Nhờ cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, là vùng đất nổi tiếng về văn hoá dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hoá các dân tộc ở Tây Bắc, huyện Mai Châu đã và đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) lý tưởng cho du khách ưa thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa.




Du khách trải nghiệm đi bè mảng trên dòng suối Xia, xã Mai Hịch (Mai Châu), khám phá vẻ đẹp thiên nhiên.

Nhắc đến Mai Châu, du khách nghĩ đến bản Lác, xã Chiềng Châu. Đây là bản của người dân tộc Thái có tuổi đời hơn 700 năm. Cho đến nay, người dân trong bản vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn phong tục tập quán. Cảnh sắc núi, đồi và đồng ruộng tươi đẹp tạo nên sức hút lớn với du khách. Bản bắt đầu đón các đoàn khách ngoại giao quốc tế đến Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước và được biết đến như một "điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tiếp đó là bản Pom Coọng, thị trấn Mai Châu cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhờ giữ được nét đẹp giản dị, mộc mạc của vùng quê yên bình. Cái tên của bản có ý nghĩa rất hay và độc đáo, từ ''Pom'' trong tiếng Thái là quả đồi, còn ''Coọng'' nghĩa là cái trống. Ghép cả hai từ Pom Coọng lại với nhau có nghĩa là bản làng có những quả đồi nằm bên trên một cái trống lớn. Kết cấu địa hình ở đây khá đặc biệt khi núi đồi nằm xen lẫn với cánh đồng tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Một điểm đến hấp dẫn nữa là bản Văn. So với bản Lác thì bản Văn không quá náo nhiệt. Các dãy nhà sàn được xây dựng ngăn nắp và là nơi có không gian rộng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh hay thưởng thức những món ăn ngon mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống lâu đời của người dân bản địa.

Nếu muốn đi xa hơn khu vực thị trấn để thăm các điểm DLCĐ của người dân tộc Thái, du khách có thể chọn bản Hịch thuộc xã Mai Hịch, nằm cách trung tâm huyện khoảng 12 km. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận sự bình yên của làng quê, phong cảnh hữu tình, thiên nhiên thay đổi theo mùa cùng sự mến khách của người dân địa phương; được khám phá không gian văn hóa, như: làng nghề dệt truyền thống, thổ cẩm, đan lát; thưởng thức ẩm thực địa phương với các món ăn hấp dẫn như: vịt đầu xanh, rau sắng, cá dầm xanh; đi thuyền khám phá dòng suối Xia thơ mộng.


Phiên chợ vùng cao Mai Châu có sức hấp dẫn với du khách muốn trải nghiệm về bản sắc văn hoá.

Tiếp theo du khách có thể thăm bản Bước thuộc xã Xăm Khòe. Đến với bản Bước, du khách không chỉ choáng ngợp với màu xanh của thiên nhiên mà còn thoải mái tận hưởng cảm giác thảnh thơi khi ngắm nhìn những đồi cọ, thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh bản làng và từng đụn khói lam bảng lảng từ bếp lửa của những mái nhà sàn.

Di chuyển từ trung tâm thị trấn Mai Châu chừng gần 30 km theo quốc lộ 6 hướng đi Sơn La, du khách sẽ đến với những bản DLCĐ của đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Bản Chà Đáy, xã Pà Cò nằm ở độ cao 1.140m so với mực nước biển. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp; một số hộ làm du lịch homestay. Du khách sẽ có cơ hội tham gia chợ đêm được tổ chức vào tối thứ Bảy, chợ phiên Pà Cò họp vào sáng Chủ Nhật hàng tuần. Từ đây, du khách đi thêm khoảng 6 km là đến bản DLCĐ Hang Kia, xã Hang Kia. Bản có khí hậu mát mẻ quanh năm. Vào mùa xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hoa mận, hoa đào bung nở khắp rừng; ngắm nhìn những biển mây bồng bềnh trong thung lũng; tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Mông, cùng trải nghiệm dệt, nhuộm vải, làm trang phục và thưởng thức những món ăn đặc sản: xôi nếp nương, lợn bản, gà nướng, bánh dày…

Đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Xên bản, Xên Mường dân tộc Thái, lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, tổ chức phiên chợ vùng cao Mai Châu, chợ đêm Pà Cò… để thu hút khách du lịch. Hiện tại, huyện có hơn 200 cơ sở kinh doanh lưu trú, gồm 30 khu nghỉ dưỡng và khách sạn, hơn 170 nhà nghỉ cộng đồng với 15 xóm, bản có hoạt động DLCĐ. Sự hấp dẫn của Mai Châu chính bởi bản sắc văn hoá mang đậm dấu ấn của cư dân bản địa, bởi con người thân thiện, hồn hậu và hiếu khách, nét bình dị, thơ mộng và không gian đậm chất Tây Bắc. Đây chính là những tiềm năng quan trọng để chính quyền địa phương tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao chất lượng dịch vụ của các điểm du lịch.

Đặc biệt là trải qua quá trình hơn 40 năm hình thành và phát triển, huyện Mai Châu đã xây dựng được thương hiệu và là hình mẫu về DLCĐ cho các địa phương học tập; xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách như: du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm đối với khách nước ngoài, du lịch văn hóa, nghỉ cuối tuần dành cho khách ở các thành phố lớn, homestay đối với học sinh, sinh viên, nhóm gia đình.

DLCĐ huyện Mai Châu trở nên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Năm 2022, Mai Châu đón hơn nửa triệu lượt khách. Mới đây, chuyên trang đặt phòng nổi tiếng Booking.com đã công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh Mai Châu là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023.


Bùi Minh


Các tin khác


Bế mạc Liên hoan làng Du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023

Tối 19/11, Liên hoan làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) các tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) năm 2023 đã bế mạc. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao tỉnh năm 2023; đại diện một số sở, ngành và huyện Mai Châu.

Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023: Đặc sắc hội thi trang phục dân tộc

Tối 18/11, tại sân khấu chính Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra hội thi trình diễn trang phục dân tộc. Hàng nghìn du khách và người dân đã đến xem, cổ vũ cho hoạt động đặc sắc này.

Hấp dẫn hội thi ẩm thực và hoạt động trình diễn nghề truyền thống, trò chơi dân gian tiêu biểu

Ngày 18/11, trong khuôn khổ Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023 đã diễn ra hội thi ẩm thực và hoạt động trình diễn một số nghề truyền thống, trò chơi dân gian tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc các tỉnh.

Phát triển du lịch bền vững 

Phát triển du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực về vấn đề xã hội, mất di sản văn hóa, phụ thuộc kinh tế và suy thoái hệ sinh thái. Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đến năm 2030 xác định: Phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Hòa Bình – điểm đến an toàn và thân thiện

Đó là chủ đề Hội nghị xúc tiến về du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2023 diễn ra chiều 17/11 tại huyện Mai Châu. Tham dự có các đồng chí: Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 200 đại biểu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Đổi mới hoạt động du lịch tại Tam Cốc-Bích Động

Sở hữu cảnh sắc ấn tượng và là một phần trong Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình. Khu du lịch này ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục