(HBĐT) - Chiều ngày 19/5, hàng trăm người dân xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đã tập trung tại UBND xã và nhà văn hóa xóm Tân Lập, ra bờ sông Đà để phản đối tình trạng khai thác cát rầm rộ diễn ra từ tháng 4 đến nay. Lý giải của người dân là quá bức xúc trước “đại công trường” khai thác cát trên sông Đà với mức độ quá lớn làm đảo lộn cuộc sống và đã kiến nghị lên cấp trên nhưng không chuyển biến.

 

Khi tổ công tác liên ngành của tỉnh xuống giải quyết vấn đề khai thác cát, người dân đã đề nghị đối thoại về vấn đề này. Theo phản ánh của người dân, từ ngày 8/4, bắt đầu xuất hiện nhiều tàu hút cát, tàu cuốc trên sông Đà khu vực xã Hợp Thành, Hợp Thịnh. Tàu tập kết, neo đậu kín đặc một khúc sông và hoạt động suốt ngày đêm đinh tai nhức óc, chưa kể hàng trăm tàu đến chở cát đi về phía Hà Nội nhộn nhịp. Khúc sông bị cào móc, sục sôi, nguy cơ sạt lở.  

 

   Tàu hút cát trên sông Đà địa phận xã Hợp Thịnh vào sáng ngày 19/5.

 

Ông Nguyễn Trọng Hùng, xóm Tân Lập, xã Hợp Thịnh bức xúc nói: Nhà tôi cách khu vực tàu hút cát chỉ khoảng hơn 100 m. Tàu hoạt động ầm ĩ cả ngày lẫn đêm không tài nào ngủ được. Bãi cát trước đi mỏi chân nay sụt xuống vào tận ruộng ngô. Tôi 60 tuổi rồi, còn con cháu, nếu đất bị sạt lở sẽ ở đâu?! Cần làm rõ việc khai thác rầm rộ, nếu sạt lở mất đất sẽ đền bù cụ thể như thế nào?! Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc dừng việc khai thác cát, trả lại bình yên cho khúc sông để dân ăn được, ngủ được, mới làm được.

 

Cùng chung bức xúc, ông Hà Huy Thực, xóm Hạnh Phúc nêu ý kiến: Tôi thấy mức độ khai thác cát quá lớn, quá rầm rộ. Hệ lụy đến cả đời sống dân sinh, môi trường, dân mất ăn, mất ngủ. Ý nguyện của dân mong chấm dứt tình trạng này. Bây giờ dân bất an, lúa đã chín vàng ruộng nhưng không có tâm trạng nào đi gặt mà cứ lo nơm nớp ở bờ sông.

 

Đại diện cho nhân dân xóm Tân Lập, bà Trần Thị Hương cho biết: Trước đây, trên khúc sông ở 2 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành chỉ có 5 - 6 tàu hút. Từ tháng 4, tàu cuốc rầm rập đến hoạt động, neo đậu giữa sông như một “làng”. Ngày 6/5, tôi đã viết đơn phản ánh, kiến nghị gửi UBND xã. Xóm Thông cũng viết đơn kiến nghị vào ngày 7/5. Tuy nhiên, đến sáng ngày 19/5, tình trạng vẫn không chuyển biến gì đáng kể. Quá bức xúc, nhân dân đã phải tập trung lại để phản đối, chặn dừng xe của tổ công tác đề nghị đối thoại về vấn đề này.

 

Nhân dân xã Hợp Thịnh tập trung tại nhà văn hóa xóm Tân lập để đối thoại với tổ công tác của tỉnh.

 

Sau khi nghe ý kiến của nhân dân, đại diện cho tổ công tác, đồng chí Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Trọng Long, Phó Chánh thanh tra tỉnh đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân. Theo đó, trước thông tin phản ánh của nhân dân, trong ngày 19/5, tổ công tác đã đi thực tế, lập biên bản kiểm tra khai thác cát. Tại thời điểm kiểm tra, có 27 tàu trên sông Đà khu vực xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, vượt quá số lượng tàu đăng ký. Tổ đã yêu cầu 2 công ty tạm ngừng hoạt động.

 

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước đó, 2 công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại tiếp tục tái diễn. Tình trạng khai thác ồ ạt như vậy bản thân tôi cũng bức xúc và không thể để thế này. Kể cả giáp ranh bên phía tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp để giải quyết. Tới đây sẽ yêu cầu công ty phải có cam kết với xã, xóm không làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Tổ sẽ báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để giải quyết vấn đề.

 

Giải đáp thắc mắc của nhân dân, đồng chí Lê Trọng Long, Phó Chánh thanh tra tỉnh cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành liên quan phối hợp giải quyết. Hai công ty đã được tỉnh cấp phép khai thác cát nhưng hoạt động thực tế như vậy có phù hợp với giấy phép không, tới đây sẽ được làm rõ và công khai với nhân dân.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 51/QĐ-UBND, ngày 11/12/2013 Quyết định số 20/QĐ-UBND, ngày 21/4/2015, UBND tỉnh đã cấp phép lần lượt cho Công ty Hùng Yến và Công ty Sahara được khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Kỳ Sơn trong 24 năm, mức sâu + 4 m. Trong đó, Công ty Hùng Yến được phép khai thác cát tại xã Hợp Thành bắt đầu từ năm 2014, công suất 27.000 m3/năm, diện tích 20 ha. Công ty Sahara được khai thác cát tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh bắt đầu từ năm 2015, công suất 230.000 m3/năm, diện tích 75 ha. Khu vực khai thác có tọa độ xác định cụ thể, được thể hiện trên bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1:5.000. Doanh nghiệp phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, từ tháng 4, hai công ty đã tổ chức khai thác rầm rộ, vượt quá số tàu đăng ký.

 

Trước ý kiến của nhân dân, UBND huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan của tỉnh kiểm tra, lập biên bản đánh giá hoạt động khai thác cát của 2 công ty. Theo đó, mỗi ngày, 2 Công ty có khoảng trên 30 tàu cuốc, hút hoạt động. Ngày 10/5, UBND huyện ban hành công văn về việc tăng cường công tác QLNN và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Song, thực tế đến sáng ngày 19/5 vẫn chưa chấm dứt. Chỉ đến khi tổ công tác của tỉnh yêu cầu 2 công ty tạm ngừng hoạt độn, khúc sông mới “dịu” đi. Nhân dân mong vấn đề sớm được giải quyết dứt điểm.

                                                                           

                                                                     C.L

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục