(HBĐT) - Tháng chạp, mảnh vườn của gia đình ông bà Nụ ẩm ướt hơn vì những cơn mưa nhè nhẹ, tí tách. Thế này thì đỡ phải phun tưới, mà cái lưng dạo này mỏi mỏi là. Ông Nụ ca cẩm thế, nên trưa nay, bà phải ra vườn hái chút lá ngải cứu, giã, đun nóng với rượu chườm cho ông. Bà nhìn ra ngoài vườn, thấy lòng nhẹ nhõm khi vườn cúc, vườn hồng đang chúm chím vươn cao và hàng đào phía cuối vườn đang hé nụ. Tết này chắc được món đây. Hôm qua đã thấy thương lái đến đặt cọc số đào vườn này rồi.
Ông là nhân viên cầu đường, gắn bó, trải qua nhiều cung đường, nhưng rồi đã hạ cánh và kết hôn cùng cô Nụ cách đây gần 30 năm. Cuộc sống của cô giáo làng và anh nhân viên cầu đường khá viên mãn, hạnh phúc. Ông được mọi người biết đến là người thổi sáo hay nhất vùng, mỗi đêm tiếng sáo bay vút cao, thành thót như biết đường tìm đến mỗi ngôi nhà. Còn cô Nụ được biết đến có giọng nói trong, lanh lảnh, cao vút, mỗi lần cô lên lớp, chẳng cần micro mà vẫn sảng sảng vọng vang. Nhưng mà hút hồn học sinh. Đất đai rộng, màu mỡ, như có duyên với người tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, cộng với đồng lương, gia đình ông bà một thời thuộc diện khá giả vì có nhiều nguồn thu. Điều mừng là hai con ông bà thuộc diện ngoan, khỏe đẹp, đều học hành khá. Năm nào ông bà cũng được mời đến các trường con học dự các buổi khen thưởng. Khi thì là kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, khi là giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật. Cả xóm nức nở ngợi ca thằng cu Đức, cu Độ. Nên chuyện hai đứa đỗ vào một trường tốp đầu ở Hà Nội không có gì bất ngờ. Ra trường, anh em đã dắt díu vào làm ở một công ty danh tiếng miền Trung vì theo như chúng nói "đất lành chim đậu”. Cưới vợ rồi lại càng bện chặt hơn quê xa. Ông bà về hưu mấy năm nay, nhưng vẫn nhúc nhắc được công việc vườn tược, nên bưởi, cam, xoài vẫn đâm hoa, kết trái.
Chòm xóm đây chừng 20 nhà, phần lớn đều là những công nhân cầu đường tụ hội lại lập nên xóm làng, nên tính nết, cuộc sống từng gia đình ai cũng hiểu rõ. Mấy chục năm nay, chẳng gia đình nào có chuyện xích mích với nhau. Nhà ai có việc gì cũng đều xúm lại chung sức. Cho nên, người xóm khác thấy thế cũng đều chung nhận xét: của cải nào cho lại với nhịp sống vui đó. Năm nào cũng thế, cứ sắp Tết là cả xóm chia làm 3 nhóm nấu chung bánh chưng. Cứ gọi là nhộn nhịp, rộn ràng. Lúc chờ bánh chín, trong khi chị em tay dao, tay củ hành, xu hào làm dưa góp thì các ông tay chén chè, tay cờ tướng hay ván cầu lông cho khỏe người. Vui lắm. Sẩm sẩm tối, trời se se lạnh, trong tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ bộ loa thùng ở nhà văn hóa, cùng ánh đèn điện chiếu vàng, ấm áp, mọi người cùng trò chuyện về năm cũ và chia sẻ những dự đính năm mới. Những câu chuyện hướng về đám con cháu đi làm ăn xa có về không. Câu chuyện cuối cùng dồn về chủ đề gia đình ông bà Nụ. Lạ nhỉ, 3 năm nay, cả hai cặp vợ chồng trẻ kia đều chưa về đúng dịp Tết năm nào. Vì tế nhị, không ai hỏi, nhưng cũng có lần bà Nụ bâng quơ:
- Lắm lúc cũng chỉ mong chiều 30 Tết như hồi hai thằng cu kia đang là sinh viên về nghỉ… Đứa ra, đứa vào… chí chóe mà vui.
Bà Liên sát bên đế vào:
- Giờ các cháu đã đi làm và cưới vợ rồi. Thời gian đầu còn phải tính toán làm ăn, rồi sinh nở…
Bà Nụ khẽ thở dài. Cuộc sống của con cái luôn là mối canh cánh trong lòng mẹ cha. Các con thuận buồm xuôi gió còn đỡ, chứ mà "cơm không lành, canh không ngọt” là điều thật đáng nghĩ. Hai đứa con… khát vọng bay cao, bay xa. Ừ, đúng rồi, nhưng điều khiến ông bà bận tâm chính là chuyện con cái. Hơn 3 năm rồi… Vợ thằng lớn đi khám, bảo chẳng sao mà vẫn chưa đậu được. Còn vợ chồng thằng hai, có 2 tháng lại sẩy mất, đang thuốc thang. Sau vụ ấy, vợ chồng nó cũng sốc. Gọi điện cho chúng nó, hỏi kỹ thì sợ chúng buồn, không hỏi thì áy náy. Thằng hai dù tâm trạng bất ổn nhưng vấn át đi: "Mẹ không lo, vợ chồng con và vợ chồng anh Đức dự định đẻ đủ "định biên”. Lúc đấy bà tha hồ lì xì cho các cháu…”. Bố chúng mày chứ. Được thế thì còn gì bằng. Bà nói mà mắt ngân ngấn lệ. Mỗi năm, vào dịp xóm làng nhộn nhịp con cháu, tíu tít xôi, bánh, ông bà cũng tham gia đầy đủ, nhưng vẫn canh cánh chuyện: Tết này con chưa về được, dù năm nào, số bánh ông bà tham gia đủ cho cả gia đình 6 người ăn…Mỗi dịp Tết, nhìn chồng bánh được chia sau các cuộc luộc bánh tập thể, ông bà cũng thấy buồn buồn là… Tết năm nay khả năng cũng vậy… Suốt mấy tháng đầu đông, ông bà chăm tưới, vun xới và hy vọng Tết này có mấy chậu cúc bày hết hàng hiên đón Tết. Hồi giữa năm, vợ chồng cậu hai cũng đã gọi điện nhắn nhủ: Mấy bữa nữa, chúng con "búc vé” khứ hồi để hai vợ chồng con về ăn Tết cùng bố mẹ. Nhà con quen chơi mai, nhưng lại đang háo hức nhà mình chưng đào đón xuân mới. Cây đào của bố vẫn tốt tươi chứ, tuốt lá đúng dịp để đào ra nụ, đơm hoa…
Thế rồi, tháng nào cũng gọi, cũng hứa hẹn. Năm nay cũng thế, đến tháng 10 âm lịch, khi những cơn gió mang theo hơi lạnh thổi hun hút trên cánh đồng sau nhà, thì cậu Độ lại gọi về hối hả. Ông bà nghe điện, thở dài thườn thượt, ánh mắt lại đầy ưu tư, lo lắng… Rồi những ngày áp Tết đã đến. Chiều nay, khi nhà ai cũng nhận đủ phần bánh chưng và ông Nụ theo thói quen đã nấu sẵn cho bà nồi nước gội đầu thơm mùi lá sả, thì lại có điện thoại cậu cả. Cuối năm, nghe một cuộc điện thoại từ xa mà có bao tâm trạng. Bà đã buông mớ tóc dài chấm gót định dội nước thì phải dừng. Thằng cu Đức (với ông bà vẫn là tên gọi đó) gọi về. Tay bà run run, miệng nở nụ cười… Sáng hôm sau, khi những tia năng xuân mới dâng tràn trên các lối nhỏ, ông bà Nụ khệ nệ ôm những bó hoa cúc, hoa hồng đến từng nhà: gọi là góp chút hoa xuân cho mỗi nhà. Tiếng nói, tiếng cười của ông bà Nụ khiến mọi người vui lây. Các bà ạ, mừng quá, dù Tết này 2 thằng cu kia không về được. Ngoài chuyện dịch dã ra, vợ thằng Đức đã có thai tháng thứ 4, đang nằm chăm dưỡng tại bệnh viện chờ sinh mới về; con vợ thằng Độ cũng có tin vui. Thôi, hoa xuân không bán nữa. Chả có niềm vui nào lớn hơn thế. Chúng nó không về được mà như có tiếng nói, tiếng cười của chúng đâu đây. Nên ông bà tặng cả xóm những bông hoa tươi thắm đó, như món quà vui chia sẻ cùng mọi người. Xuân đã về trên khắp ngõ xóm rồi.
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT) - Cơn mưa phùn sáng nay như kéo thời gian trôi nhanh về những ngày giáp Tết. Sáng sớm đi chợ, phát hiện ra quán xá tẻ nhạt hàng ngày bỗng nhộn nhịp bất thường bởi một mặt hàng khác lạ - hành muối. Nhớ đến những Tết xưa, đầu tháng chạp đã tất bật nén một vại dưa hành và sau lễ cúng ông Công, ông Táo tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ - là Tết sắp về. Vì vậy, thuở bé, Tết được báo hiệu bằng khoảnh khắc tìm thấy trong cái làn nhựa đi chợ của mẹ ngoài những mặt hàng quen thuộc có thêm đôi ba cân hành củ.
(HBĐT) - chị V. đang chuẩn bị cho bữa tối thì nghe đánh "xoảng” bên nhà bà M. Tiếng bà M. tru tréo: "Trời ạ, con với cháu, vỡ hết đống bát rồi. Ông đâu rồi…”.
Truyện ngắn của Trần Văn Thiên
(HBĐT) - Chú Đức về thăm bản Tà Lèng... Tin đó nhanh như điện được loan khắp nơi trong bản. Chiếc xe "zíp” chạy loanh quanh một vòng chân đồi, qua mấy cây cầu bắc qua suối thì tạt vào ngõ nhà tôi. Đám trẻ xung quanh chạy túm tụm bu đông bu đỏ, y hệt cảnh chúng tôi háo hức sờ tay vào chiếc xe mô tô 3 bánh cách đây chừng 25 năm. 2 đứa con nhà tôi vui mừng, hãnh diện ra mặt vì có xe ô tô đến nhà mình, nhảy tót lên ngồi, nhún nhẩy trên nệm…
(HBĐT) - Ngày mai, ngày kia và có thể cả tuần sau, sau nữa sẽ tiếp tục là những chuỗi ngày bận rộn. Phải ăn, ngủ điều độ theo đúng quân lệnh để đảm bảo sức khỏe sẵn sàng tác chiến. Nghĩ vậy, nhưng tiếng kèn hiệu lệnh giờ đi ngủ của doanh trại đã vang lên từ lâu, Thiếu tá Lê Dũng vẫn không thể nào chợp mắt. Anh bật dậy mở toang cửa sổ để ngắm ánh trăng mờ ẩn sau lớp sương đêm dày đặc.