(HBĐT) - Để đến xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) du khách phải vượt qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu… Đường đi còn nhiều khó khăn nhưng không ngăn được bước chân chinh phục các bản làng du lịch cộng đồng huyện vùng cao Đà Bắc của du khách. Thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng con người thân thiện, cởi mở đã tạo nên sức hút kỳ lạ trong lòng du khách.

Đồng chí Bùi Hồng Anh, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: Huyện xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Huyện có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch như hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực cho các homestay trên địa bàn. Trong thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đưa các chủ homestay đi học tập tại các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn; tập trung đầu tư, khai thác các điểm du lịch cộng đồng tại xóm Ké, xóm Sưng, xóm Đá Bia… Quan tâm chỉ đạo, kêu gọi thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào du lịch của huyện. Các điểm du lịch cộng đồng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách. Khu du lịch cộng đồng xóm Đá Bia là 1 trong 3 khu du lịch của cả nước đoạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh Đà Bắc hùng vĩ, tươi đẹp và mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.


Khách du lịch trải nghiệm chèo bè mảng tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Hiện nay, huyện Đà Bắc có 9 cơ sở lưu trú và 3 điểm du lịch cộng đồng với 11 hộ kinh doanh du lịch tại các xã: Hiền Lương, Tiền Phong, Cao Sơn, 1 điểm du lịch tại đảo Dừa (thuộc Khu du lịch hồ Hòa Bình). Số lượng du khách ngày càng tăng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Trong 8 tháng năm 2019, huyện đón 80 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 18 tỷ đồng. Nhờ phát triển du lịch đã tạo sinh kế cho người dân nơi đây. Người dân đổi mới tư duy nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng đảm bảo chất lượng và có thương hiệu. Bên cạnh đó, người dân luôn ý thức việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan thiên nhiên trong lành; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách. Nhiều đoàn khách du lịch tới xã Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn làm từ thiện, giúp người dân xây nhà vệ sinh, làm đường, dạy trẻ nhỏ học…

Anh Đinh Văn Sánh, chủ homestay tại xóm Ké, xã Hiền Lương chia sẻ: Trước đây, tôi và các thành viên trong gia đình chưa hiểu thế nào là du lịch cộng đồng. Sau khi được tham gia lớp tập huấn về du lịch do Sở VH-TT&DL tổ chức giúp tôi hiểu, có kiến thức, từ đó quyết tâm thực hiện bằng được việc phát triển du lịch cộng đồng. Tháng 4/2014, gia đình tôi bắt tay vào làm du lịch. Lần đầu tiên đón khách còn bỡ ngỡ nhưng với sự thân thiện, chân tình, mộc mạc của gia đình như đón bạn đến chơi nhà đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách. Tôi cùng các thành viên trong gia đình không ngừng học tập trau dồi kiến thức trong giao tiếp. Bản thân tôi còn đi học thêm tiếng Anh, học nấu ăn, trang trí phòng nghỉ sao cho khoa học, sạch sẽ nhưng phải thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt áp dụng công nghệ 4.0 vào làm du lịch để thuận tiện cho du khách đặt phòng. Tôi tích cực quảng bá hình ảnh Hiền Lương tươi đẹp lên zalo, facebook để bạn bè biết đến... Hiện nay, du lịch cộng đồng đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi và quê hương Hiền Lương.

Vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ, Tết, đa số các homestay tại Đà Bắc đều kín khách. Số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh theo các năm. Đến Đà Bắc, khách du lịch được trải nghiệm, khám phá văn hóa Mường tại xóm Ké, xóm Đá Bia, phong tục của người Dao tại xóm Sưng. Du khách được khám phá núi non hùng vĩ, những cánh rừng già huyền thoại. Nếu ai thích sông nước sẽ được trải nghiệm thú vị trên sông Đà thơ mộng với chuyến thăm quan chốn linh thiêng đền Bờ, trải nghiệm chăm sóc cá lồng cùng người dân và tự tay chọn những con cá tươi ngon để chế biến món ăn. Ngoài ra, khách du lịch có thể tham gia trò chơi đua thuyền kayak trên sông Đà. Tối đến, bên ánh lửa hồng cùng người dân bản địa hát các làn điệu dân ca Mường, các tiết mục múa đậm bản sắc của người Dao... 

Sự sáng tạo trong cách làm du lịch của các homestay cùng vẻ đẹp huyền bí của miền sơn cước tạo nên sức hút đặc biệt trong lòng du khách. Chị Đặng Cẩm Tú ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: "Tháng 8, những cơn mưa rào khiến đường trơn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vượt cung đường 433 uốn lượn và dừng chân tại xóm Sưng, xã Cao Sơn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân tới xóm Sưng là những ngôi nhà mái lá đơn sơ với tường gỗ thấp thoáng trong rừng cây xanh mướt. Trong nhà đồ dùng được làm từ gỗ, tre, nứa tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với môi trường. Sáng sớm tận hưởng không khí trong lành, được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, cùng thong dong đạp xe quanh xóm thật sảng khoái. Người dân nơi đây rất cởi mở, mến khách. Điều ấn tượng trong tôi nhất là được trải nghiệm thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Dao hết sức tinh tế và đặc sắc. Đến với bản du lịch cộng đồng, giúp chúng tôi quên đi những lo toan, mệt mỏi thường ngày. Hẹn có ngày sẽ cùng bạn bè quay trở lại nơi đây".

Thu Thủy


Các tin khác


Huyện Tân Lạc thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch - triển vọng bứt phá kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Cũng như nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Tân Lạc đang đi đến chặng đường nước rút nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Nhìn lại 4 năm, BCH Đảng bộ huyện Tân Lạc đã ban hành nhiều chỉ thỉ, nghị quyết quan trọng nhằm hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong đó, Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xem là một trong những nghị quyết tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của địa phương.

Lần đầu tổ chức thi “Người đẹp du lịch non nước Cao Bằng” năm 2019

Cuộc thi "Người đẹp du lịch non nước Cao Bằng sẽ chọn ra cô gái đẹp nhất cả về hình thức và trí tuệ nhằm giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa, con người Cao Bằng cũng như các tỉnh Việt Bắc.

Lượng khách du lịch đổ về Mù Cang Chải ngày càng tăng mạnh

Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 40.000 lượt khách du lịch đặt chân đến khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp ở huyện vùng cao Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

Hang Kia - Pà Cò, điểm du lịch hấp dẫn

Lâu nay, nói đến du lịch Mai Châu, Hòa Bình, thường chỉ nhắc tới bản Văn, bản Lác, Pom Coọng, ít ai biết hai xã Hang Kia - Pà Cò cũng là những điểm đến giàu tiềm năng du lịch với thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Chính quyền và ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực biến nơi đây trở thành điểm đến trọng điểm về du lịch của tỉnh.

Lên rừng, xuống biển ở đất võ Bình Định

(HBĐT)-Tháng 7, miền Trung nắng và nóng nhưng không quá khó chịu khi có làn gió mát rượi thổi từ biển. Cũng vì thế, thời điểm này, du khách các nơi đổ về đây đông hơn dịp khác. Đưa du khách đi thăm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trong đêm trăng mờ ảo, anh Đức Tiến, người lái xe điện chuyên chở khách chia sẻ: Các anh, chị vào dịp này là đẹp nhất đó. Mùa này, sóng êm và xanh trong hơn. Còn phía tây kia, nhiều thắng cảnh du lịch cũng không kém phần hấp dẫn. Đến Bình Định cần cả lên rừng và xuống biển…

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Ninh Thuận

Để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục