Hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn, chất lượng, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, hiệu quả.
Là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đầu tư vào huyện Lạc Thủy, sản phẩm dưa lưới Inchiba xanh Nhật Bản của Công ty CP đầu tư nông nghiệp CNC Trường Thịnh, xã Thống Nhất được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ kỹ thuật công ty cho biết: Với tổng diện tích 34 ha, công ty xây dựng 5 nhà màng CNC trồng dưa lưới, mỗi nhà 2.000 m2, trồng được 4.600 gốc dưa. Toàn bộ nhà màng vận hành tự động thông qua tủ điều khiển trung tâm và ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc hiện đại như: Sử dụng máng cách ly, khay thu hồi nước để hạn chế nấm, bệnh phát triển trong vườn; công nghệ tưới nhỏ giọt có bù áp giúp cây phát triển đồng đều, hệ thống quạt giúp điều chỉnh nhiệt độ... Công nhân làm việc ở đây cũng được đào tạo bài bản và có chứng chỉ về vệ sinh ATTP.
Được sản xuất theo quy trình GlobalGAP nên quả dưa lưới khi thu hoạch luôn đạt chất lượng tốt. Trước khi thu hoạch, sản phẩm được cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, độ ngọt và dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QRcode; giá bán trên thị trường hiện đạt 75.000 đồng/kg. Dưa lưới Ichiba xanh được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình trong các cửa hàng hoa quả sạch, hoa quả nhập khẩu và hệ thống các siêu thị.
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Để từng bước hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng CNC, hướng tới mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp huyện đã và đang nỗ lực thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, khuyến khích bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào. Đến nay, tỷ lệ diện tích trồng trọt chứng nhận VietGAP, ATTP toàn huyện chiếm 32,5%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi tập trung chứng nhận VietGAP chiếm 8%.
Xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp sản xuất cho các nông hộ, tổ hợp tác, HTX nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Việc chỉ đạo, định hướng sản xuất nông nghiệp thời gian qua có sự thống nhất từ tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn và nông hộ; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong thực hiện được chú trọng. Nhờ đó, các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX ngày càng có tư duy tiến bộ, mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với nhau tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường. Các mô hình kinh tế tập thể, nông hộ khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chất lượng sản phẩm dần nâng lên, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, tại các địa phương dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao và trên 100 chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, ATTP như: Chuỗi chế biến măng các loại của Công ty CP Kim Bôi (Kim Bôi); chuỗi cam các loại của HTX Nông trại xanh Gfarm Việt Nam (Lạc Thủy)...
Nông sản vùng núi vươn ra thế giới
Cùng với việc hình thành những vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) được coi là điều kiện tiên quyết, "tấm vé” thông hành để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản tỉnh qua con đường chính ngạch. Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu nông sản tăng dần qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, kiểm soát ATTP, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản của nông sản tỉnh. Đến nay, đã có 21 MSVT được cấp cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha trong toàn tỉnh.
Những tháng đầu năm 2023, sản phẩm mía trắng do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính trên thế giới. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định chất lượng và tiềm năng phát triển của loại nông sản đặc trưng của tỉnh miền núi.
Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty cho biết: Với trình độ thâm canh của nông dân ngày càng được nâng lên, hoàn toàn có thể mở rộng kinh doanh các sản phẩm từ mía mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, công ty đã nỗ lực đưa sản phẩm mía Hòa Bình tới các thị trường Đức, Hàn Quốc, Canada, các nước EU... Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa cây mía tới nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa, công ty đang nghiên cứu để từng bước ra mắt thị trường sản phẩm nước mía ép, nước mía đóng chai cấp đông xuất khẩu. Thị trường hướng tới là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn, người sản xuất đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang những thị trường lớn. Năm 2022, 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản xuất khẩu (tăng 75% cơ sở so với năm 2021). Đến hết năm 2022, toàn tỉnh xuất khẩu 1.039 tấn sản phẩm trồng trọt; 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến và 35 triệu lon sản phẩm chế biến với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng (tăng 103,92% so với năm 2021). 5 tháng năm 2023, tỉnh tiếp tục xuất khẩu 500 tấn hoa quả tươi, gồm chuối tiêu hồng, mía trắng sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Canada...
Với kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nông sản hiệu quả, vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngành NN&PTNT đã chủ động nắm bắt, biến thách thức thành cơ hội. Những năm gần đây, các mặt hàng nông sản chủ lực không chỉ dừng chân ở thị trường trong nước mà từng bước vươn ra thị trường quốc tế với những đơn hàng đến từ các nước đối tác khó tính. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số nông sản tươi xuất khẩu còn khiêm tốn so với dư địa phát triển, tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
(Còn nữa)
Thu Hằng