Trước tình hình thời tiết nắng, mưa bất thường, nhiều dịch bệnh phát sinh, gia tăng rầm rộ. Tuy chưa phải cao điểm nhưng dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, hô hấp, tiêu chảy lan rộng khiến các bệnh viện nhi quá tải trầm trọng. Thậm chí không ít người già cũng nhập viện do rối loạn tuần hoàn não, tim mạch, huyết áp…

  • Bệnh nhi tăng đột biến

Vừa bước lên cầu thang của khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TPHCM), hình ảnh đập ngay vào mắt là hàng chục trẻ em nằm lăn lóc bên hành lang lối đi và được cha mẹ vừa vỗ về vừa sụt sùi trong tiếng khóc nấc của con trẻ. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa, cho biết những ngày qua lượng bệnh nhi nhập viện tăng chóng mặt.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay dù chưa vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết, nhưng từ đầu năm tới nay, cả nước đã có trên 1,3 vạn người mắc. Trong đó, chỉ riêng tại Hà Nội số người mắc sốt xuất huyết đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại một số tỉnh miền Trung, qua kiểm tra và giám sát dịch tễ của cơ quan y tế cho thấy, mật độ muỗi gây bệnh dịch sốt xuất huyết vẫn ở mức rất cao do môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Riêng dịch bệnh tay chân miệng đã quá tải với hơn 100 em phải điều trị nội trú trong khi khoa chỉ có 80 giường bệnh. Và hiện mỗi ngày bình quân vẫn thêm từ 7 - 10 trẻ nhập mới.

Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều em bị biến chứng nặng, phải thở máy. “Những tháng trước, thậm chí thời điểm này năm trước cũng chỉ rải rác vài chục em nhưng năm nay tăng đột biến”, BS Khanh nói.

Tương tự, tại phòng cấp cứu khoa Sốt xuất huyết của BV Nhi đồng 1 có hơn 10 cháu đang theo dõi, chưa kể hàng chục em khác đang được điều trị ở các phòng bệnh. Một điều dưỡng cho biết, hiện chưa phải đỉnh dịch nhưng trung bình mỗi ngày vẫn điều trị hơn 50 cháu mắc sốt xuất huyết, trong khi những tuần trước chỉ 20 - 30 cháu.

Chưa hết, chiều qua tại BV Nhi đồng 1, các dịch bệnh tiêu chảy, hô hấp cũng khiến bệnh nhi nhập viện khá nhiều, một giường mà 3 cháu phải nằm chung.

Tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, BS Lê Thị Thanh Thủy, khoa Nhiễm cho biết, dịch bệnh tay chân miệng đã khiến 99 trẻ buộc phải điều trị tích cực, trong đó có 6 ca phải thở máy. Còn dịch sốt xuất huyết cũng khiến 13 ca phải nằm điều trị, 1 ca sốt xuất huyết Dengue nặng có sốc.

“Những tuần trước những dịch bệnh này chỉ lác đác vài cháu nhưng 2 tuần nay bỗng dưng tăng mạnh, chủ yếu trẻ ở TPHCM”, BS Thủy cho biết.

Tại khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, có 100 trẻ đang nằm điều trị các bệnh liên quan về tiêu hóa, trong đó 60 trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Không còn giường nằm, bệnh nhi phải nằm tạm ngoài sân. Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, phần lớn bệnh tiêu chảy xuất phát từ việc ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây bệnh vì đồ ăn, thức uống dễ ôi thiu, siêu vi trùng xâm nhập… Các bệnh hô hấp như viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi do lạm dụng máy lạnh trong nhiều giờ cũng khiến số trẻ nhập viện tăng cao…

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết trong vòng 10 ngày đầu tháng 5-2011, TPHCM có thêm 3 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 9 ca và trên 1.000 trường hợp mắc bệnh này.

Không còn giường, nhiều trẻ phải nằm ở hành lang khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Tg.LÂM

  • Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mặc dù vào cuối giờ chiều nhưng các phòng khám vẫn đông nghẹt bệnh nhân. Tại các dãy hành lang, sảnh lớn của khu khám bệnh, trên những dãy ghế, la liệt người nhà bệnh nhân và trẻ nhỏ vật vã ngồi chờ tới lượt khám bệnh.

Ở miền Bắc, miền Trung, nhiệt độ vượt ngưỡng 380C cộng với gió Lào hoạt động mạnh trong những ngày qua khiến người già và trẻ em nhập viện tăng đột biến.

Hiện tại, hầu hết bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương tại miền Trung đều quá tải. Nhiều khoa phòng điều trị các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết... tăng 40% - 50% so với tuần trước nên bệnh nhân phải nằm 2 người/giường.

Tại Phòng khám khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, trung bình mỗi ngày có 200 - 250 cháu đến khám, trong đó có 30 - 40 cháu phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng…

BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết khoảng một tuần trở lại đây, ngày nào bệnh viện cũng tràn ngập bệnh nhi từ sáng sớm cho tới chiều muộn, thậm chí nhiều hôm tới khuya vẫn phải tiếp nhận hàng trăm trẻ nhỏ tới khám và cấp cứu.

Thống kê của bệnh viện cho thấy, hiện vào những ngày nắng nóng, số bệnh nhi tới viện khám và điều trị lên trên 2.000 trẻ, có ngày lên tới gần 3.000 trẻ.

Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết hiện dịch sốt phát ban do rubella vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù dịch đã kéo dài suốt từ đầu năm tới nay. Tính đến nay, bệnh viện phải tiếp nhận điều trị trên 5.500 ca sốt phát ban, trong đó gần 2.000 trường hợp dương tính với virus rubella.

Đáng lo ngại, số bệnh nhân bị biến chứng viêm não do mắc rubella cũng tăng mạnh, lên tới gần 50 ca, trong khi các năm trước chỉ gặp một vài ca. Nhiều cơ sở điều trị khác như bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn ở Hà Nội, Việt Tiệp (Hải Phòng), BV Đa khoa Quảng Ninh cho tới các bệnh viện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… số bệnh nhân từ trẻ nhỏ tới người lớn đến khám và điều trị các bệnh do nắng nóng gây ra cũng tăng mạnh.

Ghi nhận tại nhiều bệnh viện cho thấy, phần lớn những bệnh mắc phải do thời tiết nóng bức gây ra là cảm cúm, sốt cao, say nắng, viêm đường hô hấp, viêm não, và tiêu chảy. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp và viêm phổi ở trẻ em dẫn tới suy hô hấp.

 

                                                                                        Theo SGGP

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục