(HBĐT) - Thăm xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), chúng tôi bị cuốn hút bởi hoạt động trải nghiệm dệt thổ cẩm, nhuộm vải cùng các chị em trong tổ hợp tác (THT) thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng. Trong căn phòng nhỏ, các sản phẩm thổ cẩm mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao dần được tạo ra bởi những đôi tay khéo léo, tỉ mỉ. Không chỉ góp phần "hồi sinh” nghề dệt truyền thống, THT còn tạo việc làm cho nhiều nữ lao động người Dao Tiền ở nơi đây.


Sản phẩm của tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) được làm thủ công nên du khách ưa thích.

Cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, mộc mạc ở xóm Sưng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Một trong những hoạt động thú vị được du khách yêu thích nhất là cùng nhuộm vải và dệt thổ cẩm với bà con địa phương. Năm 2019, với khát khao đem lại sinh kế, giúp phụ nữ Dao Tiền vươn lên làm chủ cuộc sống, nắm bắt và tận dụng những lợi thế địa phương sẵn có, những đặc sắc truyền thống dân tộc, THT thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng được thành lập. Hiện THT có 12 thành viên với mức thu nhập khá ổn định. Một điều đặc biệt tại THT này là trong các chị em tham gia làm việc, có chị là người khuyết tật hoặc gia đình có thành viên là người khuyết tật, có người trong gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương. Dù vậy, ai cũng luôn cố gắng hoàn thành hết phần việc của mình với tâm huyết và đam mê.

Giờ đây, dù cho cuộc sống hiện đại đã lan tỏa đến những bản làng vùng cao, phụ nữ Dao Tiền vẫn luôn mong muốn giữ nguyên giá trị và bản sắc của dân tộc mình. Cẩn thận đưa từng mũi kim trên tấm thổ cẩm đang thêu dở, chị Lý Thị Nhất, thành viên THT cho biết: Từ nhỏ, chị em xóm Sưng được lớp người già truyền dạy lại nghề và họ đều tự tay mình dệt thành vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền để trang trí trên váy, áo của mình. Bởi vậy, công việc ở THT đối với các chị em không quá khó khăn. Sau khi thành lập, được các dự án, chương trình của địa phương, các tổ chức hỗ trợ, chị em được đào tạo thêm kỹ năng cắt may cũng như cách sử dụng máy may hiện đại. Dù vậy, kỹ thuật dệt vải, nhuộm chàm vẫn được các thành viên THT thực hiện theo đúng phương pháp truyền thống của thế hệ đi trước truyền lại.

Để làm nên một tấm vải thổ cẩm hoàn chỉnh, người phụ nữ Dao phải chuẩn bị nguyên liệu tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và chuyên tâm mới có tấm vải dệt chỉ sợi đều tăm tắp. Trên sản phẩm, chị em ứng dụng các kỹ thuật thêu hoa văn vào sản xuất túi xách, khăn quàng cổ, móc khóa... Kỹ thuật nhuộm chàm cũng được sử dụng, chủ yếu là để hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm cách nhuộm vải khi đến tham quan nơi này.

Hiện, sản phẩm của THT thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng trở thành hàng hóa được quảng bá trên các mạng xã hội, được nhiều du khách biết đến. THT cung cấp đa dạng các sản phẩm như: Túi xách, trang phục truyền thống người dân tộc Dao Tiền, ví, móc khóa, ba lô... Giá thành các sản phẩm phụ kiện thời trang dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ bán các sản phẩm thổ cẩm đạt trên 100 triệu đồng, chưa kể từ các dịch vụ hướng dẫn du khách trải nghiệm nhuộm vải, dệt thổ cẩm.

Sau thời gian thành lập và đi vào hoạt động, THT đã truyền cảm hứng, thúc đẩy chị em nỗ lực sản xuất, lao động để cải thiện thu nhập. Chị Lý Thị Hằng, tổ trưởng THT cho biết: Hiệu quả kinh tế mà THT thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng mang lại có thể còn khiêm tốn. Tuy nhiên, THT cùng các thành viên đã nỗ lực gìn giữ, phát huy được ngành nghề truyền thống của dân tộc mình. Quan trọng nhất là THT đã giúp lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có việc làm ổn định và cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên.

Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của khách hàng cũng như nâng cao năng suất hoạt động, đời sống thành viên và thúc đẩy du lịch cộng đồng, THT mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các thành viên của tổ cũng mong muốn được đào tạo nâng cao tay nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch...


T.H


Các tin khác


1.581 hộ đồng bào dân tộc có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát, tỉnh có 1.126 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ, xen ghép và 455 hộ cần bố trí ổn định dân cư tập trung.

Xã Chí Đạo phát triển các mô hình sản xuất để giảm nghèo bền vững

(HBĐT) - Cách đây hơn 6 năm, anh Bùi Văn Chiến, hộ cận nghèo xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi trâu theo hướng vỗ béo. Cùng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, anh mở thêm cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng và mặt hàng gas tiêu dùng tại nhà.

Xã Tử Nê quan tâm cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Nhờ được phân bổ các nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển KT-XH, đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã Tử Nê, huyện Tân Lạc nói riêng đã có nhiều đổi thay.

Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc

(HBĐT) - Hiện nay, các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2021 – 2023) và đánh giá kết quả 9 tháng năm 2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.

Huyện Lạc Thủy chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thủy đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục