(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.
Tập trung hiện thực hóa nghị quyết
Năm 2020 ghi dấu lịch sử khi huyện Kỳ Sơn và TPHB sáp nhập, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II. Việc sáp nhập mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho thành phố xứng tầm là trung tâm tỉnh. Thành phố mới có 10 phường, 9 xã, diện tích 348,65 km2, dân số trên 135.000 người. Với vị trí giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc, thành phố có nhiều điều kiện phát triển đô thị, du lịch, thương mại… Đó là những thuận lợi để nâng tầm đô thị loại II.
Song, khi "về chung một nhà” cũng đặt ra nhiều thách thức trong nâng chất lượng đô thị. TPHB được công nhận đô thị loại III năm 2006, từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ TPHB cũ đã phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020, nhưng sau sáp nhập phải đánh giá lại các tiêu chí. Thành phố thiếu các tiêu chí: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; mật độ dân số; cơ sở hạ tầng…
Với khát khao phát triển, Thành ủy đã lãnh đạo, ban hành chương trình hành động thực hiện NQĐH và các nghị quyết chuyên đề; Chỉ thị về tăng cường quản lý đô thị, đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB)… Quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm vì mục tiêu chung.
Tiêu biểu như Nghị quyết số 04-NQ/TH.U, ngày 20/4/2021 về xây dựng TPHB theo các tiêu chí đô thị loại II, hoàn thành trước năm 2025. Nghị quyết xác định 5 giải pháp để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu. Trọng tâm là huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; thu hút lao động, tăng quy mô dân số, mật độ dân số...
Hướng tới mục tiêu NQĐH, thành phố xác định rõ những việc trọng tâm. Đầu tiên là công tác quy hoạch, xác định TPHB là đô thị trung tâm tỉnh, vệ tinh Thủ đô Hà Nội, cầu nối vùng Thủ đô và Tây Bắc, có bản sắc riêng. Phó Bí thư TT Thành ủy Hoàng Văn Minh cho biết: Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHB đến năm 2045 trình cấp thẩm quyền quyết định; lập đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (đang lập 20 đồ án, diện tích khoảng 9.155 ha), Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; lập chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc… Từ quy hoạch "dẫn đường”, tìm nguồn lực đầu tư hạ tầng và quản lý theo quy hoạch. Tập trung thực hiện các dự án hạ tầng dở dang và mới khởi công, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, điện, nước, thu gom, xử lý nước thải, chất thải. Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, đẩy mạnh thu hút các dự án tiềm năng…
Thành ủy cũng lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TH.U về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, lãnh đạo quản lý các cấp trong công tác quản lý đô thị. Không để Nghị quyết trên giấy, các phường, xã kiểm tra, rà soát các trường hợp đảng viên vi phạm; tuyên truyền, vận động tự giác chấp hành, khắc phục. Qua rà soát có 1.030 đảng viên tại 18 phường, xã chưa thực hiện đúng các quy định về quản lý đô thị, đất đai. Đến nay, các đảng viên đã khắc phục, tháo dỡ công trình vi phạm, tạo hiệu ứng tốt trong thiết lập trật tự văn minh đô thị.
Để tổ chức thực hiện NQĐH, công tác cán bộ là khâu then chốt. Thành phố đẩy mạnh chuẩn hóa cán bộ phù hợp vị trí việc làm; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ. Thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong cải cách hành chính; ký cam kết trách nhiệm đầu năm giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với Chủ tịch UBND thành phố. 3 năm liền (2020 - 2022), thành phố đứng đầu tỉnh về chỉ số cải cách hành chính và hài lòng của người dân, tổ chức.
Diện mạo mới
Qua nửa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu đề ra dự kiến đều đạt và vượt chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ thành phố lần thứ II. Mục tiêu xây dựng TPHB trở thành đô thị loại II trước năm 2025 đang từng bước hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.
Thành phố đang "thay áo mới”, phát triển hài hòa, cân đối bên sông Đà. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh với nhiều công trình được đầu tư, cải tạo, xây mới như: cầu Hòa Bình 2, cầu Hòa Bình 3, tỉnh lộ 433, 435, đường Chi Lăng kéo dài nối quốc lộ 6… Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) đoạn qua TPHB, dự án mở rộng đường tránh quốc lộ 6... được khởi công. Các dự án mở đường mở ra không gian kết nối, phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân.
Hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại cũng được đẩy mạnh xã hội hóa. Nhiều khu dân cư, dự án nhà ở được xây dựng, tạo diện mạo mới. Người dân thành phố phấn khởi bên cạnh Quảng trường thênh thang có khu chung cư cao tầng, nhà phố, khuôn viên hiện đại. Đường đê Đà Giang mở rộng thành tuyến đường lung linh ánh điện, phố ẩm thực, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm… Các dự án khu, cụm công nghiệp Bờ trái sông Đà, Bình Phú, Yên Quang tiếp tục thu hút các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao, tạo nhiều việc làm, tăng quy mô dân số, nhiều nông dân đã thành công nhân. Xã Dân Chủ, Thống Nhất, Trung Minh và thị trấn Kỳ Sơn cũ đã nâng cấp lên phường. 6/7 xã còn lại đã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao… Vấn đề vệ sinh môi trường dần được giải quyết, rác thải sinh hoạt được vận chuyển đúng giờ quy định; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 92%, đạt yêu cầu đô thị loại II...
Là người gắn bó với dòng Đà Giang, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, tổ 9, phường Đồng Tiến cảm nhận rõ "bức tranh” thành phố có những nét vẽ đột phá từ các công trình mới. Bà Minh chia sẻ: "Từng tận dụng bờ sông để trồng rau, khi được vận động, tôi và các nhà hàng xóm liền tự nguyện thu dọn. Chỉ trong thời gian ngắn, bờ sông rậm rạp đã sạch đẹp, nở hoa, thành nơi đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Nhiều gia đình, khu phố hưởng ứng phong trào chỉnh trang không gian thêm sáng, sạch đẹp, văn minh”.
Cùng với đổi thay trong diện mạo là những chuyển biến trong cơ cấu, trình độ phát triển KT-XH và chất lượng cuộc sống của người dân. Ước đến ngày 30/6/2023, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 17,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,4 triệu đồng. Tổng thu NSNN đạt 425,9 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa 78,33%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Ước năm 2023, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên 70%; hộ nghèo giảm còn 1,18%.
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Nguyễn Việt Hùng cho biết: Thành phố đã đạt 3/5 tiêu chí đô thị loại II và dự kiến đạt 74,58/100 điểm theo quy định. Cụ thể, đạt các tiêu chí: vị trí, chức năng, vai trò đô thị; cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH; quy mô dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thắng nhận định: Những thành tựu trên có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng, thế và lực để thành phố hoàn thành thắng lợi mục tiêu NQĐH Đảng bộ lần thứ II đề ra.
(Còn nữa)
Cẩm Lệ