Toàn bộ sản phẩm măng của Công ty cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) được sản xuất với quy trình khép kín, theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hạn chế trong nhiều khâu
Nhiều năm nay, dù các địa phương đã rất nỗ lực trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhưng nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn nhỏ lẻ. Việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản còn khiêm tốn. Quy mô, diện tích thực hiện DĐĐT tại một số xã, thị trấn còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính do cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc, chưa tạo được sự thống nhất trong Nhân dân.
Đầu năm 2023, cam Cao Phong được xuất khẩu sang thị trường Anh. Đây là tín hiệu đáng mừng sau hơn 8 năm nỗ lực gìn giữ, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để đáp ứng được những đơn hàng với số lượng lớn, cần đảm bảo chất lượng quả tại các vườn cam phải đồng đều, đáp ứng được những tiêu chuẩn về ATTP của phía đối tác. Nhằm sớm khắc phục những hạn chế, huyện đang tập trung thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị tham gia gặp không ít khó khăn về nguồn lực tài chính, đặc biệt là tạo quỹ đất. Ngoài ra, đơn hàng cam sau khi cập bến thị trường Anh chỉ tiêu thụ được khoảng 70%, số quả còn lại bị xước hoặc dập, không giữ được chất lượng ban đầu. Do đó, để chinh phục được các thị trường cao cấp như châu Âu cần có chiến lược lâu dài, bài bản và hiệu quả.
Không chỉ riêng cam Cao Phong mà một số nông sản đã được xuất khẩu từ mía, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy đến bưởi diễn Yên Thủy cũng chưa đáp ứng đủ số lượng nếu có đơn đặt hàng lớn. Để hoàn thành những đơn hàng của đối tác thời gian qua, các đơn vị xuất khẩu, ngành chuyên môn đã phải lựa chọn kỹ tại từng vườn trồng trong vùng sản xuất mới đảm bảo đủ số lượng. Bên cạnh đó, đa số nông sản được tiêu thụ ở dạng tươi, chủng loại chưa phong phú, số sản phẩm xuất khẩu đã qua sơ chế, chế biến sâu chưa nhiều. Nguyên nhân do một số vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được hình thành nhưng chưa tổ chức bài bản, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Có thể thấy rõ nhiều tồn tại, hạn chế cản trở xuất khẩu nông sản của tỉnh như: Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát ATTP; tính cạnh tranh của nông sản chưa cao; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết; trình độ thâm canh ở các địa phương chưa đồng đều; việc xây dựng mã số vùng trồng cũng mới được quan tâm vài năm trở lại đây; một số vùng nguyên liệu chưa được tổ chức bài bản; mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp...
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội cũng là thách thức đối với sản phẩm nông sản. Để chinh phục được những thị trường khó tính, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông sản của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đề ra phương châm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 31/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Trong đó, phấn đấu tốc tộ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5-5%.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Sở NN&PTNT tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trọng tâm là thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực; đồng bộ các khâu kỹ thuật trên cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng KH-CN, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh theo chuỗi. Thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đổi mới hình thức sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất quy mô trang trại. Đẩy mạnh cơ giới hóa và mở rộng vùng nguyên liệu có lợi thế phục vụ chế biến...
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT, UBND huyện Lạc Sơn, Yên Thuỷ, Công ty CP nông nghiệp hữu cơ Fusa vừa ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược về việc phối hợp thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu (VNL) nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, các bên cùng tham mưu cấp thẩm quyền cân đối bố trí nguồn lực, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả đề án theo đúng mục tiêu đề ra. Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa tham gia liên kết phát triển sản xuất VNL và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại địa bàn tỉnh. Ngoài diện tích liên kết trong đề án, công ty có thể tổ chức phối hợp các HTX thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị ưu tiên hỗ trợ phát triển các HTX tại VNL nhằm phát triển VNL, hình thành liên kết sản xuất - tiêu thụ với công ty; chỉ đạo tăng cường hoạt động khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến toàn tỉnh đạt trên 30%.
Trong buổi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Sở NN&PTNT, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành NN&PTNT tập trung vào 6 lĩnh vực đối với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Tiếp tục thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Quan tâm xây dựng sản phẩm và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm. Đầu tư khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản. Hoàn thành đề án hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu...
Thu Hằng