Ngày 01/8/2008 là dấu mốc lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội khi Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan chính thức có hiệu lực. Đây là lần điều chỉnh quy mô lớn nhất, tính chất và ý nghĩa đặc biệt nhất trong suốt chiều dài nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Như suối nhỏ hòa vào dòng sông, 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội đến nay đã 16 năm. Tự hào trở thành công dân Hà Nội và góp phần mở rộng cộng đồng dân tộc Mường nơi đây, những người Mường ở Thủ đô đã cùng nhau hiện thực hóa một quyết tâm: Không để "mất gốc” văn hóa.


Trong trang phục truyền thống giàu bản sắc, đồng bào dân tộc Mường ở 4 xã: Yên Bình, Yên Trung, 
Tiến Xuân, Đông Xuân tự hào tham gia các sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố Hà Nội. 

"Trở thành một bộ phận máu thịt của Thủ đô nghìn năm văn hiến, tôi tin rằng cán bộ và nhân dân 4 xã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhanh chóng hòa nhập, đồng thời luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, làm phong phú thêm các giá trị đặc sắc của văn hóa Hà Nội...” - Đó là lời gửi gắm tâm huyết của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khi tiến hành lễ bàn giao 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung từ tỉnh Hòa Bình về TP Hà Nội. Lễ bàn giao được tổ chức vào sáng 8/8/2008, tại UBND tỉnh Hòa Bình. 

Trở thành một phần của Thủ đô

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được giao về huyện Thạch Thất quản lý; diện tích tự nhiên và dân số xã Đông Xuân được giao về huyện Quốc Oai. Tổng dân số của 4 xã tại thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội khoảng 20.250 người, trong đó, dân tộc Mường chiếm gần 70%.

So với quy mô dân số của Hà Nội "mới”, cộng đồng người Mường ở 4 xã miền núi Hòa Bình sáp nhập vào Thủ đô giống như dòng suối nhỏ bắt nguồn từ miền sơn cước rồi hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của một con sông rộng lớn. Trong đợt mở rộng địa giới hành chính mang tính đột phá chiến lược này, Thủ đô Hà Nội hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Sau điều chỉnh, Hà Nội trở thành một trong những thủ đô có diện tích và dân số lớn trên thế giới, với diện tích tự nhiên 3.324 km2, dân số trên 6,45 triệu người. Đây là cột mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ để Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não - trái tim của cả nước, tự tin hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Đông Nam Á trong tương lai. 

Trên lĩnh vực văn hóa, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.   Văn hóa Thăng Long xưa đã được định hình từ hàng nghìn năm lịch sử, nay tích hợp thêm những tinh hoa của vùng văn hóa xứ Đoài, những đa dạng của vùng văn hóa Sơn Nam Thượng, những độc đáo của văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Bắc… Vì thế, Thủ đô của cả nước không chỉ là nơi lắng đọng hào khí Thăng Long mà còn trở thành nơi hội tụ và lan tỏa của nhiều giá trị văn hóa Việt. 

Văn hóa Mường hòa nhập 

Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất là người Mường chính gốc Hòa Bình. Từ đời các cụ hai bên nội ngoại đều sinh ra và lớn lên ở xứ Mường thuộc xã Yên Bình nên cái gốc văn hóa dân tộc Mường đã bám sâu trong tâm khảm người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này. Nhớ lại thời điểm hơn 16 năm trước, khi biết tin sắp trở thành công dân mới của Thủ đô, bà Hà chia sẻ: Lúc đó, tâm trạng của tôi cũng như nhiều người đều rất khó tả vì chúng tôi chưa hình dung được những thay đổi trong cuộc sống của mình. Nhưng là người Việt Nam thì ai cũng tự hào về Thủ đô Hà Nội. Bản thân tôi lúc đó rất phấn khởi vì quê mình được trở thành một phần của Hà Nội… 

"Dần dần, cùng với thời gian, có nhiều thay đổi trong đời sống cá nhân cũng như của cả vùng quê Yên Bình khiến người dân chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự may mắn khi được trở thành một phần của Hà Nội. Nhưng, dù có nhiều thay đổi đến đâu thì chúng tôi vẫn không quên nguồn gốc, vẫn là người Mường và trân quý giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” - bà Hà tâm sự.

Khi sáp nhập thêm 4 xã của Hòa Bình và toàn bộ tỉnh  Hà Tây (cũ), cộng đồng người Mường ở Thủ đô được mở rộng đáng kể về dân số. Ngoài dân số 4 "xã Mường” cũ của  Hòa Bình, còn có một bộ phận người Mường đã sinh sống cố kết thành cộng đồng dân cư lâu đời tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai. Theo báo cáo của Cục Thống kê tại thời điểm tháng 4/2019, dân tộc Mường chiếm khoảng 57,66% trong tổng số các DTTS trên địa bàn Hà Nội, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ba Vì (25.047 người), Thạch Thất (11.464 người), Quốc Oai (6.078 người), Mỹ Đức (5.541 người). Như vậy, cùng sự hòa nhập với các   dân tộc khác ở Thủ đô, trong chính cộng đồng người Mường cũng có sự hòa nhập giữa các vùng Mường ở Hòa Bình và các vùng Mường thuộc xứ Đoài - Hà Tây (cũ).

Cùng với sự hòa nhập về dân cư, đồng bào dân tộc Mường ở Thủ đô được ghi nhận là có sự hòa nhập sâu rộng về văn hóa, cộng hưởng thêm những giá trị mới cho đời sống văn hóa Hà Nội. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có 5.922 di tích được kiểm kê (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố). Trong tổng số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê và đưa vào danh sách bảo vệ, có 77 di sản có chủ thể thực hành là cộng đồng người DTTS, với các loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian.

Về việc xây dựng hồ sơ nghệ nhân, tính đến tháng 7/2020, thành phố có 76 nghệ nhân vinh dự được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, cộng đồng người Mường vinh dự có một đại diện là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (loại hình trình diễn dân gian - cồng chiêng), sinh sống tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. 
"Ghi nhận những năm gần đây, văn hóa dân tộc Mường được bảo tồn và phát huy hiệu quả đã trở thành những giá trị lấp lánh làm phong phú thêm đời sống văn hóa Hà Nội. Bằng sức mạnh nội sinh, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường đã minh chứng được sức hút độc đáo để hòa nhập nhưng không hòa tan, để hội tụ và lan tỏa giữa không gian văn hóa rộng lớn của Thủ đô Hà Nội" - Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trao đổi.

(Còn nữa)


Thu Trang


Các tin khác


Cán bộ tỉnh theo dõi xã - chủ trương lớn, đồng thuận cao

Bài 1 - Để cán bộ sát dân, gần dân

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, trong đó có nội dung "Thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát CB,ĐV, nhất là về đạo đức, lối sống”.

Tình cảm sâu nặng của cán bộ, nhân dân tỉnh Hòa Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, giữ trọng trách quan trọng của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, là tấm gương mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì công việc song rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình xúc động bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo vĩ đại, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 3 - Linh thiêng vùng đất lịch sử cách mạng Quảng Trị

Nằm trên dải đất hẹp miền Trung, được ví như điểm tì vai gánh 2 đầu đất nước, địa danh lịch sử Quảng Trị in hằn chứng tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, hơn 55 nghìn liệt sỹ đã hy sinh và yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành biểu tượng, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 2 - Bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những ngày tháng 7, trên vùng đất văn hóa, lịch sử Quảng Bình, hàng nghìn du khách và người dân tìm về Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch để dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân, "người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX "văn võ song toàn”, "đức tài trọn vẹn”.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 1 - Thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Tháng 7, hàng vạn người dân và du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về các "địa chỉ đỏ” trên dải đất miền Trung tham quan, tìm hiểu về truyền thống, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân những người có công lao to lớn đối với độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Không khí tại các điểm đến về nguồn trang nghiêm, thành kính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những dấu ấn trong lòng dân

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cơ sở với những chỉ đạo, gợi mở giúp địa phương phát triển bền vững, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục