Chị Phạm Thanh Thuỷ giới thiệu các món ăn truyền thống với du khách
Từ trung tâm thị trấn Cao Phong đến xã Hợp Phong, lên xóm Mừng khoảng hơn 10 km. Xóm Mừng nằm ở độ cao khoảng 700 - 800m so với mực nước biển, được ví như "nóc nhà" của huyện Cao Phong. Đường lên xóm Mừng có đoạn còn khó khăn, song khi lên được đến đỉnh cao nhất của xóm, chiêm ngưỡng được cả không gian ngập tràn sắc xuân của hoa anh đào nơi đây thì mọi mệt mỏi dường như đều tan biến.
Chị Phạm Thanh Thuỷ, chủ nhân vườn hoa anh đào tại xóm Mừng chia sẻ: Gia đình tôi chuyển lên xóm Mừng và trồng hoa anh đào năm 2020. Năm 2024 hoa bắt đầu nở, đến mùa xuân năm nay thì hoa nở rộ. Khó khăn nhất có thể nói không biết vì sâu bệnh hay cách chăm chưa hợp lý mà mỗi năm, cứ vào đầu mùa khô có vài chục cây bị chết.
Kể về cơ duyên của mình với xóm Mừng, chị Thủy nhớ lại: "Ban đầu tôi lên Cao Phong tham quan vườn cam, vô tình thấy con đường lên xóm Mừng. Tò mò đi lên tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy khí hậu ở đỉnh xóm Mừng rất dễ chịu, lại gần Hà Nội, đi lại dễ dàng, độ cao gần như Tam Đảo, thích hợp để nghỉ dưỡng. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy khí hậu ở đây hợp với những loại cây như anh đào, mơ, mận. Xuất phát từ mong muốn có cho mình một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng về sau, tôi cùng người bạn tên Phong bắt tay vào trồng cây. Tất cả khoảng 400 cây, đều do chúng tôi tự trồng và chăm sóc. Sau đó xin phép trồng ở ngoài xóm, thuê người chăm sóc hàng năm. Sau khi trồng cây, tôi mua một mảnh đất nhỏ để xây nhà, mục đích có nơi ở giúp việc chăm sóc cây thuận tiện hơn".
Có lẽ bởi tính tỉ mỉ cũng như mục đích đơn thuần, chân thành mà nơi đỉnh xóm Mừng ban đầu là quả đồi hoang, sau đã thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều homestay của các hộ làm du lịch, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch.
"Khởi đầu tôi không có dự định làm homestay, tôi chỉ muốn làm đẹp cho xóm. Năm đầu mới đến tôi tặng mỗi nhà trong xóm 1 cây anh đào và 1 cây mận, năm sau tặng mỗi nhà 2 cây đào kép và gửi mỗi nhà 100.000 đồng coi như tiền công trồng trong vườn nhà và họ cam kết không bán cây. Sau đó trồng cây ra đường, quanh cây đa cổ thụ (từ biển chào xóm Mừng đến hết cây đa cổ thụ).
Ngoài ra, chị Thủy còn mang dã quỳ từ Ba Vì về trồng 6km từ chân núi lên biển chào. Thuê lại ruộng của 24 hộ quanh cây cổ thụ để trồng hoa bướm và tặng lại tất cả hoa bướm cho bà con để có thu nhập từ du lịch, kích thích nhu cầu làm du lịch cộng đồng của người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo chia sẻ của chị Thủy, môi trường quan tâm tại xóm Mừng. Trước đây xe thu gom rác không lên xóm, chị đã đặt vấn đề với xã đưa xe rác lên tận nơi hỗ trợ thu gom rác cùng bà con, cải thiện môi trường được trong sạch. Bên cạnh đó, khuyến khích mọi người không dùng chất tẩy rửa hóa học vì là khu vực đỉnh núi. Từ ngày chị bắt tay vào làm đến nay, người dân trong xóm cũng có việc làm nhiều hơn như mở dịch vụ ăn uống, điểm trông giữ xe cho khách du lịch...
Về kế hoạch tương lai, chị Thủy mong muốn song song với phát triển du lịch tiếp tục duy trì và phát triển "lớp học tình nguyện” của mình. Đây là lớp học do chị Thủy cùng bạn bè mở vào các dịp hè, mời giáo viên về xóm giảng dạy, đào tạo miễn phí cho trẻ em trong xóm Mừng những kỹ năng sống và tiếng Anh, giúp các em nhỏ có kiến thức, tư duy tiên tiến hơn, làm tiền để mở mang, phát triển bản thân sau này.
Thời gian gần đây, lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch tại xóm Mừng đông hơn, đa phần du khách thích thú với vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên cùng con người thân thiện, văn hóa đậm bản sắc và ẩm thực phong phú. Không dừng lại ở cung cấp đồ ăn, chỗ ở cho du khách, khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài còn có thêm những trải nghiệm khi tham gia vào đời sống sản xuất của bà con xóm Mừng như đi lấy củi, trồng cây, hái quả, làm cỗ lá, nấu bánh chưng dịp Tết cổ truyền...
La Hưng