Những người mắc bệnh lao thường phải dùng thuốc theo phác đồ gồm nhiều loại. Thời gian điều trị củng cố kéo dài, điều trị ngoại trú và tự uống thuốc. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi dùng thuốc chống lao gặp phải các tác dụng không mong muốn, nếu không có hiểu biết đầy đủ rất dễ dẫn đến việc bỏ thuốc giữa chừng khiến bệnh không khỏi và lây lan trong cộng đồng, gây nên tình trạng vi khuẩn lao kháng thuốc.

Thuốc điều trị bệnh lao được chia làm 2 nhóm:

- Nhóm thiết yếu (hạng 1) gồm streptomycin, isoniazid, rifampicin, pyrazinamid, ethambutol được chỉ định trước tiên.

- Nhóm thứ yếu (hạng 2) gồm kanamycin (amikacin), ofloxacin (levofloxacin), PAS (paraamina salixilic), ethionamid, cycloserin. Nhóm này chỉ dùng khi vi khuẩn lao kháng lại các thuốc hạng 1.

Thuốc điều trị diệt vi khuẩn lao làm cho bệnh nhân khỏi bệnh nhưng cũng gây nhiều độc hại cho cơ thể người bệnh. Tuy không nhiều nhưng chúng ta cần nhận biết các biểu hiện và cách xử lý khi gặp phải tác dụng không mong muốn do thuốc chống lao gây ra.

Streptomycin

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi dùng streptomycin là sốc phản vệ. Nếu xử trí không kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thứ đến thuốc có thể gây viêm thận, suy thận, viêm gan cấp tính nhưng ít gặp hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp tổn thương tiền đình ở những người dùng thuốc dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng khó hồi phục, nhất là ở người cao tuổi. Những biểu hiện nhẹ hơn như tê môi, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa… cũng thường gặp khi bệnh nhân sử dụng streptomycin.

Isoniazid

Tác dụng không mong muốn của isoniazid là viêm thần kinh ngoại biên, ở thể nhẹ bệnh nhân sẽ có cảm giác tê buồn trên da, nếu nặng bệnh nhân sẽ bị đau nhức. Tác dụng phụ gây viêm gan của thuốc thường xảy ra sau 4 đến 8 tuần điều trị. Nguy cơ bị viêm gan tăng nếu sử dụng thuốc hỗn hợp isoniazid với rifampicin (rimactazid) do tác dụng cộng hưởng và người có tiền sử viêm gan, người cao tuổi. Ngoài ra isoniazid còn có thể gây rối loạn tâm thần, người bệnh bị lên cơn động kinh. Thuốc cũng có thể gây rối loạn máu như giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, tăng bạch cầu ưa acid.

Các phản ứng phụ khi dùng nhóm thuốc isoniazid còn có thể xảy ra là đau khớp, sốt, phát ban, sẩn ngứa, nhiều mụn trứng cá…

 Một trường hợp mắc lao kháng thuốc đang được điều trị tại BV.

Rifampicin

 Thuốc có thể gây viêm gan, men gan tăng, tăng bilirubin do phân tử thuốc lớn làm tắc các ống mật nhỏ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê gan sau ít ngày điều trị.

Ngoài ra, thuốc nhóm rifampicin có thể gây viêm thận như hoại tử ống thận cấp hoặc suy thận cấp. Gây rối loạn hô hấp như khó thở, thở rít, rối loạn tiêu hóa: đau thượng vị, nôn, tiêu chảy… Ảnh hưởng tới hệ thần kinh như đau đầu, mất điều hòa, lẫn lộn, kém tập trung. Rối loạn máu như tan hồng cầu gây thiếu máu, giảm tiểu cầu gây xuất huyết.

Gây dị ứng: từ nặng là sốc đến nhẹ là mẩn ngứa, phát ban, mày đay.

Pyrazinamid

Nhóm thuốc này có thể gây viêm gan, tăng men gan. Tăng acid uric dẫn đến cơn gút cấp, đau khớp. Ngoài ra, thuốc có thể gây ăn kém, buồn nôn, tiểu khó, sạm da…

Ethambutol

Phản ứng không mong muốn hay gặp của thuốc là viêm thần kinh thị giác, giảm thị lực, mù màu đỏ và xanh, nặng có thể gây mù vĩnh viễn. Thuốc cũng có thể gây viêm thận.

Kanamycin (hoặc amikacin)

Có các tác dụng không mong muốn như streptomycin vì cùng nhóm aminozid. Gây sốc phản vệ, viêm thận, chóng mặt mất thăng bằng…

Ofloxacin, levofloxacin và một số quinolon có tác dụng diệt vi khuẩn lao khác:

Nhóm thuốc này có thể gây suy gan, suy thận, viêm gân, đứt gân, nôn, tiêu chảy. Ngứa, phát ban, sạm da. Choáng váng, nhức đầu, mất ngủ, động kinh…

PAS gây độc hại cho nhiều cơ quan bộ phận.

Cycloserin: tác dụng không mong muốn cần phải đề phòng, nhất là gây trầm cảm, có ý định tự sát.

Ethionamid

Thuốc có thể gây quái thai, gây độc cho gan, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, cảm thấy vị kim loại. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, loạn tâm thần, rụng tóc, hạ huyết áp, hạ đường huyết khi sử dụng thuốc. Viêm thần kinh ngoại vi, dị cảm, run… Phát ban, sạm da, thiểu năng tuyến giáp, bướu giáp. Giảm tiểu cầu, phát ban, xuất huyết…

Xử lý các tác dụng không mong muốn

Một trong những nguyên tắc điều trị để đảm bảo khỏi bệnh lao, không gây kháng thuốc là đủ liều, đều đặn, đủ thời gian. Khi xuất hiện những triệu chứng nhẹ, không được cắt thuốc, dùng những thuốc chữa triệu chứng. Isoniazid gây viêm thần kinh ngoại vi uống vitamin B6. Tăng men gan nhẹ dùng các thuốc giải độc, hỗ trợ tế bào gan. Dị ứng mẩn ngứa dùng các thuốc chống dị ứng… Trường hợp nặng men gan tăng nhiều hoặc những rối loạn thần kinh, máu… nặng phải ngừng thuốc. Sau khi giải quyết tình trạng rối loạn dùng lại thuốc theo phương pháp giải mẫn cảm.

Trong phác đồ điều trị có 3, 4 loại thuốc khác nhau nhưng có thể có tác dụng không mong muốn giống nhau. Để xác định thuốc nào là thủ phạm gây ra các tác dụng không mong muốn đó cần phải xét nghiệm: phản ứng mastocyte hoặc phản ứng huyết thanh miễn dịch khác. Nếu không có điều kiện có thể cho uống từng loại thuốc và theo dõi thật sát các dấu hiệu lâm sàng để xác định.

Một điều phải ghi nhớ là người bệnh không được tự ý ngừng thuốc, trên thực tế đã có những trường hợp đáng tiếc không chữa được bệnh, mắc lao kháng thuốc xảy ra.

Phòng các tác dụng không mong muốn

Trước hết phải khai thác kỹ tiền sử các bệnh: gan, thận, thần kinh… Cần thiết đánh giá chức năng các cơ quan đó trước khi sử dụng thuốc. Người đã có phản ứng dị ứng streptomycin thì không chỉ định streptomycin trong phác đồ và rất cẩn thận khi sử dụng các thuốc cùng nhóm khác như: kanamycin, amikacin…

Chỉ định điều trị phải phù hợp với cơ địa người bệnh. Người cao tuổi không chỉ định streptomycin, người suy gan không chỉ định pyrazinamid, rifampicin… Người suy thận không chỉ định streptomycin, ethambutol. Phụ nữ có thai không chỉ định streptomycin và ethambutol vì có thể gây điếc bẩm sinh dẫn đến câm và mù bẩm sinh mặc dù sulfat streptomycin ít độc hơn với thính giác. Thay đổi biện pháp tránh thai và tăng liều corticoid khi điều trị bằng rifampicin. Tránh ra nắng hoặc có phương tiện chống nắng tốt khi điều trị pyrazinamid và các quinolon… Xin lưu ý thêm một điều quan trọng là kiểm soát tốt người bệnh để kịp thời phát hiện tác dụng không mong muốn của thuốc.

 

                                                                            Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục