Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.

Triệu triệu bông hồng

Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới Hoàng Minh Thắng cho biết, TP sẽ trồng hoa hồng trên các tuyến đường, dải phân cách, trong công viên và vận động các cơ quan trồng trong khuôn viên, các gia đình trồng ở vườn nhà…

Tết Kỷ Hợi, trên đường từ Đà Nẵng ra Đồng Hới, tôi chợt ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của triệu triệu bông hồng khoe sắc suốt dọc dài con đường Nguyễn Hữu Cảnh. Không cưỡng được sự tò mò, lái xe một vòng quanh TP, và thấy, những con đường hoa hồng mê đắm. Như người bỗng thấy ước mơ của mình biến thành hiện thực, bất chợt tôi thốt lên: Ôi, thành phố Hoa Hồng!

Cách đây dễ chừng mười năm, tôi có viết trên báo Xuân Quảng Bình một bài có tựa Bỗng nhiên lại nhớ hoa hồng. Bài viết có ý luyến tiếc về một cái tên rất đẹp đã hầu như càng lâu càng rơi vào quên lãng. Bài viết ước muốn làm sao Quảng Bình khôi phục lại cái tên này cho Đồng Hới. Và cách duy nhất là trồng hoa hồng trên mọi nẻo đường, trong sân nhà, nơi công viên... Vì như thế, "thương hiệu” thành phố Hoa Hồng hồi sinh sẽ rất có lợi cho du lịch.

Sau mười năm, điều đó đã thành hiện thực.

Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Lê Thế Lực kể lại, anh đã từng điện thoại, viết email cho Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới tâm sự về chuyện trồng hoa hồng: "Anh cứ cho trồng đi, chưa tham vọng gì lớn nhưng làm sao trong mỗi hàng dậu của nhà đều có hoa hồng, trồng thật nhiều hoa hồng bao quanh bờ thành Đồng Hới, từ đó nhân ra, để du lịch có thể tổ chức city tour gắn với hoa hồng. Nhất định thương hiệu thành phố Hoa Hồng sẽ trở lại với Đồng Hới. Và anh ấy đã làm và làm được bước đầu như thế đó”.

Giống hồng trồng trên đường phố là giống hồng bản địa, nó không quá rực rỡ nhưng có sức sống mãnh liệt, ra hoa quanh năm và rất dễ chăm, "vứt đâu cũng sống”. Nhiều người gọi đó là hồng dại, chị Thùy ở trung tâm cây xanh lại gọi đó là hồng phai, giống hồng được sưu tầm từ trong vườn nhà dân và nhân ra.

Từ bụi hồng trổ hoa giữa đống đổ nát

Cho đến nay, cũng ít ai biết vì sao Đồng Hới lại được gọi là thành phố Hoa Hồng. Đến cánh phóng viên viết bài cũng cắt nghĩa rất cảm tính.

Các bài báo trên mạng cho rằng người Đồng Hới trồng nhiều hoa hồng nên mới gọi như thế. Người khác lại cho cái tên này có từ thời Pháp.

Theo tư liệu cũ còn lại, người Pháp gọi Đồng Hới là Petit Paris (Paris nhỏ), có sách lại chép, Đồng Hới là con bồ câu trắng bên bờ Biển Đông... Chưa thấy tên Hoa Hồng xuất hiện.

 

Những "con đường hoa hồng”               

Những năm 1960, Đồng Hới bị bom đánh hoang tàn, người dân phải sơ tán lên Đồng Sơn, phía tây (nay là một phường thuộc Đồng Hới). Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập, tách ra từ Bình Trị Thiên, Đồng Hới chỉ còn cái tháp nước và một ngôi nhà hai tầng lỗ chỗ vết bom đạn, nơi đặt đài truyền thanh TP. Cái tháp nước không bị đánh sập, theo hồi ức của các phi công Mỹ, thì họ để lại để làm cột mốc tọa độ chứ không phải là đánh không sập.

Và như thế, không thể nói là Đồng Hới trồng hoa hồng khắp nơi.

Năm 1967, đang độ chiến tranh tàn khốc, Blaga Dimitrova, một nhà thơ trứ danh, từng được xem là thần đồng thơ của Bulgaria, đồng thời là một nhà báo nổi tiếng trên trường quốc tế đến VN.

Khi đến "Quảng Bình đất lửa”, Dimitrova ở nhà khách giao tế trên đồi Đức Ninh.

Mỗi sáng thức dậy, cô đều thấy trên bàn có một lọ thủy tinh nhỏ cắm mấy bông hồng nhỏ rất xinh. Trong chiến tranh, hình ảnh đó gây nhiều cảm xúc lắm.

Một hôm, cô hỏi người phục vụ phòng và được biết, những bông hoa này được cắt từ một khóm hồng sót lại bên bức tường đổ nát. Dimitrova nhờ cô phục vụ dẫn ra, và thật ngạc nhiên, một bụi hồng rực rỡ trổ hoa giữa đống đổ nát hoang tàn. Cô bật lên: Ôi, thành phố Hoa Hồng của tôi!

Ông Trần Sự, sau này làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lúc đó là trung tá, tỉnh đội trưởng, có lần kể: Trong chiến tranh, nhiều việc giao cho quân đội đảm nhận, trong đó có việc đón tiếp và bảo vệ Dimitrova.

Lúc đó, chính ông chỉ đạo cho lãnh đạo nhà khách giao tế, bằng mọi giá, mỗi sáng, trên bàn phải có hoa và bữa ăn phải có bánh mì phết bơ. Và ông tự mình đi kiểm tra điều đó.

Trung tá Trần Sự là người nổi tiếng trong chiến tranh, không chỉ khả năng điều binh khiển tướng mà còn vì ông cực phong độ, cao to, đẹp trai có tiếng ở vùng đất lửa. Câu chuyện ông kể làm tôi tin, vì lúc đó nữ sĩ Dimitrova 45 tuổi nhưng chưa chồng và cực xinh gái. Ông không ga lăng mới lạ!

Ông Sự cũng nhớ câu chuyện cây hoa hồng nở hoa trên đống đổ nát và câu Dimitrova thốt lên. Sau này, chính ông Trần Sự là người thường gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng dù lúc đó nó vẫn còn là thị xã.

Trong ca khúc Phố biển tình anh, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã viết:

Là mảnh đất hương nồng

Một Đồng Hới hy vọng

Là thành phố hoa hồng

thanh khiết

Cho tình em thơm suốt cuộc

đời anh.

Xuân này, các đường phố Đồng Hới nhuộm một màu hồng đẹp đến ngỡ ngàng, như thể ta lạc vào một vườn cổ tích. Câu chuyện cổ tích sẽ được viết tiếp về một festival hoa hồng ở ngay TP mang tên nó.

Nữ thi sĩ bông hồng thép

Blaga Dimitrova sang VN với tư cách một nhà báo viết về chiến tranh.

Những tài liệu thu thập trong chuyến công tác năm 1967 ở VN, ngoài các bài báo, còn được Dimitrova sử dụng để viết 3 cuốn sách Ngày phán xử cuối cùng, Bầu trời dưới mặt đất và tập thơ Vây giữa tình yêu. Các tác phẩm này cũng như nhiều bài thơ khác của bà đã được dịch ra tiếng Việt và khiến cho nhiều bạn đọc VN thời ấy mê say.

Nhà thơ Xuân Diệu từng kể rằng, đọc Blaga, thậm chí ông "cảm thấy sợ”. "Chị ấy bay bằng tên lửa, còn mình thì đi bằng hai chân què của con vịt bầu”.

Trong các tác phẩm nói trên, Dimitrova gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng (dù trong chiến tranh Đồng Hới chỉ là thị xã).

Trong bài thơ Cô con gái và cái chết, khi chứng kiến một cô gái Quảng Bình tháo bom nổ chậm, Dimitrova viết:

Với những ngón tay thanh, những ngón tay thành thục

Một cô con gái

tháo nắp nóng bỏng của một trái bom

như cô nhổ răng trong mồm con cọp

Bộ máy nổ chậm rung động phập phồng

Và nhất định cuộc nổ toang

sẽ đến

Trái tim đập mạnh liên hồi

như sắp đến cuộc hẹn hò, yêu đương cuồng dại...

Viết về chiến tranh, về cái chết, chắc chẳng ai dám so sánh, ví von như bà.

Trong chuyến đi này, bà nhận một cháu bé ở Hải Phòng làm con nuôi và đưa về Bulgaria. Bà kết hôn với tổng biên tập một tờ báo nhỏ hơn mình 9 tuổi.

Năm 1992, bà trở thành phó tổng thống và từ chức sau hơn một năm vì bất đồng với tổng thống. Nhiều tư liệu chép lại, sau một cuộc tranh luận, bà bước ra khỏi phòng tổng thống và không bao giờ trở lại đó.

Trong đêm sinh sôi, đầy những mùi hương dược thảo

Câu hát mẹ ru tuôn

Như nhựa ngọt ngào…

Blaga đã viết về lời ru của người mẹ VN như thế trong bài thơ Điệu hát ru cho con. Và cảm hứng của bà khi gọi Đồng Hới, một TP đổ nát trong chiến tranh là thành phố Hoa Hồng cũng chính là lời ru rất ngọt ngào.

 

 

                     TheoThanhnien

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục