(HBĐT) - Đá Lát là đảo chìm đầu tiên trong hải trình thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân 2016 của đoàn cán bộ Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí. Vì điều kiện trên đảo và việc di chuyển từ tàu 561 đến đảo có nhiều khó khăn nên đại tá, đoàn trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương thông báo danh sách một nửa số nhà báo trong đoàn công tác được xuống đảo. Tôi là phóng viên may mắn có trong danh sách.

                  Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lát.

 

Dù đã nghe, đọc về các đảo chìm nhưng tôi vẫn không thể hình dung nổi, đảo chìm như thế nào và các chiến sĩ ở đảo sống, công tác ra sao. Vừa phấn khởi vì lần đầu được tới một đảo chìm, tôi lại lo lắng ngay vì cán bộ đoàn dặn dò chúng tôi phải thật cẩn thận từng chi tiết nhỏ để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi ngồi trên chiếc xuồng CQ bé nhỏ tiếp cận đảo.

“Đè đầu” những con sóng dữ, 2 chiếc xuồng chuyền tải CQ 1879 và 1875 từ từ rời tàu 561 đưa đoàn công tác và những thùng quà đến với cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Đá Lát. Dù khoảng cách từ vị trí neo tàu vào bờ không xa lắm nhưng các chiến sĩ phải căng mắt điều khiển chiếc xuồng tránh những mỏm san hô sắc cứng để tiếp cận đảo. Chúng tôi chỉ mỗi nhiệm vụ ngồi im, tay giữ chặt tấm bạt để che những đợt nước biển bắn tung khi chiếc xuồng CQ chồm tới mà nhiều phen thót tim, người ướt sũng vì nước biển và mồ hôi.

 

Vậy là chúng tôi đã được đặt chân lên đảo chìm Đá Lát. Đảo trấn giữa cửa ngõ tây nam của quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo chìm xây dựng nhà cao chân “đội sóng” sớm nhất. Nhà trên Đá Lát hoàn thành năm 1988. Vừa hướng dẫn các chiến sĩ neo xuồng, đón đoàn và chuyển hàng hóa lên đảo, thượng úy Đoàn Văn Hiến, chỉ huy trưởng đảo Đá Lát kể chuyện: Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh em luôn sát cánh động viên nhau nỗ lực vươn lên. Vì thế, nhiều nhiệm vụ hoàn thành với chất lượng tốt, trong đó có mặt được cấp trên đánh giá cao....

 

Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo đã tự tăng gia sản xuất và đưa vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội thịt, cá các loại và rau xanh. Do chủ động khắc phục khó khăn nên đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện. Cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, đời sống tinh thần của bộ đội cũng từng bước được nâng lên. Hiện đảo Đá Lát đã được trang bị ti vi thu sóng vệ tinh Vinasat và sóng điện thoại phủ kín. Do vậy, những thông tin kinh tế, chính trị, các hoạt động văn hóa, TD-TT trong nước và quốc tế diễn ra hàng ngày kịp thời được cập nhật.

 

Được biết, nằm cách đảo Trường Sa khoảng gần 3 giờ hải trình về phía tây nam nên đảo chìm Đá Lát được xem như cửa ngõ từ đất liền ra biển Đông và từ nhà giàn DK1 đi lên. Đây còn là nơi gần với tuyến đường hàng hải quốc tế với số lượng tàu, thuyền qua lại rất đông. Mặt khác, nơi đây còn là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... với hàng trăm lượt tàu, thuyền qua lại. Riêng năm 2015, đảo Đá Lát đã tiếp nhận và giúp đỡ hơn 400 tàu thuyền đánh cá dài ngày trên biển của ngư dân các tỉnh miền Trung. Vào buổi sáng, khi mặt trời vừa ló rạng, cũng là lúc thủy triều rút xuống, đảo chìm Đá Lát nhô lên khỏi mặt biển dần lộ ra một vùng san hô rộng lớn.

 

Tuy nhiên, cuộc sống, sinh hoạt lính đảo Đá Lát và tất cả tuyến đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa gặp hai khó khăn lớn nhất là nước ngọt và rau xanh. Thượng úy Đoàn Văn Hiến, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết: “Một năm, Trường Sa có hai mùa. Mùa khô, trồng rau rất tốt vì ít có sóng biển. Các loại mồng tơi, rau muống, cải bẹ xanh, rau dền, sâm đất... tại vườn rau thanh niên trồng trong khay nhựa composite, đất mang từ đất liền ra, phát triển rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày thì lại thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nước sinh hoạt đều trông cậy vào “giếng trời”. Mùa khô nào giông nhiều, xem như lính đảo tích trữ đủ nước. Nước ngọt từ đất liền ra rất hạn chế. Ngược lại, vào mùa mưa, bộ đội có đầy đủ nước ngọt thì sóng to, gió lớn. Sóng biển nhiều cơn trùm kín đảo, nước biển làm rau xanh làm cháy rụi lại phải trồng lại từ đầu...

 

Thời gian trôi đi nhanh nhất đối với những người lính đảo chìm Đá Lát có lẽ là quãng thời gian chào đón những đoàn công tác đến thăm đảo. Với chúng tôi, hai giờ được ở trên đảo sẽ là quãng thời gian nhớ mãi trong đời. Khi đoàn trưởng – đại tá Bùi Đình Dương thông báo thời gian thăm đảo Đá Lát đã hết, cần phải quay lại tàu 561 trước khi mặt trời lặn. Trong lòng tôi cảm thấy hẫng hụt. Vừa mới quen nhau, cảm nhận chút ấm áp tình quân dân nơi đầu sóng, ngọn gió lại phải chia tay. Chút buồn, nhớ dâng trào khi những người lính đảo cứ nắm chặt tay chúng tôi không muốn rời…

 

                                                                         Hồng Duyên

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục