Văn hóa Mường là một phần không thể thiếu trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nhận thức rõ giá trị của di sản, trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) Mường, nhiều cá nhân đã đóng góp đáng kể. Từ lâu, những người đam mê văn hoá Mường đã thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, góp phần gìn giữ kho tàng DSVH đồ sộ vượt thời gian.



 


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình được tổ chức góp phần quảng bá nét đẹp văn hoá Mường đến du khách.

 

Những người giữ lửa hồn Mường

Trời Kim Bôi se lạnh trong làn sương sớm, tiếng chiêng Mường vang lên từ một góc nhỏ của khu dân cư Bo, thị trấn Bo. Bên hiên nhà, bà Đinh Thị Kiều Dung chậm rãi chỉnh lại tư thế cho nhóm trẻ, từng động tác nhịp nhàng theo điệu dân ca Mường. Gần 20 năm qua, lớp học miễn phí của bà đã trở thành nơi lưu giữ những thanh âm cội nguồn, khơi gợi trong lòng thế hệ trẻ niềm tự hào về dân tộc mình. Bà Dung chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Mường, yêu những nét đẹp văn hóa truyền thống, tôi mở lớp truyền dạy để gìn giữ bản sắc và nhân lên tình yêu quê hương của các cháu". Từ năm 2004 đến nay, hơn 500 em từ 8 - 15 tuổi đã qua lớp học của bà. Nhiều em trở thành hạt nhân văn hóa, tiếp tục gìn giữ và lan tỏa tình yêu với dân ca, dân vũ Mường.

Cũng chung niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa dân tộc, từ năm 2012, Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn, khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) bắt đầu sưu tầm các vật dụng thủ công truyền thống của người Mường. Anh Tuấn bộc bạch: "Tôi muốn lưu giữ những ký ức, không để giá trị của ông cha bị mai một theo thời gian. Từ những vật dụng bằng mây, tre, đồ sành sứ, đến những chiếc chiêng đồng cổ kính, mỗi món đồ đều mang trong mình hơi thở của tổ tiên". Không dừng lại ở sưu tầm, anh còn phục dựng nhà sàn Mường, một không gian sống đậm đà bản sắc, giúp thế hệ sau hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống tinh thần của người Mường.

Và không thể không nhắc đến ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng DSVH Mường tại thành phố Hòa Bình - một người cả đời gắn bó với văn hóa Mường. Ông Bình chia sẻ: "Văn hóa Mường là máu thịt của đời tôi". Niềm đam mê của ông được hun đúc qua năm tháng, từng cổ vật sưu tầm, từng chuyến đi nghiên cứu văn hóa. Chính ông đã góp phần đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp nhiều người hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường.

Kho tàng đồ sộ di sản văn hóa dân tộc Mường

Không chỉ những cá nhân mà cả cộng đồng người Mường từng ngày gìn giữ giá trị văn hóa cha ông để lại. Những di tích quan trọng như khu mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi), Đống Bay (Tân Lạc) hay Đồi Thung (Lạc Sơn) đã được khai quật, bảo tồn cẩn thận. Hiện nay, hơn 221 di tích văn hóa của người Mường đã được kiểm kê, trong đó có 43 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng, bảo vệ nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, văn hóa nhà sàn - biểu tượng của người Mường cũng được bảo tồn theo cách rất riêng. Những ngôi nhà sàn không chỉ là nơi sinh sống, mà còn trở thành điểm nhấn trong mô hình du lịch cộng đồng. Du khách đến đây cùng với chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc còn được trải nghiệm đời sống sinh hoạt truyền thống của người Mường.

Nhắc đến văn hóa Mường không thể không kể đến bộ trang phục truyền thống với những hoa văn tinh tế, màu sắc hài hòa. Để bảo tồn giá trị này, UBND tỉnh Hòa Bình đã phát động phong trào khuyến khích cán bộ, học sinh mặc trang phục truyền thống ít nhất một lần mỗi tuần. Đây là sự khôi phục và là cách để bản sắc dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Trong kho tàng DSVH vật thể của người Mường, chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc. Tiếng chiêng gắn liền với các sự kiện trọng đại trong đời người từ lúc sinh ra đến khi từ giã cõi trần. Hòa Bình hiện lưu giữ gần 10.000 chiếc chiêng cổ, một con số đáng tự hào, minh chứng cho sự bền bỉ của văn hóa Mường qua bao thế hệ. Năm 2011 và 2016, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội chiêng Mường với màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam, được ghi nhận vào Sách kỷ lục Việt Nam. Đặc biệt, năm 2016, nghệ thuật chiêng Mường được công nhận DSVH phi vật thể cấp quốc gia, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn. Không chỉ có chiêng, trống đồng cũng là một di sản quan trọng của người Mường. Những chiếc trống loại II Heger, đặc trưng của người Mường vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh, như một chứng nhân của lịch sử và văn hóa lâu đời.

Không chỉ dừng lại ở vật thể, những giá trị phi vật thể như lễ hội, văn nghệ dân gian được quan tâm khôi phục. Tỉnh đã tiến hành kiểm kê đối với DSVH phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết quả kiểm kê được 267 DSVH phi vật thể của dân tộc Mường, gồm: 1 di sản tiếng nói, 33 di sản ngữ văn, 29 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 23 di sản về tập quán xã hội, 35 lễ hội truyền thống, 4 nghề thủ công, 142 di sản về tri thức dân gian. Căn cứ kết quả kiểm kê đã lập hồ sơ khoa học 4 DSVH phi vật thể của người Mường Hòa Bình đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật chiêng Mường; mo Mường; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường và lịch tre của người Mường Hòa Bình. Có nhiều lễ hội dân gian của người Mường được khôi phục tổ chức như: Lễ hội chùa Tiên, lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội đền Bờ, lễ hội đình Khênh, lễ hội đình Khói, lễ hội đình Cổi… góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị DSVH của người Mường. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Năm 2023, tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh và duy trì tổ chức lễ hội cấp tỉnh năm 2024, 2025 tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách, góp phần quảng bá DSVH độc đáo của người Mường.

Bên cạnh đó, trong văn nghệ dân gian truyền thống của người Mường, dân ca, dân vũ, dân nhạc là kho tàng đồ sộ và quý báu, là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mường Hòa Bình. Cùng với đó, tỉnh chính thức công nhận Bộ chữ Mường vào năm 2016, tạo điều kiện để tiếng Mường được lưu giữ và phát triển. Các bài thuốc dân gian, lịch Đoi (lịch tre) của người Mường được bảo tồn và phát huy, trở thành niềm tự hào của cộng đồng.

Nhắc đến văn hóa Mường không thể bỏ qua ẩm thực. Theo thống kê, người Mường có đến 69 món ăn, đồ uống được chế biến từ các nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi và khai thác từ thiên nhiên. Trong sinh hoạt ẩm thực của người Mường có nhiều món ăn, đồ uống ngon, độc đáo, hấp dẫn, còn được lưu giữ đến ngày nay, trở thành "biểu tượng” của người Mường thể hiện trong câu tục ngữ "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui …”. Những món ăn, rượu cần không đơn thuần là thực phẩm mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng.

 

Giữa dòng chảy hiện đại, văn hóa Mường vẫn trường tồn nhờ những con người miệt mài gìn giữ, những lớp học dân ca nhỏ bé, nhà sưu tầm lặng lẽ và các lễ hội rộn ràng âm thanh chiêng, trống. Đó không chỉ là bảo tồn mà còn là hành trình kết nối, đưa văn hóa Mường từ truyền thống bước vào hiện đại, ngày càng tỏa sáng rực rỡ.

(Còn nữa)

Hương Lan


Các tin khác


Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 5 - Du lịch, dịch vụ - cỗ máy tăng trưởng mới

Cách đây mấy năm, tỉnh Hòa Bình vẫn còn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch miền Bắc. Đến năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4.738 tỷ đồng, chiếm trên 31% GRDP. Không chỉ là con số, đó là dấu mốc cho thấy du lịch - dịch vụ đã trở thành một cỗ máy tăng trưởng mới của địa phương.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 7 - Độc đáo những lễ hội trên quê hương Hòa Bình

Bao đời nay, cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là dân tộc Mường có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Lễ hội gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân tồn tại ở đây từ lâu đời. Điều đó đã làm nên sự phong phú trong đời sống tinh thần và trong bản sắc văn hóa Hòa Bình; bộc lộ các tín ngưỡng dân gian và biểu hiện rõ sự giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc. Trong đó, nhiều lễ hội có sức sống trường tồn cùng thời gian, tiếp tục được các thế hệ hôm nay lưu truyền, phát huy…Tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 4 - Công nghiệp không còn là “vai phụ”

Năm 2024, hai con số ấn tượng đã được ngành công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác lập. Đó là 15,24% - mức tăng trưởng chưa từng có và 44% GRDP - một cột mốc lịch sử. Công nghiệp xứ Mường không còn là "vai phụ” mà dần trở thành trụ cột, định hình tương lai nền kinh tế vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 3 - thành quả trên đồng đất xứ Mường

Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 6 - Lịch Mường - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lịch của người Mường là bộ lịch cổ tri thức dân gian, gọi là sách đoi, được sáng tạo dựa trên quan sát chuyển động của sao đoi. Lịch được làm bằng 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một hang, trong đó có một số ngày trong tháng được khắc bằng những ký hiệu khác nhau để đoán định ngày tốt, xấu cho khởi sự công việc (đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường).

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 2 - Nhận diện khó khăn, vượt qua thử thách

Không có thành công nào dễ dàng, đặc biệt với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, địa phương gặp nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn trong thu hút đầu tư, đến rào cản về nhận thức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục