Nằm trên dải đất hẹp miền Trung, được ví như điểm tì vai gánh 2 đầu đất nước, địa danh lịch sử Quảng Trị in hằn chứng tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, hơn 55 nghìn liệt sỹ đã hy sinh và yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành biểu tượng, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.



Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình tại khu mộ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hoà Bình trong Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). 

Trong chuyến hành hương về các "địa chỉ đỏ”, cùng với hàng trăm đoàn khách các tỉnh, thành phố của cả nước, đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hoà Bình đã đến viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là chương trình trọng tâm trong chuỗi hoạt động tri ân, đền ơn - đáp nghĩa dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ của tỉnh hàng năm. Cũng tại 2 "địa chỉ đỏ” người dân cả nước luôn hướng về, có 132 anh hùng liệt sỹ quê hương Hoà Bình đang yên nghỉ. 

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15 thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh. Đây là một di tích lịch sử thiêng liêng, công trình đền ơn - đáp nghĩa đồ sộ, minh chứng bi hùng của cuộc cách mạng dân tộc thế kỷ XX. Công trình đầy đủ các hạng mục: cổng vào nghĩa trang, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện nội bộ, cây xanh xung quanh nghĩa trang và nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công... Tại nghĩa trang, hơn 10.300 liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước yên nghỉ vĩnh hằng. 

Đi gần hơn về phía TP Đông Hà, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 có 16 hạng mục lớn nhỏ, trong đó có 2 hạng mục lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là Tượng đài Chiến thắng và khu hành lễ. Tại nghĩa trang, khoảng 9.500 anh hùng liệt sỹ, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất bạn Lào đang yên nghỉ. Các phần mộ liệt sỹ được chia thành 14 khu vực liên hoàn, trong đó có hơn 3.200 mộ liệt sỹ đã xác định rõ thông tin tên, tuổi, quê quán được mai táng theo từng địa phương, còn lại là các mộ chưa xác định đầy đủ hoặc chưa rõ tên, tuổi.



Nhân viên quản trang chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ, trong đó có các anh hùng liệt sỹ quê hương Hoà Bình yên giấc tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).

Không chỉ là nơi các anh hùng liệt sỹ đời đời yên nghỉ, 2 công trình đền ơn - đáp nghĩa lớn nhất cả nước này còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc. Hàng năm, đặc biệt trong dịp cao điểm tháng 7, các thân nhân, gia đình liệt sỹ, những người đồng chí, đồng đội năm xưa, đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương lại hành hương về cội nguồn lịch sử, thực hiện những hoạt động tưởng niệm, tri ân; người dân cả nước với đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tìm đến "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Tại 2 nghĩa trang hiện có Ban quản lý nghĩa trang, bộ phận đón tiếp thân nhân liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Những cán bộ, nhân viên của các nghĩa trang tận tâm chăm sóc, bảo vệ để nơi an nghỉ của các liệt sỹ đảm bảo tôn nghiêm, thường xuyên hương khói để anh linh các liệt sỹ được ấm lòng. Theo ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, chăm sóc nghĩa trang không chỉ là công việc của cán bộ, nhân viên mà cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cũng tích cực góp sức. Bên cạnh các chương trình mang ý nghĩa thiết thực như: "Hoa dâng mộ liệt sỹ”, thắp hương tưởng niệm vào ngày lễ, Tết, dịp 27/7, các tổ chức, đoàn thể còn dành hàng trăm ngày công quét dọn, vệ sinh trong khuôn viên, phát quang cỏ dại, trồng hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, để lại ấn tượng tốt cho điểm đến về nguồn, không những là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là công trình văn hóa - lịch sử mang đậm giá trị nhân văn. 

Thông tin trên Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn có 84 liệt sỹ và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 có 48 liệt sỹ người Hòa Bình đang yên nghỉ. Khu mộ các liệt sỹ tỉnh Hòa Bình tại 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đều được tu bổ, tôn tạo mộ phần. Đặc biệt mới đây, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), Ban Chỉ đạo chăm sóc người có công tỉnh đã làm lễ khánh thành công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hòa Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Cùng với đó, các hạng mục cải tạo khuôn viên, xây tường bao khu mộ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hòa Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn cơ bản hoàn thành. Công trình Đài tưởng niệm liệt sỹ tại khu mộ liệt sỹ tỉnh tạo ấn tượng mạnh, thể hiện giá trị nhân văn với hình tượng kiến trúc mái nhà sàn Mường độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Hòa Bình.

Chị Nguyễn Hương Mai, nhân viên quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn chia sẻ: Do khoảng cách địa lý, không có điều kiện thường xuyên thăm viếng, thắp hương các phần mộ anh hùng liệt sỹ, nhưng với lòng thành kính hướng về nguồn, các gia đình liệt sỹ, con em các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã gửi gắm chúng tôi chăm sóc, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ vào ngày tuần tiết, sóc vọng. Khu mộ liệt sỹ tỉnh Hòa Bình hiện có khuôn viên rộng đẹp, tạo cảnh quan sinh thái xanh, thân thiện. Chúng tôi sẽ chăm sóc khuôn viên nghĩa trang thật tốt, trông cho các anh hùng liệt sỹ yên nghỉ với trách nhiệm, tình cảm tri ân của thế hệ con cháu với lớp lớp cha anh, cũng là để làm ấm lòng thân nhân liệt sỹ khi đến thăm viếng. 

Dịp tháng 7 trên "đất lửa” miền Trung sâu nặng ân tình với cả nước, ông Nguyễn Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh tham gia đoàn hành hương về nghĩa trang liệt sỹ quốc gia thắp nén hương tri ân, xúc động tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội, những đàn anh đi trước, bồi hồi ôn lại những năm tháng kháng chiến cách mạng gian khổ mà hào hùng.   


Bùi Minh

Các tin khác


Ân tình tháng 7 ở xã Phú Vinh

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn - đáp nghĩa” của dân tộc, những ngày tháng 7 nghĩa tình, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phú Vinh (Tân Lạc) tổ chức nhiều hoạt động tri ân bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Để có được nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như ngày hôm nay, ngoài sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng quân chủ lực còn có sự đóng góp quan trọng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Dù không trực tiếp cầm súng nhưng họ là những người đã âm thầm, lặng lẽ không sợ gian khổ, hy sinh ngày đêm phục vụ cho tiền tuyến.

Xanh thẳm rừng Nhuội

Có một điều đặc biệt là không chỉ người lớn mà đến cả những đứa trẻ từ 5 - 10 tuổi ở xóm Nhuội nói riêng và cả xã Đa Phúc (Yên Thủy) nói chung đều có ý thức giữ rừng một cách mãnh liệt. Chẳng vậy mà cho đến nay, ngoài diện tích đất sản xuất thì có đến hơn 90% diện tích tự nhiên của Đa Phúc là rừng. Đáng quý ở chỗ, phần lớn diện tích rừng nơi đây là rừng tự nhiên. Trong đó có những quần thể rừng nguyên sinh với những giống loài đặc hữu vô cùng quý giá như quần thể 13 "cụ” chò chỉ nghìn năm tuổi vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, thẳng tuốt đến ba, bốn chục mét, cả chục người ôm không hết...

Viết tiếp bản hùng ca từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đó là việc mà các cơ quan báo chí, người làm báo tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai, thực hiện có chiều sâu, hiệu quả trước, trong và sau Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Bằng các tác phẩm báo chí nhằm góp sức tạo sự lan tỏa tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ cho hôm nay và mai sau.

Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn
Bài 3 - Nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác Hòa Bình - Hủa Phăn

Bên cạnh khó khăn, hạn chế về điều kiện hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh miền núi nghèo Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) cũng có không ít yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển, hình thành điểm đến văn hóa, du lịch trong tương lai gần.

Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn
Bài 2 - Công trình tô thắm tình hữu nghị trên đất Hủa Mường

Sáng 3/6/2024, sau gần 2 giờ di chuyển từ thị trấn Sầm Nưa, vượt qua nhiều cung đường khó, đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hòa Bình đã đến huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào tham dự sự kiện: Khánh thành và bàn giao Dự án xây dựng Trường THPT huyện Hủa Mường. Đây là dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào, do UBND tỉnh Hòa Bình và Uỷ ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn thực hiện. Tỉnh Hòa Bình được Chính phủ giao làm chủ dự án. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục