(HBĐT) - Những ngày này, ông chú họ có vẻ tâm trạng, đôi khi thấy ông huýt sáo một bài ca về người lính ở Trường Sơn năm nào, thời mà ông và các đồng đội từng thốt lên: "Tuổi 20 chân đi không bén đất/Đám mây trời bay dưới ba lô” (Anh Ngọc). Ông thuộc thế hệ thấm đẫm hình ảnh của những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô qua các bộ phim truyện chiến đấu của Liên Xô, hay các bài hát Nga về người lính hào hùng mà lãng mạn.

Ra trận, trong ba lô thời ấy là những cuốn sách, quyển vở ghi chép các bài hát mà cả nước cùng ca vang… Ông bảo: Có câu chuyện kể trên đường hành quân mà nghe như huyền thoại, có thương binh quên đau đớn khi phẫu thuật chỉ bằng các lời ca như "Bài ca bên cánh võng”, "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, "Lá đỏ”...

Những năm tháng gian khổ, ác liệt, đầy mất mát và hy sinh đó, người chiến sĩ tựa vào, "vịn” vào lời ca về Tổ quốc, về đất mẹ và về chính họ để trụ vững nơi tuyến lửa… Đến nhà chú, thường được "chiêu đãi” bằng nhạc đỏ, mà hầu hết là các ca khúc viết về người chiến sĩ. Từ các bài hành khúc hào sảng (Vì nhân dân quên mình, Bác vẫn cùng các cháu hành quân, Hát mãi khúc quân hành, Tiến bước dưới quân kỳ...) đến những bài bay bổng, lãng mạn và có phần suy tư như "Sông Lô chiều cuối năm”, "Đồng đội”, "Mùa hoa cải”… Dù tiếp cận ở nhiều góc cạnh khác nhau, hoặc không viết về người lính trong các cuộc chiến tranh, nhưng vẫn thấy bóng dáng họ trong mỗi giai điệu, lời ca…

Tư liệu băng đĩa của chú về âm nhạc đầy đủ về lịch sử cách mạng và lịch sử về bộ đội Cụ Hồ. Về Điện Biên Phủ, về Trường Sơn, về miền Trường Sa, Hoàng Sa… Có nghe ông kể mới hiểu hết được tâm tình của người đã một lần khoác ba lô lên đường đánh giặc. Giờ đất nước yên hàn rồi, bài ca về hòa bình vang vọng trong mỗi gia đình, mỗi xóm phố, thôn bản, nhưng khúc ca về người chiến sĩ không bao giờ thôi vang…

Anh Đ.M.T, một tác giả thơ nhưng từng có các kịch bản phim truyện khá nổi tiếng lại là người đam mê, say đắm về các bài hát người chiến sĩ trong giai đoạn "Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc” vào cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ trước. Anh cũng là người đi qua những ngày tháng gian khổ và ác liệt ở mặt trận biên giới Tây Nam và chiến trường K. Vào trường đại học gặp anh như gặp một "kho bài hát” về những chiến sĩ hay các bài ca cách mạng mà hình ảnh anh bộ đội không thể thiếu trong mỗi lời ca. Thời nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển đang nổi với ca khúc "Hát về anh”, nhiều người chứng kiến anh từng không kìm nén được cảm xúc khi nghe một nhóm ca khúc chính trị của một trường đại học trình diễn bài này. "Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao…”. Nếu ai ở thời những năm 80 của thế kỷ trước mới hiểu, thấm thía những cụm từ "điểm tựa”, "chốt”, "biên giới”, "tiền tiêu”…

Những năm tháng biên giới không bình yên, thời các nhạc sĩ: Trần Tiến, Thái Văn Hóa, Tôn Thất Lập, Diệp Minh Tuyền, Phạm Minh Tuấn, Vũ Trọng Hối, Thuận Yến, Minh Quang… có nhiều ca khúc lay động lòng người. Làm sao không thể không có những rung động khi một buổi sáng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài hát trên loa công cộng đầu xóm, phố với lời ca da diết "Khi còn trong nôi, nghe lời ru, cha đánh giặc cuối trời, khi ta cầm súng ra đi, người thân ta thức cùng sao trời”. Khi đất nước có chiến tranh, lại có lớp lớp người lên đường. Những năm tháng đó, phương tiện nghe nhìn còn ít, nên việc thưởng thức âm nhạc chỉ qua hệ thống của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bao bài ca hào hùng về biên giới, về người chiến sĩ đã khiến người hậu phương yên lòng như "Chiều dài biên giới”, "Tình ca tuổi trẻ”… hay có những xao xuyến, trầm lắng và tha thiết tình yêu biên giới, tình quê hương qua góc nhìn của những người chiến sĩ như "Chiều biên giới”, "Gửi em ở cuối sông hồng”, "Đất nước tình yêu”, "Hoa sim biên giới”… Hoặc thấy "hình ảnh người lính” qua tâm tình người vợ, người yêu với những chờ đợi, chia ly trong chiến tranh (Đợi anh về, Đêm nay anh ở đâu, Thư về cho nhau…) qua những giọng ca gạo cội thời ấy như Tiến Thành, Thanh Hoa, Thúy Lan, Hữu Nội, Vũ Dậu, Thu Hiền… Sau này, "dòng” bài hát về các chiến sĩ hải quân, những chiến sĩ ở Trường Sa cũng vang lên tha thiết mọi miền đất nước như: Nơi đảo xa, Bâng khuâng Trường Sa, Gần lắm Trường Sa…

Mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, bài hát về người chiến sĩ luôn chiếm trọn trái tim bao người. Và mỗi người đến với âm nhạc, đến với hình ảnh người chiến sĩ trong mỗi bài ca đều có những cảm nhận riêng, gắn với kỷ niệm riêng về tuổi trẻ, về những người bạn, người thân từng lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

 

                                                                                           Tùy bút của Bùi Huy


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục