Trong truyền thống của mình, người Việt Nam luôn đề cao các quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Ðiều này thể hiện qua câu tục ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã" mà qua bao đời mọi người đều đã thuộc nằm lòng, coi đó là nguyên tắc ứng xử cần được tôn trọng. Vì thế, khi đất nước đã có những bước phát triển mới, thì vấn đề này cũng đang được đặt ra...

 

Ở Việt Nam, dòng họ là một thiết chế xã hội quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên kết cấu làng xã và rộng hơn nữa là đất nước. Ðã có nhiều dòng họ nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Là người Việt Nam dù có mang tên họ khác nhau, dù thuộc các dòng họ đã trải qua quá trình hưng vong thăng trầm khác nhau nhưng đều chung một truyền thống tốt đẹp là luôn có ý niệm về gốc gác tổ tiên để thờ kính, quê hương bản quán để tìm về. Hiện nay, vấn đề con cháu góp công góp của gây dựng lại nơi thờ tự tổ tiên, quan tâm hơn đến việc họ đang trở nên phổ biến trên cả nước, đặc biệt là tại các vùng có truyền thống quần cư lâu đời như Hà Nội, Nam Ðịnh, Thái Bình, Nghệ An... Phải nói rằng, ở rất nhiều nơi, việc dịch gia phả, quy tập xây cất hay tu bổ từ đường và mồ mả ông bà tổ tiên, tìm gốc tích thủy tổ và các chi ngành họ hàng lưu lạc, rồi lập hòm công đức, lập quỹ khuyến học... đã trở thành hoạt động được nhiều dòng họ coi trọng. Xét về mặt tích cực, phong trào này càng góp phần khẳng định những giá trị văn hóa bất biến về phương diện tinh thần mà dòng họ mang lại cho cộng đồng, là sợi dây vô hình liên kết tâm hồn người Việt hướng đến nguồn cội.

Văn hóa dòng họ bao hàm trong đó những giá trị vật thể như bia ký, gia phả, từ đường, lăng mộ... và các giá trị phi vật thể như bề dày truyền thống của dòng họ, quy ước dòng họ, việc thờ cúng tổ tiên và nghi lễ, mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, mối quan hệ với xã hội, vai trò và vị trí của dòng họ đối với sự phát triển của địa phương hoặc đối với đất nước... 'Việc họ' cơ bản bao gồm các việc quan trọng mà dòng họ nào cũng phải thực hiện như tìm lại gia phả, xây cất nơi thờ tự và mồ mả, lập hòm công đức để con cháu tự nguyện đóng góp nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu thuận với họ tộc. Tuy vậy, 'việc họ' cơ bản ấy lại chưa đủ cơ sở để có thể dựa vào đó để đánh giá hàm lượng văn hóa của một dòng họ.

Trên thực tế, đã có nhiều dòng họ nhận thức đúng mực vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, qua việc bổ sung những hành động thiết thực vào 'việc họ'. Như lập ban khuyến học, lập tủ sách chủ yếu nhằm vào đối tượng con cháu đang độ tuổi đến trường, tạo điều kiện cho con cháu được học hành tiến tới, mở mang tri thức. Tủ sách cho dòng họ xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ tới khi mô hình Tủ sách dòng họ của anh Nguyễn Quang Thạch - một doanh nhân xã hội, sáng lập với tủ sách đầu tiên vào năm 2007 đã tạo nên hiệu ứng xây dựng tủ sách cho dòng họ trên quy mô cả nước. Ðặc biệt, năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đồng ý việc nghiên cứu, thiết kế, xây dựng thí điểm và chuẩn hóa mô hình Tủ sách dòng họ ở vùng nông thôn Việt Nam. Hiện nay, trên cả nước đã có gần 80 tủ sách dòng họ đang nỗ lực hoạt động khá hiệu quả để đạt các yếu tố chuẩn mực của ngành thư viện và khai thác các tiềm năng vốn có trong cộng đồng để gây dựng quỹ sách ngày càng đa dạng hơn. Ðây là một mô hình phát triển tri thức và văn hóa, không chỉ góp phần nâng cao dân trí ở nông thôn mà còn góp phần làm phong phú thêm dung lượng văn hóa cho tổ chức dòng họ. Tủ sách ngoài giá trị hữu hình mang đến sách báo vốn rất khan hiếm ở nông thôn, còn mang ý nghĩa xã hội to lớn khi gắn kết được trách nhiệm của những người con xa quê sống ở thành thị đối với dòng họ mình - góp phần chia sẻ tri thức với bà con thông qua việc đóng góp sách báo - vốn xuất bản số lượng có hạn và chủ yếu phát hành ở thành thị. Hơn nữa, tủ sách với chủ trương phục vụ không chỉ người trong họ, mà còn phục vụ cả bà con xóm giềng thuộc dòng họ khác. Ðó là những hành vi văn hóa đáng trân trọng, góp phần hình thành nên danh hiệu văn hóa đích thực của dòng họ. Cùng với việc làm này, một số dòng họ còn quan tâm tới việc duy trì nền nếp văn hóa của dòng họ, thường xuyên nhắc nhở con cháu sống và làm việc một cách hữu ích; góp ý hoặc có biện pháp về mặt tinh thần với các cháu con trong dòng họ hư hỏng, giúp đỡ các gia đình nghèo về vật chất, đặc biệt là có biện pháp thiết thực lâu dài để giải quyết khó khăn cho gia đình nghèo... 

Cho tới hôm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa dòng họ, vì thế chưa thể trả lời câu hỏi thế nào là một dòng họ có văn hóa. Xây dựng văn hóa dòng họ là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trong lúc nhịp sống hiện đại ngày càng trở nên căng thẳng, bộn bề thì nhu cầu đó càng bùng phát mạnh mẽ, nghĩa là mọi người thường xem cội nguồn từ dòng họ như một niềm tin góp phần lấy lại sự cân bằng tinh thần trong cuộc sống hằng ngày. Ðáng tiếc là đã có nhiều người lợi dụng việc làm này để trục lợi cá nhân thông qua việc lập ra các ban liên lạc dòng họ để bớt xén tiền công đức bất chính, bày vẽ cúng bái rườm rà mê tín dị đoan, xây cất từ đường và nghĩa trang phô trương tốn kém... Ở một số địa phương, một số dòng họ con cháu có kinh tế dư giả, nên có điều kiện xây cất 'mồ to mả đẹp', từ đường lộng lẫy với đầy đủ các thứ tán lọng đỉnh đồng và hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, vào ngày lễ, Tết, giỗ tổ thì bày biện mâm cao cỗ đầy, cờ giong trống giục. Thậm chí có dòng họ lấy đó làm mưu cầu hướng tới và tổ chức quyên góp để chạy theo việc xây cất đậm tính hình thức, cho dù kinh tế của nhiều gia đình trong dòng họ còn khó khăn và có gia đình ở trong tình trạng con cháu thất học, nghiện ngập... Khi từ đường khang trang xây dựng xong, có nhiều trường hợp anh em trong họ không còn giữ được mối quan hệ huyết thống thân thiết, vì xảy ra bất đồng khi đóng góp tiền nong và xây cất...

Như vậy, một dòng họ có văn hóa là dòng họ đó được xây dựng dựa trên cơ sở những hành vi văn hóa vừa kế thừa chọn lọc các giá trị cổ truyền, vừa quy nạp thêm các giá trị mới mang tính nhân bản, tiến bộ để nâng cao phong thái và nhân cách con người Việt Nam. Hy vọng rằng trong tương lai, vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ sẽ biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn nữa, hạn chế tối đa mọi biểu hiện hình thức và lãng phí công sức tiền của, tạo tiền đề vững chắc cho các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn nếp khói hương thành kính với tổ tiên và luôn coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc...

 

                                                                                            Theo ND

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục