(HBĐT) - Thời gian gần đây, Báo Hòa Bình nhận được khá nhiều đơn - thư phản ánh, “kêu cứu” vì bị anh, em, chú, bác, bạn… lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt quyền sử dụng đất . Có vụ - việc đã được đưa ra tòa để giải quyết, có vụ đang trông chờ vào sự hòa giải của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở với hy vọng “mưa dầm thấm đất”, người chiếm đoạt sẽ tự nguyện trao trả… Xin nêu một vài vụ - việc để thấy rằng đó là vấn đề đáng lưu tâm.

 

Mới là những ngày đầu năm 2016, khi những người trong giới kinh doanh, buôn bán gác lại mọi việc để đến với đền, chùa cầu tài, cầu lộc, may mắn và bình an… thì chị H., một công dân làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ ở huyện Tân Lạc lại tất tả ngược xuôi, gõ cửa các cơ quan công quyền để kêu cứu vì lỡ tin người “anh em kết nghĩa” mà bị mất đất, mất nhà. Mang đến Báo Hòa Bình một lá đơn “kêu cứu”, kèm theo cả tập văn bản, giấy tờ liên quan, chị H. giãy bày: Gia đình tôi có một thửa đất với tổng diện tích 2.000 m2 (gồm 400 m2 đất ở và 1.600 m2 đất vườn). Do cần tiền làm ăn buôn bán và trả nợ ngân hàng, vợ chồng tôi đã vay anh N., “người anh em kết nghĩa” 500 triệu đồng và lấy bìa đỏ diện tích đất trên làm tài sản thế chấp (trên mảnh đất ấy có ngôi nhà vợ chồng chị mới xây, đang ở trị giá trên 2 tỷ đồng). Bỗng dưng một ngày, vợ chồng tôi. nhận được giấy triệu tập của tòa án  đến để giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” thửa đất trên, do anh N. là nguyên đơn. Đến đây, vợ chồng chị H. mới “tá hỏa” vì người “anh em kết nghĩa” đã âm thầm làm thủ tục sang tên thửa đất và lấy đó làm cơ sở  để kiện vợ chồng chị ra tòa với mục đích đòi QSDĐ. Trước nguy cơ mất đất, mất nhà, ít thông hiểu về pháp luật, lại bị động từ nhiều phía, vợ chồng chị H. phải chạy vạy khắp nơi để kêu cứu, mong được làm sáng tỏ.

 

 

Những lá đơn được gửi đến Báo Hòa Bình và các cơ quan chức năng mong được giúp đỡ đòi lại quyền sử dụng đất hợp pháp đã bị chiếm đoạt bởi ... tình thân.

 

Cùng thời điểm đó, vợ chồng anh P. ở huyện Cao Phong cũng “vác đơn” đến tòa báo nhờ can thiệp để giữ lại hơn 3 ha keo 7-8 tuổi, trên 17.000 cây cam Canh, trong đó có 500 cây đã 5 năm tuổi và khoảng 12.000 cây đã 2 năm tuổi. Chuyện là: vợ chồng anh P. có nhờ người anh rể đứng tên đấu thầu khu đất diện tích khoảng 75.000 m2 (thuộc bãi chăn thả của xã) để sử dụng vào mục đích trồng rừng. Thời hạn cho thầu đất là  7 năm, vì vậy gia đình anh P. đã quy hoạch, cải tạo để trồng cây ăn quả. Hàng năm, gia đình anh P. vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất (qua anh rể). Khi hết thời hạn thuê đất (năm 2013), vợ chồng anh P. có lời “nhờ” anh rể xin tiếp tục ký hợp đồng để giữ lại cây trồng trên đất thì được trả lời: khu đất đang chờ được cấp sổ đỏ hãy yên tâm chờ đợi. Tin tưởng vào người anh rể, vợ chồng anh P. tiếp tục quy hoạch, cải tạo đất và trồng cây trên khu đất ấy. Cuối năm 2015, người anh rể yêu cầu vợ chồng anh P.  phá bỏ cây trồng để hoàn trả thửa đất trên (vì người anh rể đã làm thủ tục để được cấp bìa đất - QSDĐ đất hợp pháp mang tên mình).  Vì sự thất tín của người anh rể, vì tình cảm anh em rạn nứt và vì hàng nghìn cây cam, nhãn đã hẹn ngày thu hoạch... vợ chồng anh P. đã phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền xã và cơ quan truyền thông để giải quyết sự việc được thấu tình, đạt lý.

 

Mới đây, Báo Hòa Bình tiếp nhận thêm 1 vụ việc khá hy hữu cùng chung mạch chủ đề này. Nói hy hữu bởi đây là sự việc xảy ra ở ngay TP Hòa Bình và nội dung câu chuyện cũng khá đặc biệt. Hai người phụ nữ, bà A. (58 tuổi) hiện đang cư trú tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) và bà L. (56 tuổi) hiện đang cư trú tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) cùng lên tiếng bảo vệ cô cháu gái (26 tuổi)  mồ côi bị chính người cô ruột chiếm đất, chiếm nhà. 2 lá đơn của 2 người phụ nữ có chung 1 nội dung phản ánh việc làm trái với “luân thường, đạo lý” của người cô ruột, cũng chính là người em gái của 2 bà đang tâm đuổi cô cháu gái mồ côi đi để chiếm dụng ngôi  nhà vốn là tài sản thừa kế của cha mẹ cháu. Chuyện là 2 bà A, L có người em trai (SN 1962) được sở hữu diện tích đất trên 200 m2 (do cha mẹ để lại). Thấy vợ chồng người em gái khó khăn về chỗ ở ông đã gọi về ở cùng. Tin tưởng em, khi bán đi diện tích 100m2 đất ông đã ủy quyền cho em gái làm thủ tục chuyển nhượng. Năm 2008 ông mất, khi đó cô con gái duy nhất vừa 20 tuổi đi làm ăn xa. Cha mất, cháu T. trở về nhà để ở và lo việc thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì bị vợ chồng cô ruột đuổi đi (lý do người cô ruột đang cầm trong tay giấy CNQSDĐ mang tên cô)…

 

Đó là những vụ - việc cụ thể đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Chuyện không chỉ ở làng mà có cả ở nơi phố thị (nơi trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh) vốn được mặc định là có dân trí cao, ANTT, ATXH luôn được đảm bảo. Dẫu không nhiều nhưng những vụ - việc trên thực sự đáng lưu tâm để phòng tránh những hệ lụy không đáng có: mất tài sản và mất cả... tình thân.

 

 

                                                                        PBĐ-TL

 

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục