(HBĐT) - Nếu tính về quy mô thì có lẽ nghĩa trang liệt sỹ K34 (thôn Liên Ba, xã Liên Hoà, huyện Lạc Thuỷ) cũng được xếp vào là một trong những nghĩa trang liệt sỹ thời kỳ chống Pháp có số liệt sỹ vô danh nhiều nhất cả nước. Nó chỉ đứng sau nghĩa trang liệt sỹ đồi Độc Lập, nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 - nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ (Điện Biên Phủ) và đứng trên nghĩa trang liệt sỹ Tu Vũ (Thanh Thuỷ - Phú Thọ). Tuy vậy không phải ai cũng biết về nghĩa trang K34 và những liệt sỹ còn nằm lại đó...

 

Bần thần ngồi trước những bia mộ liệt sỹ, đôi mắt cụ Trần Thị Thụ cứ rưng rưng như muốn khóc.

 K34 - nơi yên nghỉ của “những chàng áo nâu”...  

Không chỉ bản thân tôi bất ngờ mà đến ngay cả những người cùng đi, trong đó có cả người sinh ra và lớn lên, có người từng công tác lâu năm ở vùng đất Lạc Thuỷ cũng bất ngờ khi được nghe đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện kể về nghĩa trang liệt sỹ K34 (người dân vẫn hay gọi là nghĩa trang liệt sỹ thời kỳ chống Pháp) tại xã Liên Hoà. Nghĩa trang liệt sỹ này theo như anh Sơn kể thì trước đó, anh đã từng nghe nói. Nhưng gần đây trong quá trình đi khảo sát địa điểm tổ chức diễn tập KVPT  huyện, anh mới có dịp đến thắp hương cho những liệt sỹ còn nằm lại. Anh chia sẻ: Nói thật, khi đến nơi tớ hơi bất ngờ. Nghĩa trang đã được UBND huyện trích kinh phí để tôn tạo, tu sửa khang trang, sạch đẹp. Nhưng cái bất ngờ lớn hơn đó là hầu hết các phần mộ ở đây đều ghi, liệt sỹ chưa biết tên. 

Từ những thông tin ít ỏi của đại tá Nguyễn Văn Sơn, chúng tôi tìm về xã Liên Hoà. Con đường từ trung tâm huyện về Liên Hoà quanh co theo những chân ruộng cạn, cánh rừng keo. ở UBND xã Liên Hoà cũng không có mấy người biết rõ về nghĩa trang K34. Theo ông Phan Thế Thức, Chủ tịch Hội CCB xã, hiện nay ở thôn Liên Ba vẫn còn một bà cụ tên là Trần Thị Thụ, năm nay 85 tuổi là người biết rõ nhất về những liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Bởi hồi còn trẻ, cụ Thụ chính là người được chọn để tải thương từ bến Cáy (Liên Hoà) về chữa trị tại đây và cụ cũng là một trong những người trực tiếp đưa những người hy sinh đi an táng tại nghĩa trang này. Đến bây giờ, chỉ duy nhất một mình cụ còn sống. Đó là một thông tin cực kỳ quý giá khi chúng tôi còn chưa biết việc tìm hiểu thông tin về nghĩa trang liệt sỹ K34 phải bắt đầu từ đâu. Theo sự chỉ dẫn của ông Thức, chúng tôi theo con đường liên thôn tìm về khu nghĩa trang và tìm về ngôi nhà nhỏ có bà cụ Trần Thị Thụ sinh sống. Theo con đường, nghĩa trang K34 dần hiện ra, nổi bật giữa những vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn và chòm xóm với những nếp nhà yên vui của xóm Liên Ba.

Gặp cụ Thụ ở nhà người quản trang Trần Văn Mạnh khi cụ vừa đi bán rau ngoài chợ về. Đưa chúng tôi sang nghĩa trang, với chất giọng sang sảng, trí nhớ còn mẫn tiệp, cụ bảo: Nghĩa trang K34 này có tất thảy 270 ngôi mộ. Trong đó có 268 chiến sỹ du kích và 2 dân công hoả tuyến. Tất cả đều là người ở các tỉnh vùng đồng bằng như Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Đông, Ninh Bình được đưa về đây chữa trị theo đường sông Bôi qua bến Cáy. Do vậy, trong số 270 ngôi mộ ở nghĩa trang này, không có ai là người địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện lúc đó rất khó khăn về thuốc men và điều kiện vệ sinh nên đã nằm lại đây. Họ hy sinh rải rác trong khoảng thời gian từ năm 1949 - 1953.  

... Chung một dòng tên  

Giữa màu trắng hoang hoải nhưng yên bình. Bóng cụ Thụ nhỏ quắt cùng ông quản trang với mái đầu bạc trắng vin vào từng bia mộ lầm lũi dọn dẹp những chân nhang còn vương vãi, chỉnh lại từng bát hương cho ngay ngắn ở từng phần mộ. Vừa làm, họ vừa lẩm nhẩm điều gì đó mà tôi không thể nghe rõ. Có lẽ, đó là những cuộc trò chuyện với linh hồn người đã khuất. Với những người dân sống xung quanh, điều này đã trở thành quen thuộc.  

Đợi cho việc vệ sinh, dọn dẹp nghĩa trang của cụ Thụ và ông quản trang xong, chúng tôi mới bắt chuyện về nghĩa trang liệt sỹ khá đặc biệt này. Cụ Thụ kể: Sau ngày toàn quốc kháng chiến, nhân dân ở khắp nơi cùng đứng dậy tham gia các đội du kích đánh giặc. Các phong trào đấu tranh vũ trang diễn ra ngày càng nhiều. Trong quá trình chiến đấu, ta cũng không tránh khỏi thương vong. Để có địa điểm điều trị cho thương binh đảm bảo an toàn, bí mật. Năm 1949, Trung ương đã chọn và đưa trạm điều trị K34 về đặt tại Liên Hoà (Lạc Thuỷ) để cứu chữa thương binh. Sau khi được đưa về đây, Trạm đã tiếp nhận thương binh từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Đông... Do thiếu thốn về thuốc men, điều kiện vệ sinh kém  nên việc điều trị thương binh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, số thương binh hy sinh ngày càng nhiều. Tính từ năm 1949 - 1953, tại trạm K34 có 270 thương binh đã hy sinh. Những người hy sinh hầu hết còn rất trẻ, có người mới 18 tuổi, có người chưa có gia đình, người thì mới cưới...  

Cũng theo cụ Thụ, những ngôi mộ liệt sỹ ở đây không phải là không có tên. Khi chúng tôi chôn cất các liệt sỹ đều có đánh dấu tên tuổi, quê quán, ngày tháng hy sinh đầy đủ cả. Nhưng qua thời gian dài và 3 lần di chuyển, cải tạo, nâng cấp vào các năm 1959 - 1960, 1987 - 1988 và năm 2013 đã mất dấu, thất lạc gần hết. Hiện nay, trong số 270 mộ liệt sỹ chỉ còn 31 ngôi là có đầy đủ tên tuổi, thông tin quê quán, còn lại được đánh dấu theo số thứ tự. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lo máy bay Mỹ đến ném bom, làm mất dấu những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang K34, những người dân trong xóm đã vẽ sơ đồ, ghi lại thông tin của từng phần mộ rồi giao cho xã Đội trưởng giữ. Tuy nhiên, qua thời gian dài thiên tai, địch hoạ, tấm sơ đồ đó đã bị thất lạc. 

Bần thần ngồi trước những bia mộ liệt sỹ, đôi mắt cụ Thụ cứ rưng rưng như muốn khóc. Hỏi, cụ bảo giờ chẳng biết ngôi mộ nào là của ai. Nhưng trong ký ức của cụ vẫn hằn sâu những khuôn mặt trẻ trai, thanh thản và nhẹ nhàng của những người đã hy sinh khi ở trạm điều trị K34. Bởi lẽ, trong số gần 300 liệt sỹ hy sinh ở đây có đến hơn một nửa là do chính tay cụ đưa đi chôn. Vì thế nên cụ vẫn còn nhớ lắm!

Có một điều đặc biệt nói như quản trang Trần Văn Mạnh thì dù những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang K34 là người ở nơi khác, không có người thân thích ở địa phương nhưng đều “có chủ” hết. Ngay từ khi được di chuyển về đây, xã đã giao cho mỗi nhà chăm sóc 3 ngôi mộ. Do vậy, những ngôi mộ được chăm sóc, hương khói đầy đủ và luôn ấm hơi người. Thời kỳ những năm 60 - 70, để kiếm được một que hương cúng tổ tiên trong những ngày tết còn khó khăn nhưng người dân vẫn luôn cố gắng có nén hương thắp cho các anh, các bác. Hành động dù nhỏ nhưng luôn là một sự tri ân lớn lao với những người đã ngã xuống vì đất nước... 

 

                                                              Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục