Sau vụ tai nạn thương tâm, những giọt nước mắt sẽ còn chảy dài trên khuôn mặt những người vợ và đứa con thơ (Ảnh: Từ ngày chồng mất, chưa lúc nào nước mắt thôi rơi trên khuôn mặt chị Bùi Thị Nhạn ở xóm Khụ, xã Tuân Đạo)

Sau vụ tai nạn thương tâm, những giọt nước mắt sẽ còn chảy dài trên khuôn mặt những người vợ và đứa con thơ (Ảnh: Từ ngày chồng mất, chưa lúc nào nước mắt thôi rơi trên khuôn mặt chị Bùi Thị Nhạn ở xóm Khụ, xã Tuân Đạo)

(HBĐT) - 8 người thiệt mạng trong một vụ sạt lở đất ở Lào Cai. Trong đó có 5 người của xã Tuân Đạo, 2 người của xã Tân Lập và 1 người của xã Quý Hòa. Một tai nạn quá thương tâm đối với với người dân ở huyện Lạc Sơn. Vụ tai nạn xảy ra khiến tinh thần của người dân trong vùng một phen bất an vì cùng thời điểm trên còn nhiều con em của họ đang đi làm thuê tại các bãi đào vàng trái phép tại Lào Cai vẫn chưa về!

 

8 nạn nhân đều là những trụ cột của 8 gia đình nghèo khó. Trong đó, có những người còn rất trẻ như Bùi Anh Tú (sinh năm 1995), Bùi Văn Khánh (sinh năm 1995) trú tại xóm Chạo; Bùi Văn Ai (sinh năm 1981) trú tại xóm Khụ, xã Tuân Đạo và Bùi Văn Biền (sinh năm 1991), Bùi Văn Rự (sinh năm 1986) đều trú tại xã Tân Lập. Những người còn lại như Bùi Văn Chẻm, Bùi Văn Viên, Bùi Văn Rúc đều là những bậc cha chú, trong làng. Sau vụ tai nạn thương tâm, ngày 10/9, khi chúng tôi đến tại các hộ gia đình có người bị tử nạn, không khí ảm đạm bao trùm lên từng nóc nhà. Lẫn trong tiếng mưa rả rích là tiếng khóc than không dứt làm cho không khí càng trở nên u buồn, nặng nề. Trong số 8 người đàn ông xấu số chỉ có 3 người đã lập gia đình. Tang thương bất ngờ xảy ra làm cho vợ, con và những người thân bị sốc, nhiều người đã ngất lịm khi nhận được tin báo. Sự ra đi đột ngột chắc chắn sẽ là sự hụt hẫng, bơ vơ, côi cút của những người vợ và những con trong căn nhà trống trải. Sau những đám tang đầy chua xót, ông Bùi Thanh Dừng, Trưởng công an xã Tuân Đạo cho biết: Ngoài số người bị tử nạn trong vụ sạt lở đất, đá kinh hoàng làm 8 người thiệt mạng thì ở còn có 10 người chưa về, trong đó có 4 người bị thương, 2 người bị thương nặng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Cho đến ngày 10/9, tất cả những người thoát nạn đều đã được trở về nhà an toàn. Sau khi biết tin tai nạn xảy ra, đại diện cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể huyện Lạc Sơn đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền cho các gia đình có người bị nạn.

 

Sức nóng của vụ tai nạn thảm khốc nói trên đã tạm lắng xuống. Nhưng sức nóng của những dòng người rời làng đi làm ăn xa ở các xã Tuân Đạo, Quý Hòa và Tân Lập vẫn chưa dừng lại. Đây vẫn là 3 xã có số lượng người đi lao động tự do làm ăn xa đông nhất của huyện. Theo thống kê của Ban công an các xã, tính đến thời điểm này, xã Tuân Đạo có 550 người đăng ký tạm vắng, xã Quý Hòa có trên 500 người và Tân Lập 35 người. Đa số họ tạm vắng để đi lao động tự do ở khắp các tỉnh trong nam, ngoài bắc. Riêng xã Tân Lập, số người đăng ký tạm vắng ít nhưng theo Trưởng công an xã này cho biết, số lao động tự do đi làm ăn xa không khai báo với Ban công an phải lên đến con số hàng trăm người. Như vậy, tính ra, số người đi làm ăn xa ở xã Tuân Đạo và Quý Hòa chiếm đến 1/10 dân số trong toàn xã. Trong đó, chủ yếu là thanh niên, những người là lao động chính trong gia đình. Nguyên nhân của tình trạng trên là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiếu đất sản xuất, thu nhập thấp nên hầu hết những lao động chính phải rời quê đi làm thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Lực lượng lao động này chủ yếu thuộc các xóm đặc biệt khó khăn như xóm Quàn, Đanh, Đào, Lâm Khịa (xã Tuân Đạo); xóm Thung, Củ, Thêu, Vẹ ( xã Quý Hòa); xóm Đấc, Đồi Đong của xã Tân Lập.

 

Tính ra, trong khoảng 10 năm lại đây, số lao động tự do đi làm ăn xa của các xã nói trên ngày càng tăng. Kéo theo đó là nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Điển hình là vụ anh Bùi Văn Đặng 31 tuổi ở xóm Mọi và cách đây 3 năm, anh Bùi Văn Kiệm, 23 tuổi ở xóm Rài, xã Tuân Đạo đều bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong khi đang thi công đường lưới điện. Anh Đặng bị điện giật ở Ninh Bình, anh Kiệm bị cột điện lao vào người chết trong miền nam. Mới đây nhất vào tháng 3/2013, anh Bùi Văn Toản ở xóm Đanh, xã Tuân Đạo cũng bị chết trong khi đi làm thuê cho một công trình xây dựng ở Hà Nội. Chưa có con số thống kê nhưng những trường hợp bị thương nặng bởi tai nạn lao động cũng đã xảy ra khá nhiều. Thiệt hại năng nề nhất chính là bản thân những người lao động vì họ chỉ là những người làm thuê tự do không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm, do đó, khi tai nạn xảy ra bản thân và gia đình họ phải gánh chịu.

 

Quay trở lại câu chuyện sạt lở đất, đá tại Lào Cai. Chúng tôi về xã Tuân Đạo tìm đến gia đình em Bùi Văn Hà, con ông Hoàng Mạnh Tưởng và bà Bùi Thị Bản ở xóm Mọi. Điều bất ngờ đối với chúng tôi khi đến đây mới biết em Hà năm nay mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9 năm ngoái. Hà là một trong số những người may mắn thoát nạn vừa về đến địa phương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể tiếp tục theo học, Hà bỏ đi đào vàng thuê. Hà cho biết: Khi đi làm, lương tháng được trả 3,5 triệu đồng, nếu làm tích cực và làm lâu dài sẽ được trả lương cao hơn chút ít. Ở Tuân Đạo có thời điểm hàng trăm người đi làm thuê cho chủ lò vàng ở Lào Cai, thường có khoảng 60 người, còn đi làm thường xuyên cũng có khoảng 20 - 30 người. Đa số họ đi làm vài tháng kiếm tiền rồi lại trở về quê lao động ngày mùa. Tính ra, Hà vừa đi làm được gần 4 tháng thì xảy ra vụ tai nạn. Là người được chứng kiến nên cho đến giờ Hà vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Theo Hà kể, như mọi ngày những công nhân chia nhau làm 2 ca cùng một lò. Ca đêm bắt đầu làm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng, ca ngày làm từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Làm như vậy để lò vàng có người làm việc liên tục. Hôm đó em đi làm ca đêm. Mấy ngày liền trời mưa to, trong lò đất bùn đất nhão nhoét. Cho đến gần 1h sáng nghe tin ở bên ngoài đất đã vùi lấp toàn bộ lán của những người làm ca ngày, khi họ đang ngủ. Lúc này, trong lán có tổng cộng 27 người, chủ yếu là người Lạc Sơn. Vội vã ra khỏi lò trở về khu lán trại, trước mắt em là cảnh tượng hãi hùng. Toàn bộ lán trại đã bị đất, đá vùi sâu, người chẳng thấy đâu. Sau một hồi tìm kiếm chỉ tìm được một số người bị thương, trong đó có Bùi Văn Miên, Bùi Văn Hiểu, Bùi Văn Thường, Bùi Văn Đào ở xóm Quàn, Bùi Văn Son, xóm Chạo, xã Tuân Đạo và Bùi Văn Chiến xóm Mòi, xã Tân Lập cùng với một số người khác quê Thái Nguyên. Trong đó có Bùi Văn Lên, sinh năm 1988 tại xóm Củ, xã Quý Hòa đã được cứu sống trong tình cảnh hết sức nguy kịch, toàn bộ người đã bị chôn vùi chỉ còn thò đầu lên khỏi mặt đất.  

Sau câu chuyện với Hà, theo chân những người dân, chúng tôi đến một nhà vừa có người bị tử nạn. Chị Bùi Thị Nhạn, vợ nạn nhân Bùi Văn Ai ở xóm Khụ, xã Tuân Đạo ôm đứa con trai 3 tuổi nức nở khóc trước nỗi đau quá lớn. Theo chị Nhạn chị và anh Ai kết hôn năm 2006, hiện nay đã có 2 đứa con, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Mất chồng, mất cha, từ nay chẳng biết 3 mẹ con sẽ bấu víu vào đâu. Nhà hoàn cảnh khó khăn, gánh nặng sinh nhai đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ này. Không chỉ có chị Nhạn mà hầu như những người vợ có chồng tử nạn đều chung một hoàn cảnh.

 

Vụ tai nạn nghiêm trọng này xảy ra có lẽ đã là sự cảnh báo rõ ràng nhất về chuyện đi làm ăn xa của người dân bởi không phải cứ theo nhau bỏ làng đi làm ăn xa sẽ là có viễn cảnh về cuộc sống tươi đẹp. Công việc, cuộc sống ở nơi đất khách đối với những lao động tự do còn đó những hiểm nguy, bất trắc mà vụ tai nạn trên là minh chứng đau lòng.

 

 

                                                                  Bùi Công Nhắn

                                                            (Đài TT-TH Lạc Sơn)

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
2 thanh niên tiêu biểu tỉnh ta vinh dự được tuyên dương.
Một quầy hàng trên vỉa hè phía ngoài tường rào Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Triển khai đợt kiểm tra hàng hóa dịp Tết Trung thu tại TP. Hòa Bình

(HBĐT) - Từ ngày 9/9, Đoàn liên ngành 127/ĐP và VSATTP thành phố Hòa Bình triển khai đợt kiểm tra hàng hóa dịp Tết Trung thu với mục tiêu tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho an toàn và sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em.

Trên 600 người tham gia Sàn giao dịch việc làm huyện Yên Thuỷ 

(HBĐT) - Ngày 10/9, tại nhà văn hoá huyện Yên Thuỷ, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ- TB&XH) phối hợp với UBND huyện Yên Thuỷ tổ chức Sàn giao dịch việc làm lần thứ I năm 2013. Dự khai mạc sàn giao dịch có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, UBND huyện Yên Thuỷ.

Lạc Thuỷ: Đẩy mạnh khám - chữa bệnh bằng y học cổ truyền

(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư, những năm qua, huyện lạc Thuỷ đã thực hiện tốt chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân bằng phương pháp đông y. Đến nay, toàn huyện có 1 bác sỹ, 6 y sỹ y học cổ truyền. Việc thực hiện khám và điều trị phối hợp giữa đông y - tây y đã được lồng ghép tại các khoa phòng, bệnh viện đa khoa, phòng khám khu vực và các Trạm y tế, đa số đã có cán bộ chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, mát xa, xoa bóp, bấm huyệt chiếm tỷ lệ khoảng 30% khám - chữa bệnh cho người cao tuổi và làm công tác khám bệnh từ thiện cho các đối tượng người có công.

8 nạn nhân trong vụ sạt lở núi tại Lào Cai đã được đưa về mai táng

(HBĐT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng huyện Lạc Sơn, đến chiều tối ngày 7/9, thêm thi thể 3 nạn nhân là người địa phương bị tử nạn trong vụ sạt lở đất ở Lào Cai đã được đưa về gia đình để mai táng.

Đề phòng bệnh viêm màng não cấp ở trẻ

(HBĐT) - Vào 8h tối ngày 1/9, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 1 ca bệnh có các triệu chứng điển hình viêm màng não cấp. Trước đó, theo ghi nhận của Trung tâm YTDP tỉnh cũng đã có 1 trường hợp bệnh nhân ở thành phố Hòa Bình nghi mắc viêm màng não. Ngoài ra còn một số trường hợp không thống kê, theo dõi do cấp cứu, điều trị ở tuyến Trung ương.

Tái diễn việc bán chim cút thải loại trên địa bàn TP. Hòa Bình

(HBĐT) - Tình trạng bán chim cút thải loại mà người bán giới thiệu là chim rừng đã được PV Báo Hòa Bình phản ánh vào trung tuần tháng 4. Thời điểm này, hàng ngày có 1 người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi xách 1 – 2 xâu chim, mỗi sâu khoảng 30 – 40 con đứng bán ở đầu cầu Hòa Bình phía bờ trái sông Đà thuộc tổ 1A, phường Tân Thịnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục