(HBĐT) - Mặc dù biết tác hại của việc kích giun đất nhưng vì lợi nhuận cao nên "giun tặc” vẫn phóng điện xuống đất và các lò sấy giun vẫn đỏ lửa để sấy bán cho các đầu nậu ở tỉnh khác.

>> Bài 1 - Bức xúc "giun tặc”

>> Bài 3 - Vào cuộc cứu giun, cứu đất, cứu cây 


 Phóng viên thâm nhập lò sấy giun ở vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi).


Sấy dễ, công cao, làm liều

 Cuối tháng 7/2023, chúng tôi lên vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) - nơi được biết có nhiều lò sấy giun đã từng hoạt động, tạm dừng và nay hoạt động trở lại. Con đường dẫn lên Thung Rếch không lớn nhưng đã được rải nhựa thuận lợi đi lại. Đây cũng là tuyến đường các đối tượng kích giun đem bán cho các chủ lò và vận chuyển giun khô. Vùng cao này tách biệt với vùng còn lại của xã, gồm 3 xóm: Thung Dao Bắc, Thung Mường, Kim Bắc.

Một chủ lò sấy giun (xin được giấu tên) ở xóm Kim Bắc dẫn chúng tôi mục sở thị 2 lò sấy ở góc vườn và góc nhà. Thiết kế lò khá đơn giản, chỉ chừng 10 m2/lò, quây kín các tấm tôn và lắp dàn sắt gác các tấm lưới phơi giun lên. Phía dưới để trống đưa củi vào sấy. Bên cạnh lò sấy là khu mổ giun tươi cũng với đồ nghề khá đơn giản, gồm máy mổ, lưỡi dao rọc dấy, vòi rửa. Một tạ giun mổ cũng chỉ hết khoảng 1,5 giờ. Nước thải chảy tự do xuống phía dưới khu đất vườn.

Theo chủ lò sấy trên, việc kích giun bắt đầu từ năm 2018, đến cuối năm 2019 rộ lên. Sau đó, do dịch Covid-19 và cơ quan chức năng ngăn chặn nên tạm lắng, năm nay lại đốt lò sấy. Giun đồi sống loại to hiện mua với giá 62.000 đồng/kg, giun vườn, giun đồng loại nhỏ hơn 50.000 đồng/kg. Mỗi mẻ sấy giun bằng củi khoảng 4 giờ. Trung bình khoảng 10 kg giun tươi nếu sấy khéo được 1 kg giun khô; giun đồng khoảng 12 kg được 1 kg giun khô. Mỗi kg giun khô bán cho đầu nậu ở tỉnh Vĩnh Phúc gần 800 nghìn đồng. Sấy giun lãi hơn sấy ngô, lợi nhuận cao nên làm.

Cùng với 2 lò sấy, gia chủ cũng có 2 máy kích giun, ký hiệu hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, không có nhãn tiếng Việt. Bộ đồ nghề kích giun gồm máy kích, ắc quy, que sắt để phóng điện xuống đất và xô, sọt đựng. Mua máy kích rất đơn giản, chỉ việc lên trang mạng đặt hàng, rồi người ta ship (chuyển) máy về tận nhà, giá khoảng 5 triệu đồng/cái. Trước đây, đầu nậu thường cung cấp máy kích giun cho người dân, nhưng nay nhiều người tự mua máy kích.

Khi kích giun xong phải bán giun tươi luôn, vì để lâu sẽ chết, chủ lò không muốn mua vì giun chết khó mổ, sấy hao. Từ lúc bị lôi lên khỏi mặt đất mấy tiếng sau phải bán, nếu để trong xô chật, giun cọ vào nhau hết chất nhớt sẽ chết nhanh. Vì vậy, những người khi đi kích giun thường gọi điện hẹn trước với chủ lò sấy.

Có cầu ắt có cung, trong khi đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đi phụ hồ chỉ 300 nghìn đồng/ngày công thì việc đi kích giun, sấy giun bán là siêu lợi nhuận. Một đêm đi kích giun nếu nhiều có thể được 1 - 2 triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu trúng. Khi các lò sấy vẫn đỏ lửa thì việc kích giun đất còn tiếp diễn nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Hết giun trong vườn nhà mình, tìm đến vườn nhà người khác, thậm chí dùng cả kìm để cắt lưới chui vào, có nơi làm vỡ hệ thống ống nước tưới cây.

Tái lò

"Ở vùng Thung Rếch, nếu thu máy kích giun có lẽ phải chở bằng xe tải mới hết. Số lò sấy giun cũng đến khoảng 15 lò” - một chủ lò sấy nói sau khi bấm tay đếm. Anh này cho biết thêm: "Do một thời gian kích giun nhiều nên ở vùng Thung Rếch mấy năm nay giun ít hẳn, người dân chủ yếu sấy giun”. Anh cũng tiết lộ có chủ lò nung nấu ý định đầu tư một loạt máy kích giun để chuyển cho người dân ở một số huyện như Tân Lạc, Lạc Sơn... kích rồi thu mua nhưng đang nghe ngóng tình hình.

Bí thư Chi bộ xóm Thung Dao Bắc Triệu Văn Toàn cho biết: "Xóm có 74 hộ, mấy năm trước người dân tham gia kích giun khá nhiều, nay chỉ thu mua giun nơi khác để sấy”. Tuy nhiên, khi được hỏi xóm có bao nhiêu lò sấy giun thì hẹn để kiểm tra xem đã.

Thời điểm năm 2020, Thung Dao Bắc là điểm nóng nhất xã Tú Sơn về tình hình kích giun, sấy giun đất với 6 lò. Lúc rầm rộ nhất xóm có khoảng 30 máy kích giun. Các lò lúc sấy bốc khói nghi ngút, lúc mổ bốc mùi tanh nồng nặc, khó chịu. Sau đó, tình hình kích, sấy giun tạm lắng nhưng nay nhiều lò lại đỏ lửa.

Năm nay, xã Thu Phong, Bắc Phong, thị trấn Cao Phong (Cao Phong)… những vùng trồng nhiều cây ăn quả, cây có múi và được chăm sóc tốt, trồng theo phương pháp hữu cơ là nơi bị "giun tặc” nhắm đến nhiều nhất.

Theo các chủ vườn cam ở huyện Cao Phong, đối tượng kích giun thường đi lúc 20 - 23 giờ nhằm lúc người trông ăn cơm, đi ngủ và từ 2 - 4 giờ là lúc ngủ say. Sau những hôm trời mưa, đất ẩm, giun lên, họ đi kích nhiều. Lợi nhuận lớn nên nhiều người bất chấp đổ xô đi vào vườn cây có chủ để lôi giun từ dưới đất lên, hại đất, hại cây. Ngay tại xã Thu Phong cũng có lò sấy giun.

Qua thông tin của chính chủ lò sấy giun, ở một số xã như Dũng Phong, Bình Thanh… (Cao Phong) cũng có lò sấy giun hoạt động. Có lò đã bị các cơ quan chức năng như Công an, ngành Tài nguyên và môi trường đến làm việc về hoạt động của lò sấy giun, nhất là điều kiện về khói bụi thải ra khi sấy, an toàn phòng cháy chữa cháy… nhưng cán bộ đi lại làm.

Cũng đã xuất hiện cách người dân tự chăm nuôi giun đất bằng việc đổ phân chuồng, mùn cưa ra đất ruộng, vườn nhà để giun sinh sôi phát triển và kích, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Tháng 11/2019, chúng tôi từng đến gia đình anh Bùi Văn Hiếu ở xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong. Khi đó có lò sấy giun khoảng 15m2, gia đình kích, mua, sấy để bán cho người quen ở tỉnh Vĩnh Phúc. Anh Hiếu chia sẻ: Khi được tuyên truyền, vận động, gia đình không làm theo cách đó nữa, máy kích giun trả về Vĩnh Phúc. Một thời gian sau, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, tôi đã tìm cách tự chăm nuôi giun đất và chỉ kích giun tại vườn nhà mình để sấy bán cho đầu mối mua ở TP Hồ Chí Minh qua đường bưu điện. Để tăng lượng giun đất, chúng tôi lập câu lạc bộ chuyên chăm nuôi giun trên diện tích đất của mình, mỗi năm có thể đánh giun 4 lần trên một khu đất. Cây ăn quả có tán được chăm bón nhiều phân sẽ có nhiều giun hơn ở các vườn cây khác như mía, ngô, sắn. Loại giun vườn tươi lò sấy mua giá 40 nghìn đồng/kg. Hy vọng sẽ có hướng mở cho nuôi giun đất, tránh ảnh hưởng đến việc kích giun vô tội vạ và kích vào cả vườn cây có chủ, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Anh Trịnh Văn Cường có vườn cam ở xã Bắc Phong và nhiều chủ vườn cam ở huyện Cao Phong biết đã có một số người tự chăm nuôi giun đất trên chính đất của gia đình. Nhưng anh mong rằng họ không lợi dụng việc kích giun sấy để kích vào vườn cây của người khác, bởi vườn cam như cả sinh mạng vì đã "tất tay” đầu tư rất nhiều.

Sở TN&MT tháng 11/2019 từng trả lời huyện Cao Phong về hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện hoặc hóa chất. Trong đó nêu: Dùng kích điện bắt giun đất là hành vi khai thác hủy diệt nguồn tài nguyên sinh vật trong đất, bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

(Còn nữa)

Cẩm Lệ


Các tin khác


Chuyện ở xóm người Dao du canh du cư

(HBĐT) - Ngày trước người Dao sống du canh du cư nay đây mai đó dọc theo sông Đà. Năm 1966, những hộ dân đầu tiên chuyển về Thung Dao Bắc tìm đất địch cư. 28 hộ ban đầu là những người Dao ở xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi), một số hộ ở xóm Rãnh - xã Toàn Sơn, xóm Mạ, Mít - xã Tú Lý (Đà Bắc), xóm Tiến Lâm - xã Bắc Phong (Cao Phong), xóm Khuôi - phường Thái Bình (TP Hòa Bình).

Những điểm nhấn chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Bài 2 - Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn

(HBĐT) - Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh (KCB) trong tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tuyến tỉnh thiếu thiết bị y tế hiện đại; tuyến huyện thiếu thiết bị y tế hỗ trợ; các trạm y tế thiếu thiết bị cơ bản; đội ngũ y, bác sỹ thiếu nhiều… Để từng bước tháo gỡ khó khăn những vấn đề này, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 21/6/2023 về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Những điểm nhấn chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Bài 1 - Bước tiến trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe

(HBĐT) - Hiện nay, Sở Y tế có 19 đơn vị trực thuộc, gồm 9 đơn vị tuyến tỉnh và 10 đơn vị tuyến huyện. Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngành Y tế đã tạo dấu ấn trong thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) các dân tộc trên địa bàn.

Người có uy tín - nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng, lòng dân

(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình hiện có 1.276 người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại 1.290 thôn, bản. NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt, nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân; là trung tâm khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy vị trí, vai trò của NCUT trong xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.

Tháng 7 về, Côn Đảo trọn nghĩa tri ân

Với nguồn lực từ Trung ương và tỉnh, sự nỗ lực của Chính quyền và người dân địa phương, Côn Đảo vươn mình phát triển mạnh mẽ từng ngày. Nhưng vùng đất linh thiêng của Tổ quốc đã và sẽ luôn như thế. Xinh đẹp và thanh bình, từng gốc cây, ngọn cỏ ghi dấu một thời kỳ bi tráng của cha anh.

HĐND tỉnh khoá XVII khai mạc Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023: Cử tri quan tâm các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế

(HBĐT) - Sáng 13/7, đông đảo cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên các chương trình truyền hình trực tiếp của Đài PT-TH tỉnh và Báo Hoà Bình điện tử. Tại các địa phương, nhiều cử tri quan tâm, theo dõi sát phiên khai mạc, đồng thời bày tỏ vui mừng trước những kết quả nổi bật mà tỉnh ta đạt được trong 6 tháng qua.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục