(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù. Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định.
Các ngành chức năng và chủ đầu tư bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn xây dựng khu công nghiệp Bình Phú, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình.
Số dự án đầu tư vào các KCN chưa nhiều, vốn đăng ký đầu tư nhỏ; công tác GPMB chậm, quỹ đất sạch để thu hút đầu tư chưa nhiều. Số KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung ít. Hầu hết các KCN phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng do quy hoạch chưa đồng bộ với quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, chưa bố trí quỹ đất để đầu tư thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân. Công tác hỗ trợ, bồi thường, GPMB và tái định cư (TĐC) còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, thay đổi liên tục dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng hạn chế dẫn đến tiến độ đầu tư hạ tầng một số KCN chậm, kéo dài; vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển các KCN chưa nhiều. Hầu hết việc triển khai đầu tư hạ tầng KCN đều chậm so với kế hoạch. Như KCN Yên Quang, TP Hòa Bình nằm ở vị trí chiến lược, thuận lợi về giao thông, do Công ty CP An Việt Hòa Bình làm chủ đầu tư, tổng diện tích lập quy hoạch 200,1 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng trên 1.600 tỷ đồng. Do những khó khăn về GPMB, TĐC và các thủ tục liên quan theo quy định, đến nay, KCN Yên Quang đã phải điều chỉnh gia hạn kế hoạch hoàn thành, chậm hơn nhiều so với yêu cầu và chưa thu hút được nhà đầu tư (NĐT) thứ cấp. Theo chủ đầu tư, nhiều vị trí có hiện trạng đất vườn và trồng cây lâu năm nằm xen kẽ với đất thổ cư, nên không GPMB vì không thể triển khai giải phóng riêng rẽ đất thổ cư và đất vườn. Nhiều trường hợp người dân canh tác ổn định, lâu dài trên đất sông suối, kênh mương, người dân không đồng thuận và yêu cầu bồi thường về đất... Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, NĐT đang phối hợp giải quyết những vướng mắc về mặt bằng, tiến hành đầu tư xây dựng để kịp thời thu hút NĐT thứ cấp trong năm 2023.
KCN Mông Hóa (KCN Bình Phú), TP Hòa Bình có NĐT đang triển khai và đã đầu tư một số hạng mục hạ tầng. NĐT mới đang tiếp quản, giải quyết các thủ tục liên quan để tiếp tục triển khai GPMB, đầu tư hạ tầng và thực hiện các thủ tục theo quy định để thu hút đầu tư.
KCN Nam Lương Sơn, huyện Lương Sơn được quy hoạch 204 ha, với 3 dự án sản xuất - kinh doanh, trong đó có 2 dự án nhà máy xi măng (Trung Sơn, Vĩnh Sơn) chiếm diện tích khoảng 96ha; trong ranh giới quy hoạch có khoảng 1.140 ngôi mộ và 250 hộ sinh sống (khó khăn trong công tác GPMB), do đó, việc thu hút NĐT hạ tầng rất khó khăn do suất vốn đầu tư cao (phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho cả 2 nhà máy xi măng và di dời đất ở). UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với UBND huyện Lương Sơn và các đơn vị liên quan rà soát hiện trạng, điều chỉnh theo hướng tách 3 dự án ra khỏi KCN Nam Lương Sơn để thuận lợi thu hút đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên hiện nay chưa thống nhất được ranh giới dự kiến điều chỉnh quy hoạch, do đó chưa triển khai được các công việc tiếp theo...
Theo Ban chỉ đạo phát triển hạ tầng KCN, CCN tỉnh, công tác GPMB là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Việc cập nhật, điều chỉnh biến động đất đai chưa kịp thời dẫn đến hiện trạng sử dụng đất không khớp với hồ sơ quản lý địa chính, phải điều chỉnh, đo đạc, biên tập lại hồ sơ trích đo nhiều lần trong quá trình thực hiện GPMB. Một số trường hợp người dân canh tác ổn định thời gian dài trên đất ven sông suối, mương thủy lợi, khi Nhà nước thu hồi đất thì yêu cầu được đền bù về đất, không đồng thuận với phương án bồi thường do Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố lập theo quy định (chỉ hỗ trợ về cây cối, hoa màu canh tác trên đất). Việc triển khai xây dựng các khu TĐC phục vụ công tác GPMB còn chậm, một số dự án chưa bố trí TĐC. Một số hộ chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và quyết định thu hồi đất do không đồng ý với đơn giá bồi thường. Đối với công tác đầu tư hạ tầng một số CCN cũng kéo dài nhiều năm, không đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch do vướng đền bù GPMB; một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để dành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi nhuận; nhiều diện tích đất chậm triển khai, không được đưa vào sản xuất. Nhiều đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định tại CCN...
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sớm khởi công dự án thu hút NĐT thứ phát phát triển công nghiệp theo quy hoạch bền vững. Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 61-CT/TU, ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính đầy đủ, kịp thời, đảm bảo hồ sơ địa chính phù hợp hiện trạng sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý hiện trạng sử dụng đất ngay sau khi KCN, CCN được phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất không phép, trái phép; kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ để tham mưu trình cấp thẩm quyền gia hạn hoặc thu hồi các quyết định đã giao đất, cho thuê đất mà không tiến hành xây dựng hoặc xây dựng dang dở, tránh lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Có giải pháp tập trung nguồn vốn NSNN đầu tư một số hạng mục công trình thiết yếu tại các KCN. Nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động tại CCN, tiếp tục đảm bảo thực hiện ổn định các chính sách ưu đãi dành cho CCN.
Tiến hành kiểm tra, thẩm định, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp để xác định năng lực đầu tư, tránh tình trạng để dự án treo và một số doanh nghiệp đăng ký quy mô, lập hồ sơ xin cấp đất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất cho các dự án phát triển khu, CCN; kịp thời điều chỉnh các quy định, chính sách đền bù, hỗ trợ và TĐC đối với các loại đất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh sự sai khác về diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích thực tế qua trích đo hiện trạng. Khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng các khu, CCN. Tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về giao đất, cho thuê đất, cam kết GPMB giao đất cho NĐT thực hiện dự án, chính sách về miễn giảm thuế; hỗ trợ một số công trình thiết yếu; thành lập đường dây nóng hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho NĐT trong quá trình thực hiện dự án nhằm tăng mức độ hấp dẫn thu hút các NĐT.
(Còn nữa)
Lê Chung