(HBĐT) - Cách UBND xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) 2 km, thế nhưng mãi đến năm 2009 xóm Sổ mới có điện. Thoát được gánh nặng về “ánh sáng” thì giờ đây, cuộc sống của 48 hộ dân với 196 nhân khẩu xóm Sổ (1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh) lại đối mặt với khó khăn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

  Gia đình ông Bùi Văn Phong, xóm Sổ, xã Hữu Lợi (Yên Thủy) sử dụng nguồn nước từ giếng tự đào đã 27 năm. Nước bị nhiễm đá vôi, gần ruộng lúa có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu từ trong đất, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Nỗi lo từ nguồn nước tự nhiên  

Cụm từ “nước sạch” trở nên quá xa xỉ đối với người dân xóm Sổ. Việc sử dụng trực tiếp nước sông Lạng và giếng tự đào có nhiễm vôi đã diễn ra hàng chục năm nay của người dân nơi đây. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Văn Ngớt, Chủ tịch UBND xã Hữu Lợi cho biết: “Nước sinh hoạt vấn đề nan giải đối với các hộ dân xóm Sổ. Người dân khó có thể tự đào giếng do đất có lẫn than. Nếu giếng đào không đủ sâu thì nước lẫn than sẽ không sử dụng được, mà có muốn đào sâu cũng không có phương tiện kỹ thuật. Vậy nên buộc người dân phải sử dụng trực tiếp nước từ sông Lạng chưa qua xử lý hoặc xử lý thô sơ không đảm bảo vệ sinh. Nước từ giếng tự đào lâu năm có tình trạng nhiễm vôi, gây nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”.

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến xóm Sổ trên con đường nhỏ hẹp, lầy lội vì trời vừa mưa xong. Trưởng xóm Quách Văn Sin cho biết: “Từ lâu lắm rồi chúng tôi phải sử dụng nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh, biết là vậy nhưng đâu còn cách nào khác. Mùa khô nước trong nhưng lại bẩn, mùa mưa thì nước đục. Đôi khi tắm chính bản thân tôi cũng dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, nhất là vào mùa khô”.

 

Dẫn chúng tôi đến hộ gia đình ông Bùi Văn Phong sử dụng nguồn nước giếng tự đào đã 27 năm nay, ông Phong giãi bày: “Gia đình tôi tự đào giếng sử dụng từ năm 1989 đến nay. Giếng cạnh ruộng nên cũng lo thuốc trừ sâu phun ngoài đồng sẽ ngấm vào đất, rồi ngấm vào nguồn nước giếng mà cả nhà đang sử dụng nhưng “lực bất tòng tâm”, chúng tôi đành “tặc lưỡi” mà dùng. Nước ở đây là nước đá vôi, nên khi đun lên uống đóng váng trên bề mặt và lắng cặn vôi xuống đáy. Có lúc sử dụng phải trao đi trao lại mấy lượt cho đỡ váng và cặn thì mới uống được. Gia đình tôi xây trụ trữ nước (bể chứa nước hình trụ cao khoảng hơn 2m), rồi bơm nước từ giếng vào trụ cho lắng cặn mới dám sử dụng chứ không qua công nghệ lọc nào cả”.

 

Không có giếng tự đào như nhà ông Phong, gia đình chị Bùi Thị ái cùng xóm phải sắm máy bơm hút nước trực tiếp từ sông Lạng. Không chỉ riêng gia đình chị ái mà hàng chục hộ dân dọc bờ sông Lạng cũng trong tình trạng tương tự. Chị ái chia sẻ: “Do sử dụng nguồn nước không qua xử lý, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến việc con tôi thường xuyên bị tiêu chảy, đau mắt. Thấy vậy, đến năm 2014, gia đình tôi phải xây một bể lọc thủ công, chỉ có thể lọc được cặn bẩn chứ không thể lọc được tạp chất lẫn trong nước”.

 

Cùng chung cảnh ngộ với xóm Sổ, gần 20 hộ dân xóm Rộc nằm liền kề dọc bờ sông cũng trong tình trạng tương tự. “Chúng tôi mong lắm một dòng nước sạch để sử dụng. Lo lắng nhất bây giờ là sức khỏe của con trẻ, mong nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết tình trạng này giúp người dân đảm bảo sức khỏe để ổn định cuộc sống”, trưởng xóm Quách Văn Sin gửi gắm.

 

Những sự hỗ trợ chưa tới tầm

 

Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, năm 2014, Dự án khoan giếng cho người dân đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai ở 10/48 hộ dân xóm Sổ, nước ở độ sâu cơ bản đảm bảo an toàn cho người dùng. Người dân chỉ việc lắp máy bơm hút nước từ giếng vào bể chứa của gia đình để sử dụng. Năm 2015, từ nguồn hỗ trợ chương trình 135 cũng đã cung cấp 10 téc chứa nước cho 10 hộ dân xóm Sổ dùng để chứa nước và hứng nước mưa được bà con sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, téc đó chỉ là để chứa nước chứ không thể “làm thay” công việc của máy lọc nước, vậy nên, nước vẫn không đảm bảo vệ sinh. Ngoài 10 hộ dân được hỗ trợ đào giếng ra thì 38 hộ còn lại vẫn đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

 

“Trong năm 2013, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh đã về xã, xóm để bàn bạc, lên kế hoạch đầu tư hỗ trợ người dân xóm Sổ về cơ hở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Theo đó đã khảo sát địa hình và thiết kế công trình nước sạch phục vụ bà con trong xóm. Tuy nhiên, theo lộ trình thực hiện 5 năm, với số vốn ít ỏi mỗi năm 1 tỷ đồng, 3 năm đã trôi qua nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng công trình nước sạch phục vụ bà con”, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

 

Tháng 9 năm nay, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc đã cho khởi công xây dựng đường từ xóm Sổ đến trung tâm xã giải quyết vấn đề giao thông. Trước đó, trung tâm cũng hỗ trợ giống dê và lợn bản địa cho bà con trong xóm tăng gia sản xuất. Đối với một xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 62%), thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8 triệu đồng /năm, đất sản xuất tính trên đầu khẩu chưa đầy 400 m2 /khẩu, … thì rất cần có sự đầu tư hợp lý với điều kiện thực tế. Đặc biệt, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là nước sạch đang cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

                                                                         

      

                                                                        Thanh Sơn

 

 

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục