(HBĐT) - Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trong đó có một số điểm mới được sửa đổi, bổ sung về: Chế độ ưu đãi; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, cụ thể như sau:

 

1. Bà mẹ Việt nam anh hùng:

Những bà mẹ thuộc 1 trong những trường hợp sau được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Có từ 2 con là liệt sỹ trở lên; chỉ có 2 con mà một con là liệt sỹ, 1 con là thương binh nặng (cả khi người con là thương binh nặng đã từ trần); chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; có một con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh nặng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ bằng 1 lần mức chuẩn từ ngày 1/9/2012. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần thì chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang. Như vậy những bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh, ghi công phù hợp với điều kiện hiện nay.

2. Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ:

Bổ sung đối tượng, điều kiện xác nhận liệt sỹ hy sinh: Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ do cơ quan có thẩm quyền giao; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ QPAN có tính chất nguy hiểm. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế; suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng, sửa đổi như sau: Thân nhân của: 1 liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng = 1 lần mức chuẩn (hiện nay là 1.110.000 đồng); 2 liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng = 2 lần mức chuẩn; 3 liệt sỹ trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng = 3 lần mức chuẩn. Nếu sống cô đơn, không nơi nương tựa  được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng = 0,8 lần mức chuẩn, không phân biệt là thân nhân của 1 hay nhiều liệt sỹ. Từ năm 2013, người được gia đình dòng họ ủy quyền thờ cúng liệt sỹ được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm 1 lần = 500.000 đồng. Điều kiện thăm viếng mộ liệt sỹ: bổ sung trường hợp liệt sỹ chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sỹ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang; liệt sỹ có thông tin địa phương nơi hy sinh ghi trong giấy báo tử hoặc theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử thân nhân liệt sỹ (không quá 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sỹ (1 người) được hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn mỗi năm 1 lần khi đi thăm viếng mộ liệt sỹ.

3. Thương binh:

Bổ sung điều kiện xác nhận thương binh: Bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên khi trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ do cơ quan có thẩm quyền giao; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ QPAN có tính chất nguy hiểm.

Thương binh đã giám định có các vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại vết thương ở: sọ não gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt; thấu phổi phải cắt phổi; ở tim phải phẫu thuật; cột sống biến chứng phải phẫu thuật hoặc gây liệt; ở dạ dày, ruột, gan, mật, lách, tụy, thận gây biến chứng phải phẫu thuật; ở mắt tái phát dẫn đến mù; ở tai gây điếc, vết thương ở chân hoặc tay tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi. Không giám định lại với thương binh đã được giám định do vết thương cũ tái phát; thương binh loại B.

Thương binh đồng thời là bệnh binh được hưởng cả hai chế độ nếu: đã giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và do thương tật; nếu đã giám định gộp phải có 15 năm trở lên công tác liên tục trong quân đội, công an hoặc chưa đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên hoặc sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn từ 41% trở lên.

4. Bệnh binh:

Người bị mắc bệnh khi chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, hoạt động liên tục từ 15 tháng trở lên ở địa bàn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đã xuất ngũ mà bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần được xem xét xác nhận là bệnh binh (trước đây là 36 tháng).

5. Người hoạt động kháng chiến  nhiễm chất độc hoá học:

Khi người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết, thân nhân gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ, con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn đi học hoặc bị khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Nếu thân nhân chưa đến tuổi quy định thì được hưởng khi đủ tuổi; nếu thân nhân sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng = 0,8 lần mức chuẩn, (nếu con từ đủ 18 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng do bị ảnh hưởng chất độc hoá học  thì không hưởng trợ cấp tuất).

Điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH: suy giảm: từ 21% - 40% hưởng 0,76 lần mức chuẩn, từ 41% - 60% hưởng 1,27 lần mức chuẩn, từ 61% - 80% hưởng 1,78 lần mức chuẩn. Từ 81% trở lên hưởng 2,28 lần mức chuẩn và hưởng thêm phụ cấp như bệnh binh, nếu sống ở gia đình thì được trợ cấp người phục vụ bằng 1 lần mức chuẩn. Nếu chưa được xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tạm thời được  bảo lưu mức đang hưởng và có nguyện vọng giám định để xác định rõ tỷ lệ thì Sở LĐ - TBXH sẽ giới thiệu đến Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh giám định và hưởng theo mức suy giảm được kết luận; nếu không có nguyện vọng giám định thì từ ngày 01/01/2014 sẽ chuyển hưởng trợ cấp ở mức 1,27 lần mức chuẩn, (bao gồm cả người sinh con dị dạng, dị tật hoặt vô sinh mà không kết luận được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động). Từ tháng 7/2013 tiếp tục thiết lập hồ sơ giám định sức khoẻ để thực hiện chế độ ưu đãi với người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh do phơi nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật theo quy định của Bộ Y tế; điểm mới là sau khi có kết luận suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh thì phải có giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hoá học của Giám đốc Sở Y tế; không phải có giấy xác nhận của UBND cấp huyện. Với những người đang tại ngũ thuộc quân đội và công an nhân dân thì do các cơ quan này thực hiện quy trình và thủ tục hồ sơ để hưởng.

Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH bị dị dạng, dị tật nặng không tự lực được trong sinh hoạt (suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 1 lần mức chuẩn, nếu còn khả năng tự lực trong sinh hoạt (suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80%) hưởng trợ cấp = 0,6 lần mức chuẩn.

6. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày:

Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn sống được hưởng trợ cấp hàng tháng = 0,6 lần mức chuẩn từ 1/9/2012, với người được công nhận mới  hưởng từ khi có quyết định của Giám đốc Sở LĐ – TBXH, thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí và hưởng trợ cấp một lần = 3 tháng trợ cấp khi người bị địch bắt tù đày chết. Với những người đã chết mà trước đây chưa được hưởng trợ cấp một lần thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần = 1,5 lần mức chuẩn.

7. Một số chế độ ưu đãi khác:

Bổ sung thêm thân nhân của người có công được Nhà nước mua BHYT, gồm: con liệt sỹ kể cả không hưởng trợ cấp hàng tháng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ 18 tuổi trở lên nếu tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng của  người hoạt động động cách mạng trước cách mạng Tháng 8/1945, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Sửa đổi chế độ điều dưỡng sức khỏe: Người hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ có 1 con duy nhất là liệt sỹ hoặc có từ 2 con là liệt sỹ trở lên; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng kỷ niệm chương: “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” được điều dưỡng mỗi năm 1 lần. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; con liệt sỹ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động dưới 81% được điều dưỡng luân phiên 2 năm 1 lần. Hình thức là điều dưỡng tập trung tại cơ sở điều dưỡng (mức 2.220.000 đồng/người/lần) hoặc điều dưỡng tại gia đình (mức 1.110.000 đồng/người/lần).

Người có công với cách mạng theo thứ tự ưu tiên và thân nhân liệt sỹ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ với hộ phải phá dỡ để xây mới nhà ở; 20 triệu đồng/hộ với hộ phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Bổ sung thêm 11 nhóm đối tượng ưu tiên được cộng 2 điểm khi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, trong đó có con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Đồng thời các quy định về thủ tục, hồ sơ để thực hiện chính sách ưu đãi cũng được sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá, quy định rõ thời hạn giải quyết nhằm nâng cao trách nhiệm của người và cơ quan thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho đối tượng chính sách và thân nhân.

 

                                                   Nguyễn Đức Cường

                                               (PGĐ Sở LĐ – TB&XH)

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục