Lúc giải lao Dũng thường ngắm bức ảnh mình tự chụp sau chuyến đi cùng anh em trong nhóm nhiếp ảnh.
Hôm ấy, chiếc flycam lâu nay được cất trong hộp đã thỏa sức bay lượn khắp một vùng rừng núi bình yên. Công nghệ hiện đại đã hiện thực hóa ước mơ về những phép màu, con người chỉ cần có thời gian là có thể thảnh thơi tận hưởng. Ảo cũng là một thú vui, chẳng chết ai và ai cũng cần sự hư ảo đó để "chữa lành” những vết thương từ áp lực cuộc sống.
Độ một tuần sau, khi đang ngồi họp chuẩn bị cho công việc cuối năm thì anh nhận được cuộc gọi từ nhân viên của cửa hàng dịch vụ in phóng ảnh vốn khó tính.
- Ảnh "vỡ” quá, anh phải gửi file gốc để em xem sao?
Vốn là người kỹ tính, ghét sự thay đổi, Dũng không đời nào dễ dàng chấp nhận nên buông một câu cáo lỗi. Tiền anh đã nhận, hợp đồng coi như đã xong, sao lại đòi hỏi bản gốc. Có được bức ảnh đẹp này anh đã phải giao cho cậu IT ở cơ quan chỉnh sửa theo đúng ý anh. Những hiệu ứng sẽ khỏa lấp nhược điểm cố hữu của góc chết, nghệ thuật dù chụp sáng hay chiều, mờ hay tỏ vì vĩnh viễn vẫn là "ánh trăng lừa dối…”.
Tưởng đã yên, lúc họp xong Dũng cầm điện thoại lên thấy tin nhắn của cô ta chưa hề buông tha anh: "Anh nhớ nhắn cho em nhé, ảnh này mà để thợ chỉnh non tay là mất đi vẻ đẹp vốn có”. Không hiểu sao đang rất khó chịu nhưng nghe đến bốn chữ "vẻ đẹp vốn có”, Dũng lại thấy mềm lòng. Sở dĩ anh tranh thủ ngày nghỉ để lên các vùng đồi núi là để "săn” vẻ hoang sơ của mây, của nắng và những nếp nhà. Thế nên, nếu để mất đi vẻ hoang sơ, tự nhiên ấy chẳng phải bõ công của anh sao?
Tối ấy, Dũng rủ mấy người bạn đi ăn. Vốn sinh ra ở đồng bằng, học trường chuyên, lớp chọn, nhà mặt tiền, từ nhỏ theo mẹ đến các dãy trọ trong ngõ thu tiền nhà… nhưng chẳng hiểu sao Dũng rất khoái cảnh đồng quê. Mạnh và Xuân thì ngược lại, hai thằng đó khoái nhà tầng, xe cộ, máy móc… đại loại là tránh xa thủ công và tôn sùng công nghệ.
- Dũng này, cậu hay đi lên đấy biết có ai bán nhà sàn không?
- Ơ hay, dở giời hay sao mà ông lại mê truyền thống đến vậy hả ông Xuân? - Dũng nói sau khi thấy giật mình.
- Thì nhà sàn cao ráo, mát mẻ, sang trọng, dựng ở quê hay ở phố đều đẹp. Người ta tìm mua suốt đó thôi. Ông bay flycam suốt mà không soi ra được cái nào à?
Dũng gật gù, quay ra xe lấy surface bật lên tìm file ảnh gốc. Cô nhân viên nhà hàng được "cảnh báo” chưa vội mang đồ ăn lên bởi các thực khách đang "nhắm” ảnh. Đúng là hoang sơ, tự nhiên, đúng là… chợt Dũng lặng im khiến hai người bạn thấy lạ.
- Các cậu nhìn thấy gì không?
- Thấy gì?
- Giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp (Dũng kích chuột máy tính zoom nhẹ khung hình) một xóm nghèo nhà cửa cũ kỹ…
Ba ngày sau, tại quán cafe, Dũng nhắc Xuân:
- Cậu đã nghĩ ra được ý tưởng gì chưa?
- Nghĩ rồi, tôi muốn làm sao để vừa kiên cố, vừa mang bản sắc để đồng bào có được hai niềm vui.
- Hai niềm vui gì, kiến trúc sư hôm nay có vẻ bí hiểm thế?
- Này, ông đừng nghĩ cái dân vẽ vẽ, gạch gạch như tôi là khô khan nhé. Nhà kiên cố người ta thích nhưng phải đúng bản sắc người ta mới vui. Ông hiểu chưa?
Thế là những ngôi nhà dần hiện ra cùng sự phối cảnh. Chỉ còn chờ đến ngày ý tưởng đó thành hiện thực. Một vẻ đẹp mà anh và bạn bè ấp ủ xây đắp thành hiện thực chứ không phải những chỉnh sửa, tô vẽ.
Hiệp nhận được cuộc gọi của Dũng mà không khỏi bất ngờ. Ngày đó, anh là sinh viên năm thứ hai đi làm thêm, gặp đúng nhà chủ đang cần dựng nhà sàn mới mua từ miền núi về. Vốn là người thợ khéo tay nhất vùng, Hiệp nhận lời chỉ đạo nhóm thợ lắp ráp, dựng nhà y chang như ban đầu. Trong số những người trợ giúp thì anh con trai chủ nhà là người hăng hái nhất. Người thành phố lần đầu bỡ ngỡ với nhà sàn nhưng học hỏi rất nhanh. Thế rồi Hiệp về quê làm việc ở xã, Dũng nghe đâu ra nước ngoài tiếp tục du học và mở công ty. Hai người gần như mất liên lạc.
- Thế cậu có kế hoạch gì chưa? Nguồn lực có gì rồi?
- Kế hoạch thì nhiều lắm mà điều kiện khó khăn, chưa thể ngày một ngày hai lo cho bà con được.
- Thế để tôi bàn với anh em, sẽ có cách, xuân này sẽ khác…
Tháng Chạp, cả xóm bỗng náo nức bởi những chuyến xe. Trai tráng thì hò nhau khuân vác, giúp các anh thợ lắp đặt. Các mế thổi xôi, các chị lấy lá chuối về dọn cỗ lá, trẻ con háo hức kháo nhau… quang cảnh dựng nhà thật đông vui, náo nức. Những chiếc cẩu lực lưỡng như cánh tay khổng lồ, những người thợ khéo léo, nhịp nhàng, chẳng mấy chốc ba căn nhà sàn bê tông dần hiện ra. Lũ trẻ háo hức chờ đợi rồi cũng đến ngày được leo lên các bậc thang chắc chắn như ở trường học. Em bé tập bò trên nền lát sáng bóng, người già nhìn lên mái nhà từ nay không có dột ngày mưa, sương giá mùa đông. Chỉ có Hiệp có vẻ gầy đi nhưng ánh mắt thì toát lên niềm vui. Anh đặt tay lên lan can bê tông như muốn bấm thử vào đó xem có phải mình nằm mơ hay cảnh thực trước mắt.
Rất tình cờ, anh và Dũng đều quan tâm đến ba hộ khó khăn trong xóm núi này. Ở đây đã nhiều đời, bà con chăm chỉ làm ăn nhưng do khó khăn về nhiều mặt nên thu nhập chỉ ở mức đủ ăn, chưa thể tích lũy để xây dựng nhà kiên cố. Những ngôi nhà sàn gỗ nhiều năm chịu nắng mưa giờ xiêu vẹo, dột nát khiến người già và trẻ em mùa đông phải chịu cảnh rét mướt, mùa mưa phải che đậy bằng các loại bạt mà vẫn ướt sũng. Trước tình hình đó, hưởng ứng lời kêu gọi xóa nhà tạm, nhà dột nát, Hiệp và anh chị em trong Mặt trận Tổ quốc huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, ủng hộ nhưng nguồn lực tại địa phương có hạn. Đúng lúc ấy, Dũng tìm đến, anh và nhóm bạn mỗi người một ít, trực tiếp ủng hộ vật liệu, hướng dẫn kỹ thuật và thiết kế ba ngôi nhà sàn bê tông vừa mang bản sắc dân tộc, vừa kiên cố vững chắc.
Đang mải suy tư, Hiệp bị tiếng gọi của ai đó làm thực tỉnh:
- Anh Hiệp ơi, lên đây chụp ảnh nào.
Hiệp chạy lên nhà sàn, ngôi nhà cuối cùng đã hoàn thiện chờ khánh thành trong ngày cuối tháng Chạp. Mọi người cùng hướng về phía máy ảnh, đột nhiên có người thốt lên: "Hoa đào nở rồi kìa”. Đó là bông hoa đầu tiên nở dưới hiên nhà, ngôi nhà ấm áp nghĩa tình miền xuôi, miền ngược, của tình nghĩa đồng bào trong mùa Xuân mới…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương