệ cho nhà nước.

Điều quan trọng, theo ông Dũng cần đảm bảo đầu ra ổn định cho các vùng trồng dược liệu, đây là cơ sở vững chắc để phát triển các ngành nông nghiệp dược liệu.

Với hệ sinh thái nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích… Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa có những phương án cụ thể để phát triển các vùng trồng nguyên liệu, hầu như các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tự mày mò “tự cung tự cấp” một phần, còn lại chủ yếu nhập khẩu.

Hơn nữa, công nghệ chiết xuất, tổng hợp lạc hậu cũng đang là trở ngại chính cho việc cung cấp tinh chất dược liệu đảm bảo sản xuất thuốc chữa bệnh.

 

                                                                        Theo SGGP

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục