(HBĐT) - Ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, có những chàng trai "Tuổi 20 chưa từng hò hẹn/Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi”. Thế nhưng, tay luôn chắc cây súng, thề chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Tròn một năm kỷ niệm được đặt chân đến Trường Sa thân yêu, những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi lại bồi hồi, xúc động khi nghĩ đến hải trình 20 ngày cùng con tàu Kiểm ngư KN491 lênh đênh trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, giữa trùng điệp của sóng và gió. Nhớ những nụ cười nồng ấm, những cái ôm bịn rịn lúc chia tay; nhớ bàng vuông, nho biển, phong ba, bão táp - những loài cây biểu tượng nơi đầu sóng, ngọn gió; nhớ giậu mồng tơi, giàn mướp, luống rau muống tươi non trong thời tiết khắc nghiệt. Và nhớ một Trường Sa ngày càng "thay da, đổi thịt” với những người con đất Việt kiên trung.



Đảo Đá Tây A hiên ngang giữa mênh mông trùng khơi. 

Vững chãi giữa trùng khơi

Năm ngoái, chúng tôi rời quân cảng Cam Ranh khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống biển. Sau khoảng 20 phút rời bến, con tàu với lượng choán nước 2.400 tấn lắc lư mạnh trước những con sóng bạc đầu cao đến cả chục mét liên tục vỗ mạnh vào mạn tàu. Say sóng. Đó là trải nghiệm đầu tiên để chúng tôi bắt đầu hải trình đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu. Trong 24 giờ đồng hồ đầu tiên, sự háo hức, hồi hộp chờ đợi trước lúc tàu rời bến, được thay bằng những cuộc vật lộn bởi những cơn say sóng. Gần 2 ngày, khi đã quen dần với sóng và gió, chúng tôi gặp những chiếc tàu đánh cá đang hoạt động với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên boong. Cách đó xa xa, đảo Đá Lát hiện ra    vững chãi, sừng sững giữa mênh mông biển cả. Đá Lát là điểm đến đầu tiên của hải trình.  

Gặp gỡ, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ khoảng hơn giờ đồng hồ, chúng tôi chào tạm biệt Đá Lát để đến với đảo tiếp theo là đảo Trường Sa Lớn. Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông là hai đảo nổi lớn nhất của tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa. Những đảo, điểm đảo khác là đảo chìm được xây dựng trên những bãi đá ngầm, hoặc rạn san hô. Đến đảo chìm hay đảo nổi, dù gặp gỡ chỉ mươi phút, hay lưu trú lại 1 - 2 ngày, với chúng tôi đảo nào cũng ấm tình quân dân, cũng hiên ngang, vững chãi và là biểu tượng cho tinh thần, ý chí thép của con dân đất Việt để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Quần đảo Trường Sa ngày càng "thay da, đổi thịt”. Quân dân Trường Sa ngày càng anh dũng, kiên cường, lớn mạnh trong tình thương yêu của quân dân cả nước và sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của Đảng, Nhà nước” - Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết. 

"Mấy năm trước, âu tàu nhỏ, đảo chỉ có những ngôi nhà nhỏ. Nay trở lại, âu tàu rộng lớn được xây dựng kiên cố, đảo đã thay đổi rất nhiều. Thật tự hào" - nhà báo Thành Long, Báo Khánh Hòa thốt lên khi đặt chân đến đảo Đá Tây A, nơi được gọi là "thành phố" của đảo chìm. Quần đảo Trường Sa có 4 âu tàu, 2 trong số đó nằm ở đảo Trường Sa Lớn và Đá Tây A. "Từ khi âu tàu được xây dựng, gặp giông bão, chúng tôi vào tránh trú an toàn. Tại đây, còn có nước ngọt, xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Nhờ đó, ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi, bám biển để đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Nguyễn Văn Kiên (Nghệ An), ngư dân đánh bắt cá ở khu vực đảo Đá Tây chia sẻ. 

Hai ngày lưu trú trên đảo Trường Sa Lớn đã giúp chúng tôi trải nghiệm về sự đổi thay của quân dân nơi đầu sóng. Âu tàu, hạ tầng về đường, điện, nhà cửa, trường học, trạm xá đều được xây dựng khang trang. Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: Trước đây, đời sống của quân dân ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nước ngọt, điện, rau sạch đều phải phụ thuộc vào đất liền. Ngày nay, nhờ các hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt đảo đã có đủ nước. Có nước ngọt cũng là điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sỹ tăng gia sản xuất, rau củ tự trồng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng trên đảo. Điện cũng đã cơ bản đảm bảo nhờ hệ thống điện gió. Đó là những yếu tố quan trọng để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, là chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.




                         Chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn tuần tra, canh gác biển, đảo của Tổ quốc.


Canh giữ mùa xuân cho đất nước

Đi biển vào những ngày cuối năm là vất vả, vì biển động dữ dội nhất trong năm. Thế nên, cuộc gặp gỡ với những bà con mình, với cán bộ, chiến sỹ của mình ở nơi đảo xa mới thật thêm ý nghĩa. Ý nghĩa hơn là được đón Tết cổ truyền của dân tộc giữa mênh mông trùng khơi. Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi bồi hồi nhớ về cái Tết ấm áp tình quân dân, thân thuộc, gần gũi mà cũng nhiều nét độc đáo chỉ nơi đảo xa mới có. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, những thứ đặc trưng của Tết Việt đều có ở Trường Sa. Có điều, trên mâm ngũ quả, ngoài những loại quả thân thuộc còn có thêm chùm nho biển, những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông cũng thật độc đáo. Bà con nơi đảo xa cũng có những chậu quất, cành mai, giò phong lan để "chơi Tết”, tất cả được gửi ra từ mọi miền của Tổ quốc. "Mỗi dịp Tết đến, chúng tôi được Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước gửi quà ra đảo. Thế nên, Tết ở trên đảo ấm áp, đầy đủ hương vị như ở đất liền. Ngày Tết, chúng tôi cũng xông nhà, đi lễ chùa cầu bình an đầu năm mới, tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí” - chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, cư dân đảo Trường Sa Lớn chia sẻ. 

Tết trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thật thiêng liêng. Sáng mùng 1 Tết, quân dân trên đảo chào đón ngày đầu tiên là Lễ chào cờ đầu năm mới và duyệt đội danh dự. Trên đường băng sân bay giữa đảo Trường Sa Lớn, quân dân Trường Sa diễu hành oai phong, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay, miệng hô vang khẩu hiệu, thề chiến đấu, hy sinh để bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếng chuông chùa ngày mùng 1 Tết, những lời chúc tụng đầu năm mới. Ra đảo nhưng cảm giác như đang đón Tết ở nhà.

"Vui xuân không quên nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn nhấn mạnh. Một năm đã trôi qua kể từ ngày chào tạm biệt Trường Sa về đất liền, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được những thông tin về nơi đảo xa thân thương qua Vùng 4 Hải quân. Những thông tin về cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, cấp cứu ngư dân gặp nạn. Quân dân Trường Sa anh hùng vẫn ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc, giữ cho những mùa xuân xanh thắm nơi trùng khơi đầy nắng và gió. 


Viết Đào

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục