(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.  Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh về kết quả chỉ số CCHC năm 2022. Nhìn tổng thể, từ năm 2016 - 2022, chỉ số CCHC của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Năm qua, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020.


>>  Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

 


Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Cường (Tân Lạc) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Đột phá trong chỉ đạo, điều hành

Điểm chỉ số Par Index được xác định bởi hai nhóm gồm: Điểm đánh giá của Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện CCHC và điểm điều tra xã hội học. Năm qua, các tiêu chí tăng điểm của tỉnh gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, cải cách tổ chức bộ máy; đánh giá một số tiêu chí về phát triển KT-XH; khảo sát lãnh đạo, quản lý đối với các lĩnh vực CCHC (đối tượng khảo sát đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo cấp huyện; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc sở).

Là đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2022, TP Hòa Bình có nhiều giải pháp thực hiện CCHC. Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt trong đẩy mạnh phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022. Kế hoạch gồm 46 nhiệm vụ chính trên tất cả các lĩnh vực CCHC, được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện. Thành phố đã hoàn thành 46/46 nhiệm vụ trong kế hoạch; không có nhiệm vụ nào hoàn thành quá hạn. UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác CCHC trên 6 lĩnh vực, trọng tâm là: Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo theo quy định; đẩy mạnh cải cách TTHC phục vụ người dân, tổ chức; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại...

Năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và BCĐ CCHC đã chỉ đạo quyết liệt về công tác CCHC. BCĐ CCHC tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và yêu cầu các ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC được chỉ ra qua kiểm tra; kịp thời khắc phục những chỉ số chưa đạt trong năm trước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, truyền thông về được thực hiện dưới hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, lan tỏa kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân và tổ chức. Một số ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số đơn vị tích cực nghiên cứu các giải pháp mới, thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Kết quả cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 của tỉnh đạt 89,23%, tăng 1,33% so với năm 2021. Lý giải thêm về kết quả này, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Do năm 2022, BCĐ CCHC của tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong chỉ số CCHC năm 2021. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra CCHC. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém... Tuy nhiên, số điểm còn lại chưa đạt là do nhiệm vụ công khai cập nhật TTHC chưa đạt yêu cầu, không công khai, cập nhật đầy đủ TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Năm 2022, chỉ có 1 sáng kiến mới trong CCHC được Hội đồng thẩm định chấp thuận, các sáng kiến còn lại chưa thể hiện sự đột phá khi triển khai. Đối với tiêu chí thành phần "Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp”, tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc đối thoại, nhưng không cung cấp được tài liệu kiểm chứng. Sở Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp cuộc đối thoại năm 2022 của lãnh đạo tỉnh với người dân huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình, thanh niên tỉnh và được Hội đồng thẩm định chấp nhận tính 1 điểm cho tiêu chí này...

Các tiêu chí phát triển KT-XH góp phần tăng điểm

Đánh giá một số tiêu chí về phát triển của tỉnh năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ CCHC tỉnh khẳng định: Các tiêu chí, lĩnh vực chưa đạt được hoặc đạt được ở mức thấp trong CCHC năm 2021 tiếp tục được cải thiện trong năm 2022. Nhiều lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể như công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tổ chức bộ máy và các tiêu chí về phát triển KT-XH. Chỉ số này đạt 82,46%, tăng 15,86% so với năm 2021. Để đạt được kết quả này là do mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 tăng so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng. Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp tăng so với năm 2021. Tỉnh đã đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu KT-XH. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,03%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá so sánh ước đạt 12.483 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 42.036 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 53.485 tỷ đồng, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437,2 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng... Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo; QP-AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh tăng về thứ bậc, nhưng điểm số giảm do việc điều chỉnh các nội dung thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần (đạt 86,30%), xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ số trung bình của cả nước đạt 84,79%, toàn quốc đạt 90,10%, thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 3,80%. So với tỉnh Bắc Giang là tỉnh đứng đầu các địa phương thuộc khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, chỉ số của tỉnh thấp hơn 2,24%; so với tỉnh Sơn La đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 0,48%. Việc đánh giá đúng những mặt còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC tỉnh năm 2022 là cần thiết để tỉnh triển khai các giải pháp duy trì thứ hạng, cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.

(Còn nữa)

 Hương Lan


Các tin khác


Huyện Yên Thủy giải bài toán phát triển tự phát và đầu ra cho nông sản: Bài 1 - Phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy không có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, cũng không có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ. Đời sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% giá trị nền kinh tế. Tuy nhiên, trên mảnh đất "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” này, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với nhiều khó khăn. Do phát triển tự phát nên diện tích nhiều loại cây trồng như cây ăn quả có múi, sắn, ngô… đang vượt quá quy hoạch, đầu ra gặp khó. Việc xúc tiến tiêu thụ nông sản chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, giá trị sản phẩm thấp. Do đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản là việc huyện Yên Thủy đang tích cực triển khai.

Nghe dân nói, làm dân tin

(HBĐT) - "Trường học bộ đội" ở xã Sơn Thủy, "Ngô bộ đội" ở xã Vân Sơn, "Giếng nước bộ đội" ở xã Hang Kia, "Đường bộ đội" ở xã Độc Lập... Những cái tên gần gũi mà sâu lắng, mộc mạc mà cao quý được Nhân dân đặt cho những công trình, việc làm bộ đội giúp đỡ dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng chính điều đó đã nói lên tình cảm cũng như ghi nhận của Nhân dân đối với việc làm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong những năm qua.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang: Bài 2 - Nỗ lực đón "sóng” đầu tư vào du lịch

(HBĐT) - Thu hút đầu tư được huyện Lạc Sơn xác định là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang: Bài 1 - Sức hút tài nguyên du lịch

(HBĐT) - Với nét văn hoá Mường đặc sắc, địa hình vùng cao với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu ôn hoà, huyện Lạc Sơn đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. 

Hành trình "4 sao" - Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống

(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

Hành trình 4 sao: Bài 2 - Cam quà tặng cao cấp 3T Farm - hành trình 3 tốt

(HBĐT) - Trên các diễn đàn khởi nghiệp, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong có lẽ là cái tên quen thuộc. Không chỉ được biết đến là người trồng cam lâu năm, chị Thủy còn là người đi những con đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm chỉ với một mong muốn duy nhất: nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao "Cam quà tặng cao cấp 3T farm" có tiếng thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục