(HBĐT) - Không chỉ cỏ rác mà còn có nhiều, rất nhiều rác thải là vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại theo dòng suối Tráng dồn về xã Thung Nai (Cao Phong).

Theo quan sát, rất nhiều vỏ chai, lọ, vỏ thuốc BVTV trôi nổi trên mặt nước suối Tráng thuộc địa phận xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong).

 

Rốn rác” ở Mu, Chiềng.

 

Dòng suối Tráng bắt nguồn từ các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng chảy qua các xã: Dũng Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai. Từ xã Thung Nai, dòng nước suối Tráng đổ về lòng hồ Hoà Bình. Với một lưu vực dài, chảy qua địa phận nhiều địa bàn, do vậy, suối Tráng đã trở thành một “dòng chảy rác” khổng lồ từ thượng nguồn về vùng hạ nguồn. Đồng chí Bùi Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Mỗi khi mưa lũ, rác từ thượng nguồn suối Tráng dồn ứ về rất nhiều. Điều đáng nói là trong đó có  nhiều rác là các loại chai, lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón đã qua sử dụng bị nước cuốn trôi từ thượng nguồn về đến cuối nguồn bị dồn ứ lại.

 

Là vùng hạ nguồn nhưng suối Tráng chảy qua địa phận 4 xóm của xã Thung Nai, gồm các xóm: Chiềng, Mu, Tiện và Đoàn Kết với gần 330 hộ dân. Do vậy, khi lượng rác nguy hại dồn ứ về đã ảnh hưởng, tác động nhất định đến đời sống người dân. Anh Bùi Văn Thống, xóm Đoàn Kết chia sẻ: Trước đây, thỉnh thoảng chúng tôi thấy có vỏ chai, lọ, bao bì thuốc BVTV từ thượng nguồn suối Tráng trôi về. Do số lượng ít nên không mấy ai để ý. Tuy nhiên, trong một vài năm lại đây, lượng rác này trôi về càng ngày càng nhiều, nhất là ở thời điểm mưa to, nước từ trên thượng nguồn đổ về nhiều đã gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Bởi trước đây, nhiều hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước suối Tráng trong sinh hoạt hàng ngày nhưng hiện nay chẳng ai  dám sử dụng nữa vì không biết mức độ nguy hại thế nào.

 

Dẫn chúng tôi về phía cầu treo nối giữa xóm Mu với xóm Chiềng, chỉ tay về phía những “bè” rác bập bềnh trên dòng nước, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư chi bộ xóm Chiềng lo lắng: Mấy đợt mưa lũ vừa qua, chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV trôi nổi từ thượng nguồn về nhiều và chảy thẳng ra sông. Những chỗ bờ suối bị nước xoáy, loại rác nguy hại này tụ lại càng nhiều. Hiện nay, không có mưa, nước lòng hồ dâng lên đã đẩy ngược rác từ bên ngoài vào dồn lại ở khu vực này. Chúng tôi không rõ mức độ nguy hại của loại rác này tới đâu nhưng trong thời gian qua, người dân đã từng chứng kiến nhiều vụ cá chết ở khu vực này. Đáng nói, trong đó có nhiều loại cá da trơn ăn ở tầng nước sâu. Không biết có phải là do ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp từ các xã trên thượng nguồn suối Tráng bị nước mưa rửa trôi về hay là do nguyên nhân gì khác. Không chỉ có vậy, nhiều loại vỏ chai, lọ thuốc BVTV dù được làm bằng nhựa dẻo nhưng khi lũ trẻ vớt về bán thì đồng nát cũng chê, không dám mua. Thấy vậy nhưng chúng tôi không biết những loại rác độc hại này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống của người dân.

 

Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng thuốc BVTV

 

Sự việc này cũng đã được người dân các xóm: Chiềng, Mu, Đoàn Kết và Tiện phản ánh đến cơ quan chức năng. Vấn đề này, theo ông Lê Xuân Hà, Trưởng phòng TN&MT huyện Cao Phong, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân ở xã Thung Nai, UBND huyện Cao Phong  đã tiếp thu và giao cho UBND các xã: Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Tây Phong, Bắc Phong là các xã thượng nguồn suối Tráng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón hoá học cần phải có ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc thu gom vỏ bao bì, chai, lọ sau khi sử dụng để tập trung xử lý theo quy định. Đặc biệt là đối với các hộ dân canh tác dọc lưu vực suối Tráng để tránh gây ô nhiễm môi trường nói chung và ảnh hưởng tới lưu vực suối Tráng và vùng lòng hồ sông Đà nói riêng.

 

Về phía xã, theo đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư chi bộ xóm Chiềng, để tránh những rủi ro và gây hậu quả đáng tiếc từ các loại rác nguy hại trôi từ thượng nguồn suối Tráng tới đời sống người dân, chi bộ và ban quản lý xóm đã họp và giao nhiệm vụ cho chi Đoàn thanh niên của xóm huy động lực lượng vào thứ bảy tổ chức vớt, thu gom các loại vỏ chai, lọ, túi nilon, bao bì thuốc BVTV, rác thải các loại để tiêu huỷ, đảm bảo an toàn môi trường xung quanh.

 

Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng ĐV-TN các xóm đã nhiều lần ra quân thu gom, tiêu huỷ được số lượng lớn rác thải trên suối Tráng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, trên mặt nước suối Tráng vẫn còn nhiều vỏ chai, lọ, bao bì thuốc BVTV trôi nổi trên mặt nước. Đi dọc bờ suối khoảng 20 m, tôi và ông bí thư chi bộ xóm Chiềng cũng thu gom được cả chục vỏ chai, lọ thuốc BVTV nguy hại lẫn trong đám cỏ rác bập bềnh trên dòng nước. Vì vậy, nếu người dân ở vùng thượng nguồn còn sử dụng thuốc BVTV không có ý thức, trách nhiệm thì dòng suối Tráng vẫn còn có những loại rác thải nguy hại trôi về... 

 

                                                                            

                                                                       Mạnh Hùng

 

 

 

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục