(HBĐT) - Mỗi khi có dịp là 2 cô con gái người Lào được gia đình ông Lường Song Toàn ở Chiềng Sại, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) nhận nuôi trong những năm tháng đói ăn, thiếu mặc lại trở về vùng đất Mai Châu thăm những người thân như một phần máu thịt của cuộc đời...

Xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) - nơi ghi dấu câu chuyện cảm động về mối quan hệ Việt - Lào khi nơi đây có những đứa con từ bên kia biên giới được nuôi lớn.

Mối tình không biên giới

Những năm tháng còn công tác, đồng chí Khà Phúc Giằng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu thường xuyên qua lại với những người đồng chí, người anh em phía bên kia biên giới. Ông cho biết, do có mối quan hệ khá tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ nên từ xa xưa, Nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu và Nhân dân các tỉnh vùng biên giới Lào đã có sự giao lưu kinh tế, văn hóa. Đặc biệt, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì cùng với sự phát triển của mối quan hệ, tình hữu nghị Việt - Lào, mối quan hệ giữa Nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu với Nhân dân các tỉnh vùng biên giới của Lào cũng tiếp tục có những bước phát triển mới, vượt bậc. "Đó là mối quan hệ, tình hữu nghị không thể mang ra đong đếm được. Nó vượt lên trên mối quan hệ đồng chí, đồng đội để trở thành mối quan hệ đoàn kết, gắn bó ruột thịt như tình anh em”- đồng chí Khà Phúc Giằng chia sẻ. Như câu chuyện cảm động của gia đình ông Lường Song Toàn ở Chiềng Sại, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) chúng tôi đề cập ở trên. Nhà thơ Lò Cao Nhum, xóm Lác, xã Chiềng Châu từng chứng kiến câu chuyện cảm động này chia sẻ: Trong những năm tháng đói ăn, thiếu mặc, gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng gia đình ông Lường Song Toàn vẫn nhận nuôi 2 cháu bé gái người Lào mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dù còn khó khăn nhưng gia đình ông Toàn vẫn cố gắng cho 2 cô con gái nuôi mang về từ bên kia biên giới ăn học đến nơi đến chốn. Không phụ công cha mẹ, cả 2 cô gái người Lào đã thi đỗ và học xong Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Sau cả 2 cô đều trở thành nghệ sĩ của đoàn Nghệ thuật Quân đội quốc gia Lào. "Nhiều dịp, tôi và những người dân  trong bản vẫn thấy họ trở về thăm lại gia đình cha mẹ nuôi như những đứa con ruột thịt, ấm áp nghĩa tình...”, nhà thơ   Lò Cao Nhum chia sẻ thêm.

Không chỉ vậy mà theo đồng chí   Khà Văn Nhút, Bí thư Đảng ủy xã Nà Phòn, những năm 1960, Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu được sơ tán vào khu vực xóm Nhót. Tại đây, những người dân địa phương đã được đón tiếp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc gặp    gỡ và làm việc của đồng chí Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và đồng chí Souphanouvong, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào tại Mai Châu. Sau cuộc gặp quan trọng ấy, Nhân dân Mai Châu thường xuyên tổ chức bảo vệ cho Chủ tịch Souphanouvong và nhiều cán bộ cấp cao của Lào đi lại trên con đường 15 lịch sử.

Thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết

"Trong cuộc kháng chiến chống   thực dân Pháp xâm lược, với vị trí chiến lược quan trọng, đồng bào các dân tộc Mai Châu ngoài nhiệm vụ tham gia chiến đấu và phục vụ mặt trận Tây Tiến còn hăng hái góp sức cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cả nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả là tham gia chiến đấu, giúp đỡ cách mạng Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung” - đồng chí Khà Phúc Giằng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết.

Là địa bàn nằm trên trục đường chính đoàn quân Tây Tiến hành quân qua và chiến đấu. Được giao nhiệm vụ phục vụ mặt trận như sửa đường số 6, đường số 15 và hệ thống kho tàng dự trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân y tiền phương, thành lập một đội tự vệ chiến đấu có tinh thần trách nhiệm cao, biết tiếng Thái, tiếng Lào, thông thạo đường rừng từ Mai Châu lên Sầm Nưa... Nhận nhiệm vụ, chỉ trong 1 tháng, toàn huyện Mai Châu đã huy động nhân dân xây dựng được 200 lán trại cho bộ đội nghỉ chân, làm 20 kho chứa lương thực, thực phẩm, vũ khí trên dọc đường 15.

Sau khi xây dựng được hệ thống căn cứ hậu cần tại Mai Châu, theo chủ trương chiến lược của trên, đội vũ trang tuyên truyền Pathet Lào vượt biên giới sang Việt Nam để phối hợp với các đơn vị bộ đội Việt Nam thành lập đội vũ trang tuyên truyền liên quân Việt - Lào. Tháng 2/1947, đại đội vũ trang của hai nước đã hội tụ tại phố Vãng. Núi rừng Mai Châu và bà con dân tộc địa phương đã chứng kiến sự ra đời của đội vũ trang liên quân của hai nước. Trong vòng 2 tháng, đội vũ trang tuyên truyền liên quân Việt - Lào đã hoạt động sôi nổi trên vùng biên giới Việt - Lào, dọc sông Mã, từ phố Vãng tới Vạn Mai, qua Quan Hóa, để lại trong lòng Nhân dân địa phương những ấn tượng sâu sắc. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Mai Châu lại chứng kiến những trang sử thể hiện tình hữu nghị Việt - Lào khi đây là trạm trung chuyển hàng hoá, thực phẩm, đạn dược, thuốc men từ cảng Hải Phòng về Sầm Nưa. Từ Suối Rút đến Vạn Mai, nhiều địa điểm được dùng làm kho vũ khí, bãi đỗ xe cho quân đội Lào dọc tuyến đường 15. Đặc biệt, thời kỳ này Mai Châu cũng trở thành hậu cứ, đặt trường đào tạo, huấn luyện cán bộ cho Lào... Tiếp bước truyền thống quý báu đó, sau chiến tranh, huyện Mai Châu đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm sang giúp các huyện còn nhiều khó khăn của Lào. Trong đó, 4 đồng chí làm chuyên gia về lĩnh vực kinh tế tại tỉnh Luang prabang, gồm 2 kỹ sư nông nghiệp; 2 chuyên gia quản lý kinh tế nông nghiệp cấp huyện, cấp xã; 1 chuyên gia xây dựng lực lượng quân sự địa phương. Theo đồng chí Hà Công Nghị, Phó Bí thư TT Huyện ủy Mai Châu, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù chưa có nhiều hoạt động giao lưu kinh tế nổi bật nhưng giữa huyện Mai Châu và các huyện Viêng Xay, Sốp Bâu thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào) vẫn thường xuyên có sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thắt chặt mối quan hệ tình thân, góp phần thắp sáng mãi mối tình Việt - Lào thủy chung, son sắt. 

 Mạnh Hùng


Các tin khác


Đưa nhãn Sơn Thủy vươn xa

(HBĐT) - Những ngày tháng 8, có mặt tại vùng trồng nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) dễ dàng bắt gặp những nụ cười trên khuôn mặt người nông dân đang khẩn trương thu hái nhãn cho kịp chuyến hàng. Không khí nhộn nhịp, vui vẻ lan tỏa khắp xóm, thôn. Những nông dân thoăn thoắt bẻ nhãn như quên cả mệt nhọc, bởi năm nay nhãn được mùa, được giá. Đặc biệt, vượt qua những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật canh tác và an toàn thực phẩm (ATTP), 1 tấn nhãn Sơn Thủy tươi lần đầu tiên xuất khẩu thành công sang thị trường EU.

Chuyến đi đặc biệt đến với “Trường Sa trên biển Bắc”

(HBĐT) - Tính cho đến giờ tôi vẫn được xem là người may mắn khi là phóng viên "dân sự” đầu tiên và duy nhất của Báo Hòa Bình được đi thăm và tác nghiệp trên tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc. Tôi vẫn gọi đó là một chuyến đi đặc biệt...

Chuyện phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch

(HBĐT) - Giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh ta, dịch đã tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Là những người "chép sử của thời đại”, hàng chục phóng viên trên địa bàn tỉnh lao vào những điểm nóng, dấn thân tác nghiệp giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Những kỷ niệm với nghề báo

(HBĐT) - Không gì nhanh bằng thời gian, mới đó cũng đã gần 6 năm tôi gắn bó với nghề báo và làm việc tại một cơ quan báo Đảng tỉnh. Khoảng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng cho tôi nhiều trải nghiệm trong nghề với những kỷ niệm khó quên, là động lực để tôi cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày, từ trau dồi thêm kiến thức đến bản lĩnh người làm báo cần rèn giũa. Để mỗi khi nhớ lại những ngày đầu làm báo, tôi lại thấy thêm yêu nghề hơn, bởi nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề giúp tôi ngày một trưởng thành.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 3 - Chi bộ "lớn” phải là chi bộ mạnh

(HBĐT) -  Chi bộ đông đảng viên (ĐV) có nhiều thuận lợi trong việc triển khai công việc, phát động các phong trào thi đua để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng tại đơn vị, khu dân cư. Tuy nhiên, với những khó khăn phát sinh và mô hình hoạt động tự phát mỗi nơi một kiểu như hiện nay đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt. Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng cấp ủy nói chung, đặc biệt là cấp ủy những chi bộ đông ĐV nói riêng cũng như vấn đề chế độ, chính sách cho đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ Đảng (TTTĐ) rất cần được quan tâm thỏa đáng. Tất cả để hướng đến mục tiêu chi bộ lớn phải là chi bộ mạnh, là những cánh chim đầu đàn trong công tác xây dựng Đảng.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 2 - Nhiều khó khăn phát sinh đối với chi bộ đông đảng viên

(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi, dân cư sống thưa thớt, sau sáp nhập xóm, tổ dân phố, nhiều xóm, khu dân cư mới có diện tích rộng, đảng viên (ĐV) đông lại sống rải rác gây không ít khó khăn trong công tác quản lý ĐV. Ngoài ra, vì ĐV quá đông, cơ sở vật chất các nhà văn hóa khu dân cư chật hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vấn đề xếp loại chất lượng sinh hoạt và đánh giá, xếp loại chi bộ hàng năm ở những chi bộ đông ĐV cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục