Dịp tháng Giêng, đông du khách đến các điểm du lịch của Hòa Bình để thưởng ngoạn cảnh đẹp, tận hưởng trọn vẹn cảm xúc mùa Xuân và hòa vào không khí lễ hội nhộn nhịp ở nhiều địa phương.


Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí góp phần thu hút du khách thập phương đến vãn cảnh, du xuân lễ hội chùa Tiên thuộc quần thể du lịch tâm linh chùa Tiên - Đầm Đa (Lạc Thủy).

Khai hội từ sáng mồng 4 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, lễ hội chùa Tiên tại quần thể du lịch tâm linh chùa Tiên - Đầm Đa (Lạc Thủy) có sức hút đối với du khách thập phương. Nơi đây không chỉ có kiến trúc ấn tượng, hệ thống đền, chùa, hang động đẹp, mà còn được công nhận là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Từ năm 2024, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian phong phú như: múa lân - sư - rồng; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trình diễn nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật chiêng Mường, hát chầu văn... Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương; quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương.

Cũng trong những ngày đầu xuân, hoạt động lễ hội diễn ra tưng bừng ở nhiều nơi trong tỉnh. Tiêu biểu là lễ hội Khai hạ dân tộc Mường quy mô cấp tỉnh được tổ chức vào mùng 7 - 8 tháng Giêng tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Lễ hội có từ lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường cũng như tại 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động). Bên cạnh phần lễ với đầy đủ nghi trình, nghi thức là phần hội đặc sắc, hấp dẫn với biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian: đánh chiêng, hát đối, hát sắc bùa, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh mảng; thi ẩm thực, trình diễn trang phục Mường…

Cùng mồng 7 tháng Giêng, lễ hội đền Chúa Thác Bờ chính thức mở hội. Nằm trên địa phận 2 xã Thung Nai (Cao Phong) và Vầy Nưa (Đà Bắc), đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, địa thế phong thủy hài hòa, trước có sông, lưng tựa núi, tấp nập tàu thuyền qua lại nên điểm du lịch này thu hút rất đông khách đến du xuân, vãn cảnh. Trong mùa lễ hội kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, mỗi ngày có hàng nghìn người trẩy hội đền Bờ, thành tâm hành lễ cầu mong năm mới sức khỏe, bình an cho gia đình và tìm sự thư thái trong tâm hồn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống được phục dựng và duy trì tổ chức hàng năm. Ngoài các lễ hội tiêu biểu như: Chùa Tiên (Lạc Thủy); Khai hạ dân tộc Mường (Tân Lạc); đền Chúa Thác Bờ (Cao Phong, Đà Bắc); Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu); Khai mùa Mường Thàng (Cao Phong); Mường Động (Kim Bôi)… còn có nhiều lễ hội độc đáo ở các địa phương như: Xuống đồng, đu Mường Vôi, đình Cổi, đình Khênh (Lạc Sơn); đình Xàm, đình Rậm, cơm đe (Yên Thủy); đình Đồng Sương, Tứ Đền (Lương Sơn); đình Ngòi, đình Mường Trại (TP Hòa Bình); cầu Mường, mừng xuân của người Dao (Đà Bắc)… Hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, tập trung từ mùng 4 - 13 tháng Giêng. Các lễ hội truyền thống thường gắn với di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa. Tại không gian này, lễ hội trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, tạo môi trường điểm đến thu hút khách du lịch.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ hội dân gian truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hoá đặc biệt, đậm đà bản sắc văn hóa, mang tính cộng đồng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Đồng thời đó còn là "bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hoá, lịch sử phong phú.

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc ở địa phương để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ văn hoá của nhân dân và thu hút khách du lịch. Cùng với Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, nhiều giá trị di sản, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt cộng đồng được phát huy, gìn giữ.

Mùa Xuân, mùa lễ hội rộn ràng trên các vùng quê. Bên cạnh các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, các lễ hội xuân ở Hòa Bình là sản phẩm du lịch đặc biệt, không gian trải nghiệm, khám phá đầy sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế.


Bùi Minh


Các tin khác


Sắc xuân Vân Sơn

Xã vùng cao Vân Sơn (Tân Lạc) mang vẻ đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, mộng mơ, yên bình với những cung đường uốn lượn mềm mại quanh các sườn đồi. Sắc xuân lan tỏa, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.

Tết đoàn viên - hồi ức không phai của những người lính cựu

Tết cổ truyền luôn lắng đọng trong lòng mỗi người những dư vị riêng, đặc biệt với những người lính cựu. Ký ức về những ngày đón Tết cùng đồng chí, đồng đội giữa chiến trường đạn bom khốc liệt với khát vọng về một ngày đất nước toàn thắng, yên bình vẫn còn vẹn nguyên.

Tiếng chiêng Mường ngân vang giữa bầu trời Hà Nội

Trong nhiều sự kiện lớn của Thủ đô Hà Nội, tiếng chiêng của dân tộc Mường đã trở thành âm sắc đặc biệt, góp phần tạo nên bản hòa âm ngợi ca những giá trị văn hóa đã lắng đọng hàng nghìn năm cùng hồn thiêng sông núi Thăng Long. Giữa bầu trời Hà Nội, tiếng chiêng Mường ngân vang, tự tin hòa nhịp với đa thanh, đa sắc của tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Nhâm nhi hương vị chè búp xanh

Những đồi chè xanh mướt trải dài bất tận, vùng chè Yên Thủy là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và tìm về với thiên nhiên. Đặc biệt hơn trong dịp Tết cổ truyền, nhâm nhi chén chè búp xanh Yên Thủy - sản phẩm của Công ty TNHH MTV 2 - 9 Hoà Bình được chứng nhận OCOP 4 sao để thấy thư thái, thanh tao hơn bởi không khí của mùa Xuân mới.

Bất ngờ khi tản bộ ở Singapore

Tôi trở lại Singapore sau hơn 7 năm. Mục đích chuyến đi là khác nhau, cùng gia đình đi du lịch lần đầu và lần sau là cùng cơ quan đi công tác. Tuy vậy, có rất nhiều điểm giống nhau sau 2 lần thăm thú "đảo quốc sư tử” mà mình cảm nhận được, nhất là khi tản bộ phố xá xanh - sạch - đẹp, với làn đường cho người đi bộ rất được chú trọng...

Đổi mới ở “Thủ đô kháng chiến" Tân Trào

Trong mênh mang, dặt dìu điệu then, đàn tính của dân tộc Tày, chúng tôi về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Mỗi mùa Xuân mới, mảnh đất thiêng - nơi cội nguồn cách mạng Tân Trào khoác trên mình diện mạo đầy sức sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục