(HBĐT) - Cũng giống như những chuyến thăm quần đảo Trường Sa, đoàn công tác của tỉnh cùng CB,CS và nhân dân các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Kạn Đắk Nông, Đắk Lắk... đã dành những giây phút tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...


Đoàn công tác của tỉnh tại đảo Trường Sa lớn.

 

Rưng rưng nước mắt giữa biển trời Tổ quốc

"Trường Sa là máu thịt Tổ quốc. Là những ký ức khó phai mờ trong chúng tôi - những người đã từng được đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng. Chúng tôi luôn thể hiện lòng biết ơn, tri ân CB,CS, những gia đình có con em đã và đang chiến đấu, canh giữ từng tấc đất, đường biển cho hôm nay và cả thế hệ mai sau”, đó là sự chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình sau chuyến công tác thăm CB, CS, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vừa qua.

Không chỉ riêng ông mà tất cả thành viên đoàn công tác khi được đặt chân đến vùng đất thiêng liêng ấy đều thấy tự hào. Như đồng chí Nguyễn Thị Oanh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, thành viên đoàn công tác của tỉnh ra thăm CB, CS trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã chia sẻ: "Trường Sa mình đã được nghe nhiều, xem nhiều qua báo chí, phim ảnh nhưng đây là lần đầu tiên được đến với Trường Sa nên rất háo hức. Với mình, chuyến đi này không chỉ có ý nghĩa là được biết, được đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, mà hơn hết, nó truyền cảm hứng, làm cho mình thấy phải sống có trách nhiệm hơn. Trường Sa, nơi mà mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Đến để thấy đất nước rộng dài; nơi để mỗi người nhìn thấy cái thế đứng kiêu hãnh của Tổ quốc nơi tuyến đầu; được nếm trải cảm giác nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt trong những buổi lễ tưởng niệm CB, CS hy sinh khi bảo vệ biển, đảo; hay khi được thấy những nụ cười đôn hậu, lạc quan, yêu đời của những người lính đảo còn nhiều gian khó. Chúng tôi như thấy mình nhỏ bé với những lo toan đời thường”.

Đặt chân lên tới đảo Trường Sa Đông, cả đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình thắp hương trước phần mộ những liệt sĩ còn rất trẻ. Câu chuyện về sự hy sinh của họ chúng tôi được nghe những người lính đảo kể như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Họ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tuần tiễu quanh đảo trong điều kiện thời tiết xấu. Dù bơi rất giỏi nhưng trong lúc nguy nan, thấy đồng đội đuối sức, chiến sĩ trẻ Vương Viết Mão đã dùng hết sức còn lại đẩy đồng đội thoát hiểm và đưa được vào bờ. Khi vào đến bờ, thấy còn đồng đội vẫn chưa thoát khỏi xuồng bị lật úp, Mão một lần nữa quay lại. Lần thứ hai dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ, anh bị sóng cuốn đi trong ánh mắt bất lực của đồng đội. Lúc hy sinh, Mão vừa bước sang tuổi 22, đó là một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2004.

Nằm bên cạnh mộ của liệt sĩ Vương Viết Mão là mộ của liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, chiến sĩ trẻ ngã xuống tại chính đảo Trường Sa Đông khi mới tròn 20 tuổi. Và ở cả Trường Sa lớn nữa, chúng tôi "gặp” những chiến sỹ còn rất trẻ. Lúc sống, họ luôn ở bên nhau. Khi ngã xuống, họ lại nằm cạnh nhau.

Kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, đại tá Hoàng Ngọc Trác, Chủ nhiệm Kỹ thuật - Quân chủng Hải quân nghẹn ngào: Giữa thời bình vẫn còn có những chiến sĩ ngã xuống là mất mát vô cùng lớn, không chỉ cho người thân, gia đình mà còn cả lực lượng Hải quân nữa. Cuộc sống khó khăn là thế, nhiều thiếu thốn là thế nhưng CB, CS trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn vững vàng ý chí, quyết tâm cao bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy vậy, điều khiến anh em chúng tôi đau đáu nhất là 64 CB, CS hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong chiến dịch Chủ quyền CQ88 năm 1988 vẫn còn nằm đâu đó ngoài đại dương, nhưng không thể thực hiện được do công tác tìm kiếm bị ngăn trở. Dù rằng nơi đó - Gạc Ma chỉ cách một tầm mắt. Những lần cầu siêu hay thả vòng hoa tưởng niệm các CB, CS hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988, anh em chiến sĩ chỉ biết đứng từ xa, hướng về hòn đảo chủ quyền của Tổ quốc bị kẻ thù xâm chiếm mà mong một ngày được đưa các anh trở lại đất liền.

Không chỉ luôn phải đối mặt với kẻ thù chưa khi nào từ bỏ dã tâm xâm lược, chiếm đảo, những CB, CS canh giữ trên các đảo nổi, đảo chìm và thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam còn luôn phải đối mặt với cả thiên tai, với những cơn bão thường xuyên tràn đến. Những tấm gương hy sinh anh dũng, những con người kiên cường bám biển, báo đảo, bám nhà giàn giữa phong ba, bão tố vì mục tiêu canh giữ biển, đảo - các anh, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã gìn giữ những giá trị vững bền cho Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Đất Mường cùng cả nước hướng về Trường Sa

Trường Sa! Đang gần lắm với người dân đất Mường. Cùng cả nước, thời gian qua người dân Hòa Bình có nhiều hoạt động hướng về nơi đảo xa với niềm tự hào. Bởi, nơi đảo xa ấy có nhiều CB, CS là con em đất Mường đang góp sức xây dựng và bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng...

Chuyến công tác thăm CB, CS trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vừa qua, trong đoàn công tác của tỉnh, tôi thấy vui nhất có lẽ là đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn. Vui là bởi, "ra tận ngoài này mình vẫn còn được gặp người "nhà”. Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ”. Người nhà mà đồng chí Bùi Văn Hành nhắc đến đó chính là thượng úy Bùi Văn Hải quê ở xóm Vó Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) hiện đang công tác tại đảo Trường Sa lớn. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hành chia sẻ: Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Lạc Sơn thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo. Chúng tôi tuyên truyền từ trong nhà trường, đến các thôn xóm, khu dân cư. Cũng chính vì thế mà vừa qua, hưởng ứng phong trào vận động quyên góp ủng hộ Trường Sa do UBMTTQ tỉnh phát động, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó, chúng tôi đã quyên góp được hơn 100 triệu đồng ủng hộ CB, CS Trường Sa. Ngoài ra, các nhà trường trên địa bàn huyện đã quyên góp ủng hộ được hàng chục triệu đồng.

Không chỉ ở Lạc Sơn mà đợt vận động quyên góp ủng hộ quỹ "Vì Trường Sa” do UBMTTQ tỉnh phát động đã thu hút được đông đảo CB, ĐV, CC, VC, CB, CS các cơ quan, đơn vị LLVT và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh quyên góp ủng hộ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, chỉ tính riêng trong buổi lễ phát động, Ban vận động đã tiếp nhận gần 300 triệu đồng từ sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong toàn tỉnh. Với số tiền quyên góp được, trong chuyến thăm, động viên CB, CS, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, tỉnh ta trao tặng huyện đảo Trường Sa 2 tỷ đồng cùng nhiều phần quà cho CB, CS và nhân dân trên các đảo trị giá hàng trăm triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều được trích từ Quỹ "Vì Trường Sa” do CB, CS LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình quyên góp ủng hộ.

Ngoài việc phát động đợt quyên góp ủng hộ quỹ "Vì Trường Sa”, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo. Đặc biệt là đợt trưng bày tư liệu về "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Sở TT&TT phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức hay các buổi sinh hoạt ngoại khoá "Em yêu biển, đảo quê hương” trong các nhà trường... Cùng với đó, những hoạt động tuyên truyền về biển đảo chuẩn bị cho việc ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh uỷ Hòa Bình với Đảng uỷ Quân chủng Hải quân trong những ngày qua đã góp phần đưa biển, đảo tới gần hơn với người dân đất Mường.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục